Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam


Ngoại trưởng Mỹ và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:26 0:00

Ngoại trưởng Mỹ và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gần đây nhắc tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản, phần nào lấn át chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, gây ra nhiều tranh luận.

Mới nhất, trong khi tiếp ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, hôm 25/10, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói: “Người dân Việt Nam đang chứng kiến một cuộc cách mạng kinh tế đáng chú ý. Họ đang thực thi một nỗ lực kinh tế tuyệt vời, một nỗ lực theo kiểu tư bản. Đó là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất trong khu vực”.

Trước đó, hôm 10/10, phát biểu tại một hội thảo về Internet ở tiểu bang California, ông Kerry cũng đề cập tới chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ nói: "Tôi đã từng chiến đấu tại Việt Nam để ngăn nơi này biến thành cộng sản. Hơn 58.000 người đã bỏ mạng để thực hiện điều đó trong vòng 10 năm, trong cuộc chiến dài nhất lịch sử Hoa Kỳ. Và các bạn đoán được không? Điều chúng tôi đã làm là mở cửa và bình thường hóa quan hệ, nỗ lực mà ông John McCain và tôi đi đầu, rồi dỡ bỏ lệnh cấm vận để kinh doanh, và nay không còn dấu vết của ‘chủ nghĩa cộng sản’, xét về lý thuyết kinh tế”.

Ông Kerry nói thêm: “Chủ nghĩa tư bản ở đó thật sống động và người dân có thể tiếp cận Internet. Đó vẫn là một quố gia độc đảng, độc đoán, và vẫn còn tình trạng vi phạm nhân quyền cùng nhiều thứ khác nhưng qua thời gian, nó đã chứng tỏ sự thay đổi”.

Giáo sư Tương Lai, thành viên nhóm tư vấn cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước đây, nói ông “không bất ngờ” vì phát biểu của ông John Kerry.

“Tôi thấy những chính khách Mỹ, những nhà quản lý và lý luận, những người theo dõi tình hình Việt Nam họ hiểu quá rõ guồng máy kinh tế đang vận hành ở Việt Nam. Việt Nam đang vận hành theo guồng máy của nền kinh tế tư bản, quy luật kinh tế tư bản, nhưng mà nó rất méo mó, và chính sự méo mó đó, nó mới đẻ ra các nhóm lợi ích. Những nhóm lợi ích đó thực chất là lực lượng mafia, câu kết với nhà cầm quyền”.

Theo nhà quan sát tình hình chính sự ở trong nước này, Việt Nam đang, theo lời ông, “đang mò theo con đường của Trung Quốc”.

Cựu cố vấn của Thủ tướng Việt Nam nói thêm: “Khi Đặng Tiểu Bình hay là Tập Cận Bình bây giờ nói rằng đang xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đặc sắc Trung Quốc, thì thực chất mà nói, đó là xây dựng chủ nghĩa tư bản mang đặc sắc Trung Quốc. Và quá trình tích tụ tư bản cũng đầy man rợ, đầy máu và nước mắt của người dân lao động, và của tầng lớp trung lưu khác trong xã hội. Bây giờ số tỷ phú ở Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với các nước khác trong lúc đó đời sống của tuyệt đại bộ phận nông dân Trung Quốc thì đang nghèo khổ”.

Bản nghị quyết do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10 nêu rõ các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, trong đó có việc “phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự". Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai”.

Năm ngoái, Tổng thống Obama đã tiếp ông Trọng tại Nhà Trắng trong chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một tổng bí thư Việt Nam, vài tháng trước Đại hội đảng ở Việt Nam.

Về các diễn biến trên, giáo sư Tương Lai nhận định:

“Ông Obama tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, và giờ đây ông John Kerry mời ông Đinh Thế Huynh, tôi nghĩ người Mỹ muốn đánh một tín hiệu như thế này, việc nội bộ của các anh, các anh đánh nhau, đấu nhau, lật đổ nhau, chúng tôi không cần biết, chúng tôi cần là một nước Việt Nam ổn định, để mà đầu tư và phát triển. Và dù sớm hay muộn, Việt Nam không thể đi ngược lại quỹ đạo phát triển của thế giới được. Sớm hay muộn, Việt Nam cũng phải đi vào quỹ đạo chung. Người Mỹ họ hiểu rõ điều đó”.

Trong chuyến thăm Cuba năm 2012, Tổng bí thư Trọng có bài thuyết giảng về mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam tại Trường đảng cao cấp Nico Lopez – nơi đào tạo cán bộ chủ chốt của Trung ương Đảng cộng sản Cuba.

Ông Trọng khẳng định với những người đồng chí Cuba, theo VNA, là rằng đi lên chủ nghĩa xã hội là “khát vọng của nhân dân (Việt Nam)”, là “lựa chọn đúng đắn của đảng” và “phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG