Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết ông cảm thấy “hết sức xúc động” và “rất hân hạnh” được trở thành ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ đến thăm Hiroshima, một thành phố của Nhật Bản từng bị Hoa Kỳ dội bom nguyên tử vào những ngày cuối của Thế chiến Thứ hai. Thông tín viên Pam Dockins của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Hiroshima.
Vào ngày cuối của hội nghị hai ngày của các vị ngoại trưởng khối G-7, bao gồm một chuyến viếng thăm đài tưởng niệm dành cho các nạn nhân Thế chiến Thứ hai ở Hiroshima, Ngoại trưởng Kerry nói ông cảm thấy “hết sức xúc động” khi đến thăm Công viên Hoà bình Hiroshima.
Khi được hỏi Tổng thống Barack Obama có đến thăm Hiroshima hay không khi ông đến dự hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Nhật Bản vào tháng sau, ông Kerry nói ông hy vọng một ngày nào đó tổng thống của nước Mỹ sẽ nằm trong số những người tới thăm thành phố này.
Cũng theo lời Ngoại trưởng Kerry, Tổng thống Obama cho biết ông muốn đi thăm Hiroshima nhưng hiện chưa rõ lịch trình của ông có cho phép ông làm như vậy hay không trong chuyến đi Nhật Bản sắp tới.
Ngăn chận nạn khuyếch tán hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân là một trong những đề tài chính tại hội nghị G-7 lần này.
Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Fumio Kishida, nói “Đối với chúng tôi, việc thủ đắc vũ khí hạt nhân là một việc hoàn toàn không thể nghĩ bàn.”
Ông Kishida cho biết như thế khi được hỏi về những ý kiến của ông Donald Trump, người dẫn đầu cuộc chạy đua của phe Cộng hoà vào Tòa Bạch Ốc, cho rằng Nhật Bản và Nam Triều Tiên nên có vũ khí hạt nhân để giảm bớt sự lệ thuộc vào ô dù hạt nhân của Mỹ.
Ngoại trưởng Kerry không nêu đích danh ông Trump để chỉ trích, nhưng ông nói rằng những đề nghị như vậy của một người ra tranh cử tổng thống là “vô lý” và “đi ngược” với tất cả những mục tiêu mà nước Mỹ đã cố gắng để đạt được.
An ninh toàn cầu là một trong những trọng tâm của cuộc thảo luận giữa ông Kerry với các vị Ngoại trưởng khác của khối G-7, sau khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố hồi gần đây ở Brussels và Paris.
Trong một thông cáo chung, các vị ngoại trưởng lên án những vụ tấn công đó và những hành vi tàn ác khác của các nhóm khủng bố.
Thông cáo có đoạn “Những vụ chà đạp nhân quyền một cách trắng trợn và sự tán phá và rối loạn do Nhà nước Hồi giáo và những nhóm khủng bố khác gây ra tiếp tục tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho hoà bình và an ninh địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế.”
Các vị ngoại trưởng cũng bàn tới những nỗ lực để mang lại ổn định cho Syria thông qua cuộc đàm phán về một cuộc chuyển tiếp chính trị do Liên Hiệp Quốc làm trung gian.
Thông cáo chung nói “Có một việc hết sức cần thiết là tất cả các bên của Thoả thuận ngưng chỉ các hành vi thù địch, cũng như những nước hỗ trợ cho họ, tiếp tục tuân thủ một cách đầy đủ những qui định của thoả thuận và tiếp tục cuộc thương thuyết về sự chuyển đổi chính trị tách khỏi sự cai trị của Tổng thống Assad.”
Hội nghị ngoại trưởng G-7 cũng bàn tới những hành vi khiêu khích hồi gần đây của Bắc Triều Tiên, trong đó có vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư và những vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo.
Ngày mai, Ngoại trưởng Kerry sẽ diễn thuyết tại cuộc hội thảo của Hội đồng Thái Bình Dương ở tiểu bang California. Bộ Ngoại giao cho biết ông sẽ nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở đó về điều gọi là “những cơ hội an ninh quốc gia” của Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).