Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ: Sẽ không phái binh sĩ tác chiến tới Iraq


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tại Sydney, ngày 12/8/2014.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tại Sydney, ngày 12/8/2014.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố Washington sẽ không phái binh sĩ tác chiến tới Iraq và hối thúc ông Haidar al-Abadi, người được chỉ định giữ chức Thủ tướng Iraq, hãy nhanh chóng thành lập một chính phủ bao gồm nhiều thành phần. Ông Kerry tuyên bố như vậy tại Sydney trong lúc tham dự hội nghị bộ trưởng Mỹ- Úc hàng năm. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật do thông tín viên Phil Mercer của đài VOA gởi về Sydney.

Tuy Hoa Kỳ đã thực hiện những vụ không kích nhắm vào những phần tử Hồi giáo Sunni cực đoan ở miền bắc Iraq, Ngoại trưởng Kerry nói rằng Washington sẽ không phái binh sĩ tác chiến tới Iraq.

Ông Kerry nói rằng giải pháp cho vụ khủng hoảng ở Iraq là “một chính phủ đoàn kết và bao gồm nhiều thành phần” ở Baghdad, được mọi người Iraq ủng hộ. Washington đang ủng hộ cho ông Haider al-Abadi lên thay đương kim Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki.

Ngoại trưởng Kerry nói rằng số phận của Iraq nằm trong tay của người dân nước này.

"Tôi xin dùng những từ ngữ đơn giản nhất để trình bày với quí vị về việc này. Các lực lượng tác chiến của Mỹ sẽ không trở lại Iraq. Đây là một cuộc chiến đấu mà người Iraq phải cùng nhau tham gia để bảo vệ đất nước của họ, bởi vì nếu không có một chính phủ bao gồm nhiều thành phần và hoạt động có hiệu quả thì không có điều gì khác có thể mang lại kết quả. Đó là một việc rất rõ ràng và đơn giản."

Hàng vạn thường dân ở miền bắc Iraq đã phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn trước đà tiến quân của nhóm Nhà nước Hồi giáo, trước đây thường được gọi là ISIL hay ISIS. Nhiều người tản cư đã mắc kẹt trên một vùng núi và không có thức ăn và nước uống cả tuần qua.

Ông Peter Jennings là Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược, một tổ chức nghiên cứu độc lập ở Australia. Ông tin rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện thêm những vụ không kích để giúp bảo vệ những người tản cư.

"Một chiến dịch oanh tạc không phải là một giải pháp đầy đủ, nhưng chắc chắn nó sẽ gây ra nhiều trở ngại cho những mưu toan của ISIS nhằm củng cố quốc gia Hồi giáo của họ và giảm bớt mối đe dọa đối với những nhóm người thiểu số mà họ đang tấn công ở miền bắc Iraq."

Ngoại trưởng Kerry cũng đòi mang ra trước ánh sáng công lý những thủ phạm của vụ bắn rơi máy bay chở khách của Malaysia Airlines ở Ukraine. Ông cho biết Washington hiểu được sự phẫn nộ của Australia đối với vụ chuyến bay MH 17 bị bắn rơi. Trên máy bay này có 38 công dân và thường trú nhân của Australia.

Các vị bộ trưởng của Hoa Kỳ và Australia cũng đã thảo luận về việc gia tăng sự hiện diện luân phiên của Thủy quân Lục chiến và không quân Mỹ ở thành phố cảng Darwin. Vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và những mối căng thẳng ở Biển Đông cũng được mang ra thảo luận.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết mối quan hệ giữa Canberra với Washington hiện nay “vững mạnh hơn lúc nào hết.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG