Đường dẫn truy cập

Giới hoạt động ‘di cư’ sang Minds với hy vọng ‘an toàn’ hơn Facebook


Ông Bill Ottman, TGĐ Minds.com, hôm 3/7/2018 thông báo sắp tung ra giao diện tiếng Việt
Ông Bill Ottman, TGĐ Minds.com, hôm 3/7/2018 thông báo sắp tung ra giao diện tiếng Việt

Trong những ngày cuối tháng 6, giới hoạt động và những người có tiếng nói ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội ở Việt Nam ồ ạt mở tài khoản mới trên trang Minds.com, một mạng xã hội hiện có quy mô nhỏ bé hơn nhiều lần so với Facebook.

Tổng Giám đốc Điều hành (CEO) Bill Ottman của Minds.com, công ty có trụ sở ở Mỹ, cho VOA biết hôm 2/7 rằng làn sóng mở tài khoản đã đưa số lượng người sử dụng Việt Nam đạt “khoảng 100.000”.

Tỏ thái độ với Facebook

Trong khi một số người dùng từ “di cư” để nói về phong trào đang diễn ra, các Facebooker được nhiều người biết tiếng chia sẻ trên trang cá nhân những lý do khác nhau thúc đẩy họ tham gia mạng xã hội Minds.

Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang viết chị và những người khác chuyển sang Minds “không phải vì sợ luật An ninh Mạng” của nhà nước cộng sản Việt Nam.

Bộ luật mới được thông qua trong tháng 6 bị dư luận Việt Nam, một số tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài, trong đó có Mỹ, chỉ trích vì chứa đựng những điều khoản bị xem là vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư của người dân, cũng như vì luật trao quá nhiều quyền cho ngành công an.

Chị Trang viết thêm: “…chúng ta chuyển sang Minds để cho Facebook thấy rằng kết cục của sự hợp tác với độc tài là thiệt hại về uy tín và kinh tế”.

Giới hoạt động lo ngại về những hợp tác giữa Facebook với chính phủ Việt Nam
Giới hoạt động lo ngại về những hợp tác giữa Facebook với chính phủ Việt Nam

Một nhà hoạt động khác, ông Huỳnh Ngọc Chênh, có chung quan điểm với chị Trang. Ông viết, điều “quan trọng” khi mở thêm tải khoản ở Minds là “tỏ thái độ phản đối Facebook về một số biểu hiện tiêu cực vừa qua”.

Ông Chênh liệt kê các “tiêu cực” đó là bán thông tin cá nhân cho các tổ chức, chức năng báo cáo nội dung xấu dễ bị lợi dụng dẫn đến bài viết hoặc tài khoản của giới hoạt động dễ bị vô hiệu hóa, và “đã có những tố cáo” rằng Facebook khóa tài khoản của một số người “vì những lý do rất mù mờ”.

Cũng là một blogger nổi tiếng, ông Chênh đưa ra ý kiến rằng có thêm tài khoản ở Minds là có thêm công cụ “để chiến đấu, phòng hờ phương tiện cũ là Facebook trở nên xấu đi”.

Hồi đầu tháng 4, hơn 50 các nhà hoạt động, blogger, và các tổ chức xã hội dân sự đã gửi thư ngỏ cho ông Mark Zuckerberg, Giám đốc Điều hành của Facebook, kêu gọi mạng xã hội khổng lồ này không thỏa hiệp với chính quyền Hà Nội trong việc ngăn chặn thông tin trên Facebook, dập tắt những tiếng nói bất đồng.

Bà Helena Lersch, Quản lý Chính sách công khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Facebook, sau đó hồi đáp rằng hãng này cam kết bảo vệ quyền lợi của người dùng Facebook tại Việt Nam, và “cung cấp một nơi để người dùng có thể biểu đạt một cách tự do và an toàn”.

Mặc dù vậy, trong hơn hai tháng sau đó, giới hoạt động và các Facebooker nổi tiếng ở Việt Nam luôn than phiền về việc bài viết của họ bị gỡ, hoặc tài khoản bị khóa mỗi khi họ đề cập hay bàn luận những chủ đề, sự kiện chính trị, xã hội quan trọng.

Luật sư Lê Luân, Facebooker có lượng người theo dõi đông đảo, cho rằng nhiều người cảm thấy “bất an” về việc Facebook bị xem là “tiếp tay cho những hành động kiểm soát thông tin người dùng” hoặc “can thiệp mạnh mẽ vào nội dung thông tin”.

Trong khi đó, theo ông Luân, Minds là một “thế giới mở hoàn toàn mới” với các thuật toán và một sự liên kết “an toàn cũng như tiện lợi hơn”.

Luật sư thường có những bài phân tích, bình luận sâu sắc về tình hình Việt Nam nhấn mạnh rằng việc ông và nhiều người tham gia Minds là “để Facebook nhận ra rằng họ không phải duy nhất và họ cần phải thay đổi bằng những cam kết thực sự đối với chính khách hàng của họ”.

Minds khác Facebook ra sao?

“Chúng tôi rất vui là người Việt Nam đã quyết định lựa chọn tự do. Minds mang lại sự tự do nhiều hơn theo một số cách khác với Facebook và Google”, ông Bill Ottman nói với VOA.

Ông so sánh rằng thuật toán mà Facebook giữ bí mật “chỉ cho phép bạn tiếp xúc với vài phần trăm trong tổng số những người theo dõi bạn”, trong khi với Minds, “bạn tiếp xúc với 100% số người theo dõi”.

Chúng tôi cũng mã hóa bất cứ thông tin nhạy cảm nào. Nếu người ta cung cấp email, chúng tôi mã hóa thông tin đó. Về tin nhắn riêng, chúng tôi không biết gì về nội dung những cuộc nói chuyện đó. Chúng tôi không đọc được.
CEO Minds, ông Bill Ottman

CEO của Minds.com nói mạng xã hội của hãng có tính chất “phi tập trung hóa phần nào”. Đồng thời ông giải thích rằng “mọi thứ” của hãng đều là “nguồn mở”, bất cứ ai cũng có thể kiểm tra, thay đổi các phần mềm, hoặc tự tạo ra phiên bản của riêng mình. “Điều đó rất quan trọng cho tính minh bạch”, ông Ottman nói.

Về nỗi lo ngại lộ bí mật danh tính người dùng, vị CEO khẳng định Minds không yêu cầu người tham gia cung cấp bất cứ thông tin nào xác định được nhân thân. “Bạn thậm chí không cần cho chúng tôi biết email thật của bạn, nếu bạn không muốn”, ông nói.

“Chúng tôi cũng mã hóa bất cứ thông tin nhạy cảm nào. Nếu người ta cung cấp email, chúng tôi mã hóa thông tin đó. Về tin nhắn riêng, chúng tôi không biết gì về nội dung những cuộc nói chuyện đó. Chúng tôi không đọc được. Chúng tôi cố tình thiết kế như vậy”.

Làn sóng người Việt mở tài khoản trên Minds là diễn biến kế tiếp phong trào bất tuân Luật An ninh Mạng mới ban hành. Trong một phản ứng, Bộ Ngoại giao Mỹ nói luật này “thu hẹp tự do biểu đạt trên không gian mạng và áp đặt những hạn chế gây phiền toái đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các doanh nghiệp nước ngoài khác”.

Giới hoạt động và những người thường lên tiếng vì một Việt Nam tiến bộ, cởi mở hơn lo ngại rằng các trang mạng lớn như Facebook hay Google sẽ có những thỏa hiệp với chính quyền do luật này.

Theo đó, khi có yêu cầu, họ sẽ cung cấp danh tính người sử dụng, hoặc chặn, xóa các thông tin bất lợi cho nhà nước ở một mức độ nhất định nếu không muốn hoạt động kinh doanh ở Việt Nam bị ảnh hưởng.

Tự do ngôn luận là triết lý của chúng tôi. Nếu chính phủ Việt Nam liên lạc với chúng tôi, chúng tôi sẽ không bàn giao thông tin của bất cứ ai, hoặc đóng tài khoản, nếu họ đề nghị chúng tôi làm như vậy.
CEO Minds, ông Bill Ottman

Trên thực tế, Báo cáo Minh bạch của Facebook cho hay trong nửa cuối năm 2017, chính phủ Việt Nam 8 lần yêu cầu cung cấp thông tin của 12 tài khoản. Facebook đáp ứng 3 yêu cầu khẩn cấp, nhưng từ chối 5 yêu cầu còn lại.

Nhiều người viết trên trang cá nhân rằng họ “chuyển nhà” hay “xây nhà mới” ở Minds vì họ tin rằng mạng xã hội này sẽ không hợp tác với chính quyền Việt Nam để can thiệp vào thông tin của người sử dụng.

“Tự do ngôn luận là triết lý của chúng tôi. Nếu chính phủ Việt Nam liên lạc với chúng tôi, chúng tôi sẽ không bàn giao thông tin của bất cứ ai, hoặc đóng tài khoản, nếu họ đề nghị chúng tôi làm như vậy”, ông Bill Ottman, CEO của Minds nói với VOA.

Ông Ottman nhấn mạnh hãng của ông không kiểm duyệt các tài khoản và chính sách của hãng là tuân theo luật Mỹ. “Những gì hợp pháp ở Mỹ đều được xuất hiện trên trang Minds”, ông nói.

