Đường dẫn truy cập

Người biểu tình Thái Lan bất tuân sắc lệnh tình trạng khẩn trương


Người biểu tình trộn xi măng để xây bức tường chận cổng ra vào của Tòa nhà Chính phủ trong cuộc biểu tình ở Bangkok, Thái Lan 17/2/14
Người biểu tình trộn xi măng để xây bức tường chận cổng ra vào của Tòa nhà Chính phủ trong cuộc biểu tình ở Bangkok, Thái Lan 17/2/14
Hôm thứ Hai, hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ trở lại bên ngoài văn phòng của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, chỉ vài ngày sau khi cảnh sát dẹp họ khỏi địa điểm vừa kể. Theo tường thuật của Thông tín viên đài VOA Ron Corben thì mục đích của người biểu tình là ngăn không cho bà Yingluck trở lại văn phòng của bà, ngay cả trước nguy cơ đối đầu với cảnh sát.

Có tới 10.000 người biểu tình chống chính phủ đã chiếm lại các đường chính bên ngoài văn phòng của Thủ tướng Yingluck Shinawatra để bày tỏ sự chống đối

Hôm thứ Sáu, cảnh sát Thái trang bị khiên và dùi cui đã tiến vào khu vực đã bị những người biểu tình chống chính phủ chiếm giữ trong nhiều tuần lễ.

Bà Yingluck đã hy vọng trở lại văn phòng của bà hôm thứ Tư. Nhưng hôm thứ Hai, thủ lãnh cuộc biểu tình Suthep Thaugsuban đã thách thức chính phủ bằng cách tái chiếm các con đường.

Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubamrung, người đứng đầu trung tâm hoạt động an ninh của chính phủ giám sát việc thi hành một sắc lệnh về tình trạng khẩn trương, đã nhất quyết dẹp sạch tất cả các địa điểm biểu tình trong vòng vài ngày.

Một người biểu tình, bà Sukpan, nói rằng nhân dân vẫn kêu gọi của bà Yingluck từ chức.

Bà Sukpan nói: “Tình hình này, nhiều người muốn bà Yingluck từ chức. Thật không công bằng đối với nhân dân. Lời nói của ông Chalerm không đáng tin. Không thành thật, ông nói dối. Vâng tôi không biết phải mất bao lâu, nhưng cuối cùng nhân dân sẽ thắng.”

Chính phủ đã mở cuộc bầu cử hôm mùng 2 tháng Hai trong cố gắng xoa dịu căng thẳng chính trị. Nhưng, cuộc bầu cử này không đem lại được kết quả quyết định vì Đảng Dân Chủ đối lập tẩy chay cuộc bầu cử, và tổ chức những cuộc biểu tình chống chính phủ, ngăn chặn việc đăng ký ứng cử viên tại 28 quận hạt, chủ yếu ở miền nam.

Hôm thứ Hai, Ủy ban Bầu cử và các bộ trưởng trong chính phủ đã cố gắng nhưng không đạt được kết quả định ra một ngày bầu cử mới tại các quận hạt đó và các khu vực khác mà cuộc bầu cử bị gián đoạn.

Cư dân các tỉnh miền bắc phần lớn ủng hộ bà Yingluck, đã bị thiệt hại vì chính phủ không đủ khả năng chi trả cho hàng ngàn nông dân trồng lúa trong chương trình trợ giá gạo.

Chính phủ tìm cách bán tới 20 triệu tấn gạo giữa lúc việc bán gạo trên thế giới bị chậm lại. Các nhà phân tích nói rằng chương trình này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế tới 19 tỉ đôla.

Hàng ngàn nông dân đã đi tới Bangkok trong cuộc vận động để được trả khoảng 4,2 tỉ đô la mà chính phủ còn thiếu.

Các nhà phân tích nói rằng, thêm vào những khó khăn của chính phủ, tăng trưởng kinh tế trong quý bốn năm 2013 là dưới 1%. Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo rằng các cuộc biểu tình chống chính phủ sẽ ảnh hưởng tới đầu tư, du lịch, và chi tiêu của chính phủ trong năm 2014.

Người biểu tình và cũng là tài xế Benjob Chantes nói rằng, những khó khăn mà chính phủ của bà Yingluck phải đối diện ngày càng gia tăng và nếu một cuộc bầu cử nữa được tổ chức bây giờ thì có thể đem tới việc thay đổi chính phủ.

Ông Chantes nói, “Vâng, tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thắng. Hiện nay chính phủ không làm được gì. Đây là một bế tắc cho cuộc bầu cử.”

Cuộc biểu tình chống chính phủ của Hội đồng Cải cách Dân chủ Nhân dân cáo buộc bà Yingluck là bù nhìn của anh bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đã chạy khỏi Thái Lan năm 2008 để tránh án tù hai năm về tội tham nhũng.

Các cuộc biểu tình bắt đầu hồi tháng 11 sau khi Đảng Pheu Thai đương quyền của bà Yingluck đã thông qua dự luật ân xá chung cho ông Thaksin và các thành viên khác trong nội các. Thượng Viện Thái đã hủy bỏ dự luật này, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG