Giới hoạt động Việt Nam đang thu thập 10.000 chữ ký cho một bức thư sẽ gửi đến Facebook đề nghị mạng xã hội khổng lồ cho biết rõ quan điểm của họ về Luật An ninh Mạng bị chỉ trích của Việt Nam.
Bức thư do Luật Khoa tạp chí soạn thảo và họ cũng đứng ra phát động việc thu thập chữ ký. Ấn phẩm về pháp luật này, ra đời cuối năm 2014, bị chính quyền Việt Nam chặn trên mạng internet do có nhiều bài viết thúc đẩy cho dân chủ, pháp quyền và nhân quyền.
Tạp chí với nhân sự chủ chốt gồm một số nhà hoạt động nổi danh như Trịnh Hữu Long và Phạm Đoan Trang cho hay đến tối 10/7, thư đề nghị đã nhận được hơn 6.900 chữ ký.
Luật An ninh Mạng của Việt Nam được thông qua hồi tháng 6 và sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 9 năm nay.
Không chỉ giới hoạt động mà cả những công ty thương mại lẫn một số tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài đã bày tỏ quan ngại về luật này.
Họ nêu lý do để lo ngại là luật yêu cầu các hãng có nền tảng internet như Facebook phải mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam ở trong nước, và cung cấp thông tin cá nhân của người dùng cho chính phủ theo yêu cầu.
Trong bối cảnh đó, Facebook với hơn 58 triệu tài khoản ở Việt Nam, nhiều thứ 7 trên thế giới, chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào về luật này. Thái độ như vậy của hãng làm cho nhiều người “đặc biệt lo ngại rằng Facebook sẽ hợp tác với chính phủ” và “phản bội” người dùng Việt Nam, bức thư của Luật Khoa tạp chí viết.
Chúng tôi muốn có một kết quả cụ thể. Có thể là một văn bản trả lời chính thức của Facebook hoặc là một cuộc gặp giữa Facebook và chúng tôi. Sau đó chúng tôi đưa tin về cuộc gặp đấyNhà hoạt động Phạm Đoan Trang
Tổng biên tập của tạp chí, luật gia Trịnh Hữu Long, viết trên Facebook cá nhân rằng chiến dịch vận động ký thư sẽ kéo dài đến ngày 12/9. Sau đó, thư sẽ được gửi đến ông chủ của Facebook, Mark Zuckerber, để đề nghị hãng trả lời một số câu hỏi quan trọng.
Những người ký thư muốn biết Facebook có lưu trữ thông tin riêng tư của người dùng ở Việt Nam theo yêu cầu của Luật An ninh Mạng hay không. Họ cũng chất vấn liệu Facebook có “tuân thủ luật này” và “kiểm duyệt nội dung của người dùng” theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam không.
Ngoài ra, những người tham gia ký tên nêu đề nghị rằng Facebook cần xác nhận có phải hãng đang lưu dữ liệu trong hàng trăm máy chủ ở Việt Nam. Thư của họ đặt câu hỏi: “Nếu có, thì đó là những dữ liệu gì và chính quyền Việt Nam có tiếp cận được các dữ liệu đó không?”
Câu hỏi hiện là mối quan tâm lớn tiếp theo là Facebook có “cung cấp bất kỳ thông tin nào của người dùng Việt Nam cho chính phủ Việt Nam” không, bức thư viết, và liệu Facebook đã bao giờ “chia sẻ dữ liệu người dùng” cho bất kỳ công ty Việt Nam nào chưa.
Thư cũng nêu ra kịch bản là nếu Facebook có ý định tuân thủ Luật An ninh Mạng, những người ký thư muốn biết liệu Facebook có sẵn sàng “công khai nội dung các yêu cầu của chính phủ Việt Nam” và “các phản hồi của Facebook” đối với các yêu cầu đó hay không.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, một biên tập viên của Luật Khoa tạp chí, cho VOA biết về kỳ vọng của chiến dịch này:
“Chúng tôi muốn có một kết quả cụ thể. Có thể là một văn bản trả lời chính thức của Facebook hoặc là một cuộc gặp giữa Facebook và chúng tôi. Sau đó chúng tôi đưa tin về cuộc gặp đấy, chứ không phải tiếp xúc kín, để công bố những phản hồi thật sự của Facebook đối với các cáo buộc từ phía người tiêu dùng”.
Giới hoạt động vì dân chủ, nhân quyền và những người sử dụng khác nhiều lần phàn nàn rằng các thuật toán kiểm soát bài và tài khoản của Facebook có những sơ hở. Họ cho rằng những người ủng hộ chính quyền, thường gọi là dư luận viên, hay lợi dụng các nhược điểm về thuật toán đó để báo cáo nội dung xấu, dẫn đến việc Facebook tự động gỡ bài hoặc đóng tài khoản của các nhà hoạt động và những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Theo nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, giới hoạt động đã gửi nhiều email chỉ trích và đòi chấn chỉnh về vấn đề này nhưng phản hồi của Facebook rất “chậm chạp”.
Chị Trang cho biết bức thư lần này nhằm gửi một thông điệp đến mạng xã hội đang chiếm thế áp đảo về lượng người sử dụng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Chị nói:
“Sự đa nguyên luôn luôn là tốt, cần có sự cạnh tranh. Ngoài Facebook ra chúng ta còn cần nhiều phương tiện khác nữa. Và nếu như Facebook giả sử là họ hợp tác với chính quyền như Việt Nam hay Trung Quốc, thì chúng ta cũng có thể tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của họ, hoặc từ bỏ họ để sang các trang mạng khác tôn trọng người dùng hơn”.
Trong những ngày cuối tháng 6, giới hoạt động và những người có tiếng nói ảnh hưởng lớn trên internet ở Việt Nam ồ ạt mở tài khoản mới trên trang Minds.com, một mạng xã hội hiện có khoảng 100.000 người sử dụng Việt Nam, cực kỳ nhỏ bé so với Facebook.
Sau đó, những thảo luận trên mạng cho thấy trong công chúng và giới hoạt động, có không ít ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả khi sử dụng Minds để truyền thông điệp hoặc thảo luận về các vấn đề chính trị, xã hội Việt Nam.
Ở nước độc tài như Việt Nam, khi truyền thông chính thống bị khóa miệng, nhân dân chỉ còn có truyền thông phi chính thống, thì truyền thông phi chính thống phát triển càng mạnh càng tốtPhạm Đoan Trang, BTV Luật Khoa tạp chí
Nữ biên tập viên của Luật Khoa tạp chí nhìn nhận rằng sự tiếc nuối lượng độc giả to lớn trên Facebook hiện nay đối với một số người là một tâm lý dễ hiểu, nhưng đây không phải là lần đầu giới hoạt động di chuyển sang một nền tảng mạng xã hội mới.
Chị Trang nhắc lại việc Yahoo đóng cửa blog hồi hè năm 2009, nhưng sau vài tháng, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng đã nhanh chóng làm quen với Facebook và sử dụng hữu hiệu mạng này. Từ ví dụ đó, chị hy vọng rằng điều tương tự cũng có thể đạt được với mạng Minds.
Đánh giá một cách thực tế, chị Trang nhận định rằng hiện tại và có thể là cả trong tương lai, Minds khó có thể đạt quy mô bằng Facebook, song việc đa dạng hóa các phương tiện để truyền thông điệp là điều nên làm. Chị nhấn mạnh:
“Kể cả Minds số lượng người đọc ít hơn Facebook, chúng ta vẫn nên có thêm một mạng xã hội nữa. Ở nước độc tài như Việt Nam, khi truyền thông chính thống bị khóa miệng, nhân dân chỉ còn có truyền thông phi chính thống, thì truyền thông phi chính thống phát triển càng mạnh càng tốt. Chúng ta không nên để có sự phụ thuộc vào bất kỳ một công ty, một tập đoàn nào”.
Luật Khoa tạp chí cho biết cùng với chiến dịch thu thập một vạn chữ ký cho thư kiến nghị gửi đến Facebook, giới hoạt động cũng sẽ tiếp tục các bài viết và các vận động khác để “trì hoãn hoặc xoá bỏ” Luật An ninh Mạng mà họ gọi là “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.