Vị tổng giám đốc điều hành cũng giới thiệu rằng các thành viên của mạng xã hội này còn có một chức năng thú vị để sử dụng, đó là tiền thưởng ảo có tên là Minds token.

Những người tham gia sẽ được hãng thưởng token cho các nội dung họ đóng góp. Họ có thể dùng token để tặng nhau như một cách cảm ơn hoặc khen ngợi những nội dung hay. Mặt khác, thành viên cũng có thể dùng token để tăng lượng người xem bài của mình. Ông Ottman cho biết ở thời điểm hiện nay 1 token mang lại thêm 1000 view cho một nội dung.

Việt Nam có phần lớn dân số sử dụng internet và mạng xã hội
Việt Nam có phần lớn dân số sử dụng internet và mạng xã hội

Ý kiến chuyên gia CNTT

Giữa lúc nhiều người hào hứng về Minds, một số chuyên gia công nghệ thông tin đưa ra những phân tích thận trọng hơn.

Kỹ sư Dương Ngọc Thái, chuyên gia an ninh mạng hiện làm việc ở Mỹ, viết trên blog cá nhân hôm 2/7 rằng Minds là một công ty với mục tiêu lớn nhất là thu lợi nhuận. Ông Thái cho rằng “tự do ngôn luận cũng chỉ là một cách để họ thu hút người dùng”, vì có càng nhiều người sử dụng, “họ càng kiếm được nhiều tiền”.

Bàn về bảo vệ tự do ngôn luận cho người sử dụng trên mạng internet, trong bài blog được nhiều người chia sẻ, kỹ sư Thái viết cần xem xét hai lĩnh vực là luật pháp và công nghệ.

Ông chỉ ra rằng về luật pháp, cả Minds và Facebook đều là các công ty Mỹ, như vậy, Minds “không có lợi thế gì” so với Facebook.

Hơn nữa, nêu ra thực tế là Facebook có đội ngũ luật sư và những người vận động chính sách hùng hậu, với nhiều năm kinh nghiệm thương thảo với chính quyền các nước, ông Thái nhận định “không có lý do gì để tin rằng Minds sẽ làm tốt hơn Facebook trong vấn đề này”.

Về mặt công nghệ, kỹ sư hiện làm việc cho Google ở Mỹ viết rằng giao thức mã hóa nội dung chát là loại “nghiệp dư”, và vấn đề lớn nhất là Minds tạo và lưu trữ chìa khóa giải mã trên máy chủ của họ. “Nghĩa là Minds có thể tự giải mã tất cả nội dung chat của người dùng”, ông Thái cho hay.

Người từng là chuyên gia bảo mật công nghệ thông tin cũng khẳng định hệ thống của Minds “không phải là phi tập trung như họ giới thiệu trên trang chủ”. Kỹ sư Thái viết rằng “Tất cả thông tin, bài vở người dùng gửi lên Minds đều đi thẳng vào máy chủ do Minds quản lý, hoàn toàn không được lưu trữ bằng công nghệ Blockchain”.

Blockchain là thuật ngữ chỉ cơ chế một chuỗi phát triển tiếp nối các bản ghi được kết nối với nhau và bảo đảm an toàn nhờ mã hóa.

Ông Dương Ngọc Thái so sánh tương quan về đội ngũ kỹ sư và các yếu tố kỹ thuật giữa Facebook và Minds rồi đi đến kết luận cá nhân rằng “ở thời điểm hiện tại Facebook an toàn hơn Minds rất nhiều”.

Ông viết thêm rằng “Minds có thể sẽ được cải tiến theo thời gian, nhưng tôi thấy không có lý do để chuyển vào lúc này”.

Trả lời phỏng vấn VOA hôm 2/7, CEO của Minds, ông Bill Ottman, nói về những cải tiến sắp tới để phục vụ người sử dụng Việt Nam:

“Giao diện bằng tiếng Việt sẽ xong trong vòng 2 tuần. Việc dịch ra tiếng Việt là rất quan trọng nên sắp có ngay. Về video, có thể đăng lên các clip có độ dài 15-20 phút trên Minds. Chúng tôi đang xây dựng năng lực để làm được live streaming, nhưng có lẽ sang năm mới có. Chúng tôi làm hết sức để có giao diện mà ai cũng mong muốn”.

Theo trang Alexa chuyên xếp hạng về lượng truy cập của các website, ở thời điểm đầu tháng 7, Facebook đứng thứ 3 toàn cầu so với vị trí 11.921 của Minds.

Những thảo luận trên mạng xã hội gần đây cho thấy trong công chúng và các nhà hoạt động, có không ít ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả khi sử dụng Minds để truyền thông điệp hoặc thảo luận về các vấn đề chính trị, xã hội Việt Nam, xét đến thực tế rằng Minds còn quá nhỏ bé khi đặt cạnh Facebook đang có 58 triệu tài khoản ở Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG