Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay gặp người đồng nhiệm Sergei Lavrov của Nga tại Zurich, Thụy Sĩ, trong khuôn khổ chuyến công du Châu Âu, Trung Đông, và Châu Á để thảo luận về các vấn đề bao gồm nỗ lực đa quốc mang lại ổn định chính trị cho Syria và các cuộc thử nghiệm hạt nhân mới đây của Bắc Triều Tiên.
Cuộc đàm phán song phương Nga-Mỹ diễn ra tại thời điểm quan trọng trong lúc các kế hoạch mở hòa đàm cho cuộc chuyển tiếp chính trị tại Syria vào ngày 25/1 có vẻ đang lâm nguy.
Hoa Kỳ và Nga nằm trong Nhóm Hỗ trợ Quốc tế đối với Syria, nhóm ủng hộ nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm đưa chính phủ Syria và phe đối lập vào các cuộc thương thuyết. Tuy nhiên, Mỹ và Nga bất đồng về sự ủng hộ dành cho Tổng thống Bashar al-Assad của Syria.
Một phát ngôn nhân Liên hiệp quốc hôm thứ hai cho biết Liên hiệp quốc không thể gửi lời mời tới tham dự các cuộc đàm phán này cho tới khi nào đạt được thỏa thuận về đại diện nào của phe đối lập sẽ tham gia. Trước đó, chính phủ Syria nói họ cần danh sách đó trước khi đàm phán diễn ra.
Theo hãng thông tấn Interfax của Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov hôm thứ sáu loan báo sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng Nga-Mỹ hôm nay sẽ xác định được rõ ràng hơn ngày giờ của các cuộc đàm phán về Syria.
Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tiếp tục lên đường tới Davos, Thụy Sĩ, tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nơi dự kiến quy tụ sự tham gia của hơn 40 nguyên thủ và lãnh đạo các nước.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter cũng sẽ tham dự Diễn đàn thường niên giữa các chính phủ với giám đốc điều hành của một số doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới.
Một giới chức cao cấp của Bộ Ngoại giao cho biết 4 tâm điểm kinh tế của Ngoại trưởng Kerry tại Davos sẽ bao gồm tầm quan trọng của công tác chống tham nhũng, các sáng kiến năng lượng sạch, mở rộng kết nối Internet, và môi trường.
Bộ trưởng Carter cho các nhà báo tháp tùng biết ông muốn thảo luận về sự hợp tác giữa Ngũ Giác Đài với ngành ‘công nghiệp sáng tạo’ và cũng sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo về chiến dịch chống lại Nhà nước Hồi giáo.
Ông John McArthur, nhà phân tích kinh tế toàn cầu thuộc Viện Brookings nói Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên là ‘một bài tập tiêu chuẩn’ cho các giới chức về những vấn đề có tầm quan trọng then chốt trong năm.
Có phần chắc việc thực thi hạt nhân Iran sẽ là tâm điểm thảo luận cho các nhà lãnh đạo Vùng Vịnh.
Từ Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Kerry sẽ sang Riyadh họp với các giới chức Ả Rập Xê Út và các Ngoại trưởng của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.
Chuyến thăm diễn ra vài ngày sau khi thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran, một thỏa thuận mà Ả Rập Xê Út và các nước Vùng Vịnh khác cho là có thể dẫn tới việc Iran gây bất ổn cho khu vực.
Mỹ đang xúc tiến một nỗ lực để ngăn không cho căng thẳng giữa nước đồng minh Ả Rập Xê Út với Iran lan ra các vấn đề quan tâm khác trong khu vực, chẳng hạn như tình trạng bất ổn ở Yemen.
Sau Riyadh, ông Kerry sẽ sang Lào và Campuchia để thảo luận về việc mở cuộc họp thượng đỉnh với các nước ASEAN vào tháng sau do Tổng thống Obama chủ trì.
Tòa Bạch Ốc nói cuộc họp này sẽ thúc đẩy hơn nữa chính sách của Tổng thống Obama trong việc tái cân bằng lực lượng ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Chặng dừng chân cuối cùng của ông Kerry là Trung Quốc diễn ra giữa các quan ngại leo thang và phản ứng của cộng đồng thế giới về cuộc thử nghiệm của Bắc Triều Tiên mà Bình Nhưỡng công bố là thử một thiết bị hạt nhân.
Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Anthony Blinken đã thảo luận với những người đồng nhiệm phía Hàn Quốc và Nhật Bản tại Tokyo về thái độ khiêu khích của Bắc Triều Tiên.
Sau chuyến thăm, hôm thứ hai, Bộ Ngoại giao cho biết ‘Tất cả các bên nhấn mạnh lợi ích chung trong an ninh và trong phản ứng quốc tế mạnh mẽ để duy trì trật tự dựa trên luật lệ.’
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng hợp tác với cộng đồng quốc tế.
Phân tích gia thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Scott Snyder, nói ‘Bắc Triều Tiên nhận những thứ như 80% lượng lương thực và nhiên liệu từ Trung Quốc và Trung Quốc cũng là nước bạn thân thiết nhất với Bình Nhưỡng trong cộng đồng quốc tế.
Ông cho rằng Trung Quốc có thể lưỡng lự trong việc hậu thuẫn đối với các biện pháp trừng phạt bổ sung của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chống lại Bắc Triều Tiên vì quan ngại rằng các chế tài thêm nữa có thể làm leo thang bất ổn khu vực.