Đường dẫn truy cập

Người Mỹ gốc Việt sống sót trong tai nạn xe lửa Amtrak


Cảnh sau tai nạn xe lửa Amtrak
Cảnh sau tai nạn xe lửa Amtrak

Một nạn nhân gốc Việt may mắn sống sót sau vụ xe lửa trật đường ray hôm 12/5 ở thảnh phố Philadelphia (Hoa Kỳ) bày tỏ cảm kích về cách người Mỹ ứng phó với thảm họa và nói rằng tai nạn khiến 8 người chết và hơn 200 người bị thương, dù kinh hoàng, nhưng không làm ông mất niềm tin vào an toàn ngành đường sắt Hoa Kỳ.

Giáo sư Duy Nguyễn, 39 tuổi, thuộc trường đại học Temple (New Jersey) đang trên đường từ thủ đô Washington DC về nhà sau khi tham dự một hội nghị của Tòa Bạch Ốc liên quan đến chương trình Sáng Kiến cho người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương thì chiếc xe lửa Amtrak bất ngờ bị lật, hất tung hành khách và biến các toa xe thành một đống sắt vụn.

Giáo sư Duy Nguyen
Giáo sư Duy Nguyen

Trong nhiều năm nay, Giáo sư Nguyễn là một hành khách quen thuộc thường sử dụng dịch vụ Amtrak nối liền Hành lang Đông Bắc bận rộn bao gồm Boston, New York, Washington để thăm viếng gia đình hay tham dự hội họp ở khu vực thủ đô.

Đến với Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay, Giáo sư Duy Nguyễn sẽ chia sẻ với các bạn kinh nghiệm khủng khiếp nhớ đời trong tai nạn xe lửa Amtrak gây chú ý công luận.

please wait

No media source currently available

0:00 0:08:58 0:00
Tải xuống

Giáo sư Duy Nguyễn: Tôi đi họp đó từ sáng tới chiều lên xe lửa đi về. Tôi làm ở Philadelphia, nhà tôi ở New Jersey. Tôi đi xe lửa thường xuyên mấy chục năm nay. Muốn đi qua đi lại nhanh, khỏi lo lái xe, khỏi lo bị tai nạn thì đi xe lửa, không có lo gì hết. Mình đâu có tưởng tượng đi xe lửa mà bị đụng.

Trà Mi: Tai nạn xảy ra thế nào? Những tình tiết ông nhớ nhất?

Giáo sư Duy Nguyễn: Bữa đó, khi vừa đi ra khỏi ga ở Philadelphia, tôi cảm thấy chiếc xe lửa nghiêng bên tay mặt. Tôi ngồi trong toa xe cuối cùng. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy có chuyện không tốt đang xảy ra.

Trà Mi: Phản ứng của mọi người thế nào?

Giáo sư Duy Nguyễn: Lúc đầu, không ai nói gì hết vì không ai biết gì, không có thông báo gì. Tôi bị lật qua phía bên phải của chiếc xe. Khi tất cả đều ngưng, điện đã cúp, thiên hạ bắt đầu kiếm người thân hay vật dụng của họ. Tôi lúc đó biết mình đã bị cắt trên đầu. Tôi chảy máu nhiều. Lưng thì đau, chảy máu. Tôi không biết điện thoại, máy tính, túi xách mình ở đâu, chỉ biết là phải ra khỏi xe ngay và cần đi cấp cứu. Trong xe mọi thứ đổ nhào, ghế không còn chặt, bị lật lên hết. Xe ngừng, thiên hạ kiếm đường ra khỏi xe. Chấn động mạnh lắm, tôi bị chảy máu nhiều lắm. Toa xe tôi ngồi bị lật nghiêng, vỡ ra, tôi đi ra khỏi chỗ đó. Tối không thấy đường, không biết mình đang ở đâu.

Tôi nghĩ nếu mình sống mà mình sợ, cũng không tốt. Sống mà lo thì cũng không vui vẻ gì. Mấy khi chuyện như vầy mới xảy ra, mình không thể lo suốt ngày được. Bây giờ tin tức nhanh quá có thể mình cảm giác như tai nạn xảy ra nhiều hơn, mình chú ý nhiều hơn thôi. Tuy nhiều khi xảy ra chuyện này chuyện kia, nhưng phần nhiều mình không lo. Tôi không dám nói sẽ trở lại đi xe lửa trong vòng 1 hay 2 tuần, nhưng hy vọng theo thời gian, trước sau gì cũng phải trở lại đi xe lửa vì tai nạn như thế này thì cũng hiếm.

Trà Mi: Ra được bên ngoài, mọi người có phải chờ đợi lâu không trước khi lực lượng cứu hộ tới?

Giáo sư Duy Nguyễn: Tôi cảm thấy cũng lâu. Lúc đó, mấy chiếc trực thăng rọi đèn xuống cho thấy đường. Tôi ngồi đó, mượn điện thoại của người khác gọi vợ tôi và nghe tiếng xe cảnh sát tới.

Trà Mi: Ông phải ở lại bệnh viện bao lâu để chữa trị vết thương?

Giáo sư Duy Nguyễn: Tôi vào tối thứ ba, chiều thứ tư về rồi. Tôi bị gãy mấy xương sống nhưng không cần mổ. Trên đầu thì bị khâu các vết thương.

Trà Mi: Hồi tưởng lại những gì đã kinh qua, cảm giác của giáo sư thế nào?

Giáo sư Duy Nguyễn: Tấm hình tôi được 2 cảnh sát dìu ra đưa đi cấp cứu được đăng trên các báo, đài. Bên Bỉ có người đọc báo thấy tôi còn gọi hỏi thăm. Tôi không thể tin là mình lên xe lửa lúc 7 giờ chiều thứ ba, đến ngày thứ tư tin tức này đã đi vòng thế giới. Tôi cảm thấy vui vì thứ tư đã được về nhà rồi. Tôi cũng cảm thấy may mắn là không bị tệ hơn. Nếu tôi không ngồi toa sau xe lửa thì dĩ nhiên đã bị tệ hơn rồi. Nếu cảnh sát không tới nhanh hơn hoặc họ phải lo cho nạn nhân khác trước tôi thì có thể mọi chuyện đã tệ hơn rồi.

Trà Mi: Sau những gì diễn ra, ông nhận xét thế nào về an toàn giao thông đường sắt Hoa Kỳ?

Giáo sư Duy Nguyễn: Ngay bây giờ tôi chưa sẵn sàng đi Amtrak trở lại, nhưng hy vọng trước sau gì cũng đi lại được vì tôi ở New Jersey mà gia đình ở Washington DC nên hay đi qua lại bằng xe lửa, tiện, nhanh, và dễ nhất.

Trà Mi: Ông nhận xét thế nào về cách đáp ứng khẩn cấp của giới hữu trách Mỹ?

Giáo sư Duy Nguyễn: Mấy người cảnh sát người ta tới, lo lắng. Ông cảnh sát nói với tôi đừng lo, ông sẽ đứng đây không đi đâu xa. Rồi ông giúp tôi bên phải, một người khác giúp bên tay trái dìu tôi đi ra khỏi. Thiên hạ ở trên xe lửa ai cũng giúp nhau hết. Những người đã ra khỏi xe rồi cũng lo lắng. Cảnh sát lo lắng. Tới bệnh viện y tá, bác sĩ ai cũng lo lắng. Các khía cạnh này rất tốt. Còn về kỹ thuật, mấy bữa nay đọc báo thấy có thể xe lửa an toàn hơn nếu người ta dùng máy theo dõi xem xe đi nhanh bao nhiêu. Tôi nghĩ quan trọng là chính phủ phải giúp Amtrak dùng các máy đó.

Trà Mi: Ở Việt Nam, người dân hay lo ngại về các phương tiện vận chuyển công cộng vì tính an toàn và luật lệ không bảo đảm. Thế còn ở đây thì sao? Là nạn nhân trong một tai nạn phương tiện công cộng, ông có quan ngại gì không về giao thông công cộng Hoa Kỳ?

Giáo sư Duy Nguyễn: Tôi không quan ngại gì vì khi xảy ra chuyện lớn thì nhiều người dồn sức giúp từ cảnh sát tới người lái xe cứu thương. Tôi hy vọng trong tương lai người ta sẽ kiếm cách làm cho xe lửa an toàn hơn. Bây giờ cũng đã khá an toàn rồi.

Trà Mi: Giáo sư nhận thấy các cách thức giải quyết hậu tai nạn thế nào, về bảo hiểm hay về đền bù thiệt hại cho nạn nhân chẳng hạn?

Giáo sư Duy Nguyễn: Tôi nghe nhà thương nói bảo hiểm của Amtrak sẽ lo trước, nếu không được thì lúc đó họ mới liên lạc với bảo hiểm của tôi. Bên Amtrak cũng hứa sẽ tìm kiếm các vật dụng mà mình đã mất trên xe. Người ta có nói là người ta sẽ lo.

Trà Mi: Là nạn nhân trải qua tai nạn này, ông có đề nghị gì không?

Giáo sư Duy Nguyễn: Tôi nghĩ nếu mình sống mà mình sợ, cũng không tốt. Sống mà lo thì cũng không vui vẻ gì. Mấy khi chuyện như vầy mới xảy ra, mình không thể lo suốt ngày được. Bây giờ tin tức nhanh quá có thể mình cảm giác như tai nạn xảy ra nhiều hơn, mình chú ý nhiều hơn thôi. Tuy nhiều khi xảy ra chuyện này chuyện kia, nhưng phần nhiều mình không lo. Tôi không dám nói sẽ trở lại đi xe lửa trong vòng 1 hay 2 tuần, nhưng hy vọng theo thời gian, trước sau gì cũng phải trở lại đi xe lửa vì tai nạn như thế này thì cũng hiếm.

Trà Mi: Cảm ơn giáo sư rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG