Cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia rất hoang mang trước tin Bộ Nội vụ nước này nói có kế hoạch thu hồi giấy tờ tùy thân "cấp sai và không đúng quy định" cho 70.000 người, đa số là người gốc Việt.
Một người Việt sinh sống lâu năm tại thủ đô Phnom Penh yêu cầu không tiết lộ danh tính cho VOA biết chính sách của chính quyền Campuchia đối với người gốc Việt không rõ ràng:
“Chính sách nhập cư không có gì rõ ràng đối với người Việt, cả kể những người đã được sinh ra ở đây hai ba thế hệ. Vậy mà giấy tờ của họ cũng không hợp pháp. Họ rất muốn làm hợp pháp nhưng chính phủ không làm, hoặc có làm thì hay sửa đổi và thu hồi thì cũng như không.”
Ngoài việc giấy tờ tư pháp không rõ ràng người này còn cho rằng hệ thống chính sách của Campuchia hay thay đổi.
“Hôm nay luật như thế này, ngày mai luật như thế khác. Vụ hiện nay là người Campuchia gốc Việt sẽ bị tước hết giấy tờ, như thông báo gần đây của ông Bộ Trưởng Nội vụ nói trên TV.”
Trong khi đó chị Treng, người gốc Việt sinh ra tại Campuchia, hiện sống tại Phnom Penh nói với VOA rằng chị chưa nghe tin thu hồi giấy tờ và cho tới nay gia đình chị vẫn sinh hoạt bình thường với nghề làm tóc tại thủ đô:
“Gia đình của tôi chưa bị trở ngại gì cả. Tôi là con lai, có hộ khẩu và giấy tờ Campuchia đầy đủ.”
Hôm 4/10, Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng chủ trì cuộc họp để thảo luận về việc thu hồi các giấy tờ bị cấp sai hoặc lỗi, theo Phnom Penh Post.
"Họ là những người nước ngoài sở hữu các giấy tờ không chính xác vì chúng bị cấp sai. Khả năng của các quan chức còn yếu kém và sự yếu kém không phải từ cấp dưới mà là từ cấp trên", ông Kheng nói. "Đó là vấn đề của quốc gia, không phải bất cứ cá nhân cụ thể nào. Vì vậy, chúng ta cần giải quyết việc này."
Ông Sok Phal, lãnh đạo Tổng Cục Di trú, nói rằng các quan chức vi phạm sẽ bị "trừng phạt" và một nghị định sẽ được ban hành trong những tháng tới.
Ông Phal cho biết khoảng 70.000 người có quốc tịch bất hợp pháp, trong đó hầu hết là người Việt sinh tại Campuchia, không có quốc tịch nào khác.
Tại thủ đô Phnom Penh, Bộ đã xác định 7.501 trường hợp giấy khai sinh sai và 305 hộ chiếu lỗi.
Theo ông Phal, một nghị định được thông qua hồi tháng 8 cho phép chính quyền hủy các giấy tờ như chứng minh thư, hộ chiếu, thu hồi quyền công dân của hàng nghìn người. "Chúng tôi không tước quyền công dân của họ. Họ là người Việt Nam. Chúng tôi chỉ lấy giấy tờ Campuchia," ông Phal nói.
Ông Phal cho biết những người này sẽ bị coi là người nhập cư bất hợp pháp, nhưng đảm bảo họ sẽ không bị buộc rời đi. Tuy nhiên, tờ Khmer Times trích lời ông Phal nói rằng chính quyền Campuchia sẽ trục xuất những người này trong tương lai.
Nhiều người gốc Việt sinh sống tại Campuchia từ lâu rất hoang mang về những lời đe dọa này và tìm cách đi về Việt Nam, dù họ không có quốc tịch Việt Nam và không được chính phủ Việt Nam hỗ trợ.
“Một hai năm về trước cũng đã rộ lên tin là bắt buộc phải đóng thuế thân và phải làm giấy tờ. Có nhiều người có tiền thì họ lo được, còn nhiều người không lo được và thấy không an toàn thì họ phải tìm cách về nước.”
Báo Phnom Phenh Post nhận định rằng quyết định thu hồi giấy tờ tùy thân này đưa ra giữa lúc tư tưởng bài Việt Nam vẫn luôn ngấm ngầm trên chính trường và trong xã hội Campuchia.
Trong khi đó, Đảng Cứu Quốc Campuchia, đảng đối lập, trong quá khứ thường dùng những lập luận đả kích người Việt, để kích động các ủng hộ viên trong mùa bầu cử.
Người Việt Nam ở Campuchia từ lâu đã là chủ đề để các đảng đối lập công kích đảng Nhân dân Campuchia do Thủ tướng Hun Sen đang cầm quyền.
Ông Hunsen từng phát biểu rằng: “Người Việt Nam không phải mới tới, họ tới từ thời chúng ta còn Pháp thuộc nhưng người ta cứ luôn đổ lỗi là do tôi.”
Việc chính quyền Hunsen ra kế hoạch thu hồi giấy tờ nhằm vào người di dân này làm các tổ chức nhân quyền quốc tế lo ngại.
Trao đổi với tờ Phnom Penh Post, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đặc trách châu Á, nói chính sách này, nếu được xúc tiến, sẽ vi phạm nghiêm trọng các quyền con người:
"Một kế hoạch như vậy sẽ là một sự vi phạm trắng trợn Công ước LHQ năm 1954 về Người Không quốc tịch, bởi vì những người này không có nơi nào khác để đòi quyền công dân. Tôi có thể bảo đảm rằng làm như vậy sẽ khiến tình trạng buôn người ở Campuchia trở nên tồi tệ hơn nhiều."