Đường dẫn truy cập

Người Thượng tại Mỹ bị trục xuất về Việt Nam


ICE bắt một người nước ngoài phạm tội ở Mỹ.
ICE bắt một người nước ngoài phạm tội ở Mỹ.

Một người Việt vừa bị chính quyền Tổng thống Donald Trump trục xuất về Việt Nam từ một nhà tù ở thành phố Atlanta, bang Georgia.

Theo Politico hôm 14/8, ông Chuh A, 31 tuổi, một người Thượng sinh sống ở bang North Carolina, đã bị Cơ quan Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) trục xuất về Việt Nam vào tháng trước.

Ông Trần Tùng, Chủ tịch Cộng đồng người Việt ở Raleigh, North Carolina, cho VOA Việt Ngữ, biết:

“Tôi có nghe vụ anh ấy bị trục xuất. Tôi không rõ anh bị trục xuất như thế nào, nhưng tôi biết chắc chắn là anh ấy không xin được quy chế tị nạn.”

Trước đó vào tháng 6/2016, ông Chuh lần đầu tiên nhận lệnh trục xuất, sau một phiên xét xử vì vận chuyển mua túy. Tuy nhiên, khi ấy tòa đại sứ Việt ở thủ đô Washington từ chối cấp hộ chiếu hay giấy tờ cần thiết để ông Chuh hồi hương.

Ông Chuh bị giam giữ ở nhà tù do ICE quản lý ở Irwin County, bang Georgia, trước khi bị trục xuất về Việt Nam, theo Politico.

Tác giả bài báo có tựa đề “Chính sách trấn áp tội phạm di dân của ông Trump ảnh hưởng đến Việt Nam”, ký giả David Rogers cho rằng chính sách cứng rắn này Hoa Kỳ gây hoang mang cho nhiều người, trong đó có trường hợp con trai của một người Thượng chạy trốn sự đàn áp ở Việt Nam, nay bị xuất về nước.

Bài báo viết: “Con trai của một cựu chiến binh người Thượng đã bị trục xuất về Việt Nam hồi tháng 7, một động thái gây lo lắng cho nhiều người trong cộng đồng người tị nạn vì lịch sử của họ trong chiến tranh Việt Nam và những bằng chứng tiếp diễn về hành vi ngược đãi chính trị và kinh tế đối với người Thượng ở Việt Nam.”

Động thái này xảy ra ngay sau khi Tòa Bạch Ốc gây áp lực buộc Hà Nội xúc tiến khẩn trương hơn nữa nhằm xóa sổ các hồ sơ trục xuất bị tồn động đối với các công dân Việt Nam bị kết án ở Mỹ.

Khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn lãnh đạo cao cấp đến Washington vào cuối tháng Năm, vấn đề này đã được chính quyền Mỹ đề cập trực tiếp hai lần, bao gồm một lần ở Tòa Bạch Ốc và một lần trong cuộc họp riêng với Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly.

Tin Thanh Nguyen, Luật sư của ông Chuh, ở Charlotte, bang North Carolina, cho tờ Politico biết trước đây ông chưa hề nghe về trường hợp một người Thượng xin tị nạn đã bị trục xuất về Việt Nam.

"Chúng tôi chưa bao giờ nghe việc chính phủ Việt Nam đã cấp các giấy tờ thông hành," ông Nguyễn nói.

Tuy nhiên, cũng theo bài báo này, vài tuần sau cuộc họp giữ đoàn Việt Nam và Tòa Bạch Ốc hôm 31/5, các giấy tờ do phía Mỹ yêu cầu đã được phía Việt Nam cung cấp, theo hồ sơ của một tòa án của chính phủ Hoa Kỳ lưu ngày 22/6. Và ngay sau đó, ngày trục xuất được ấn định vào ngày 10/7, bất chấp các yêu cầu xin bãi nại lệnh trục xuất.

Luật sư Nguyen lập hồ sơ chi tiết vào ngày 6/7 với ICE, lên tiếng rằng ông Chuh là con của một người Thượng. Nhưng yêu cầu của luật sư bị từ chối. Liền ngay sau đó, bà Rex Ny, vợ của ông Chuh gọi điện cho luật sư thông báo rằng ông đã bị đưa lên máy bay về thành phố Hồ Chí Minh.

Luật sư nhận thông báo từ chối của ICE đề ngày 14/7, khi ấy ông Chuh đã về đến buôn làng cũ của mình ở tỉnh Kon Tum.

Vào tháng Sáu năm ngoái, tại phiên tòa xét xử về tội vận chuyển chất cấm MDMA, ông Chuh nói với thẩm phán William A. Cassidy của thành phố Atlanta rằng “ông ta sợ bị tra tấn nếu ông ta bị đưa về Việt Nam. Nhưng theo lời khuyên sai lầm của những người tù, ông đã từ chối lời đề nghị của thẩm phán để cho ông thêm thời gian tìm một luật sư và tìm kiếm sự bảo vệ.”

Vào năm 1998 khi mới 13 tuổi, gia đình Chuh định cư đến Hoa Kỳ, sau khi cha ông, ông Ton Ngiu ra tù, sau thời gian cải tạo 9 năm vì tham gia vào phong trào của người Thượng trong chiến tranh Việt Nam.

Nhưng khi ông Ngiu nhập tịch Mỹ thì Chuh đã hơn 18 tuổi nên Chuh không tự động được nhập tịch Mỹ theo cha.

Ông Chuh bị trục xuất về Việt Nam, để lại vợ là bà Rex Ny, một thợ làm móng ở thành phố Raleigh, một mình nuôi 4 con nhỏ, tuổi từ 5 đến 12.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của tổ chức Human Rights Watch nói rằng công an vẫn thường bắt giữ hay sách nhiễu người Thượng Việt Nam và trường hợp ông Chuh bị trục xuất là một “thảm họa.”

Các viên chức của Đại sứ quán Việt Nam tại Washington từ chối bình luận về trường hợp ông Chua bị trục xuất với tờ Politico, chỉ nói rằng đó là một thủ tục do Hà Nội và Washington tiến hành. Nhưng cộng đồng người Việt Nam rất ngạc nhiên bởi áp lực gia tăng từ chính quyền của ông Trumg kể từ tháng Năm.

Theo dữ liệu của ICE, Việt Nam hiện xếp thứ ba, sau Trung Quốc và Cuba, trong số các quốc gia được liệt kê là "người cấp bách" - nghĩa là các chính phủ của họ không cấp các giấy tờ hoặc hộ chiếu cần thiết để ICE thực thi lệnh trục xuất.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác nhận rằng ông John Kelly, người hiện nay là Chánh văn phòng của Nhà Trắng, đã gặp Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm bên lề chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phúc. Trong cuộc họp này phía Mỹ yêu cầu Việt Nam cam kết cấp giấy thông hành trong vòng 30 ngày để tiến hành lệnh trục xuất, một người phát ngôn của ICE cho Politico biết.

Trong trường hợp của Việt Nam, trong những năm gần đây, trung bình hàng năm Mỹ trục xuất gần 40 người. ICE ước tính có khoảng 8,500 trường hợp người Việt Nam có lệnh trục xuất nhưng còn tồn đọng, nhưng con số này dường như không phân biệt giữa những người đến Mỹ trước hoặc sau năm 1995, thời điểm bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trong trường hợp của ông Chuh, ICE đã giam ông gần 13 tháng, không phải 6 tháng như dưới chính quyền của cựu Tổng thống Obama.

Từ Kon Tum, ông Chuh nói rằng: “Khi ra tòa, tôi đã rất bối rối. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là cứ tên vào giấy trục xuất và chỉ trong 6 tháng, họ sẽ thả tôi ra."

Ông Chuh nói: “Tôi lo sợ sinh mạng của tôi khi hồi hương… Đêm nào tôi cũng khóc…”

VOA Express

XS
SM
MD
LG