Đường dẫn truy cập

Cuộc không kích của Mỹ 'phá hủy vũ khí' của chiến binh Iraq


Chiến đấu cơ F/A-18 Hornet tấn công vào mục tiêu của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo Iraq hôm 8/8.
Chiến đấu cơ F/A-18 Hornet tấn công vào mục tiêu của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo Iraq hôm 8/8.

Tổng thống Barack Obama nói các cuộc không kích của quân đội Hoa Kỳ tại Iraq đã thành công trong việc phá huỷ vũ khí và trang bị các phần tử chủ chiến Quốc gia Hồi Giáo có thể dùng để tấn công Irbil, thủ đô của người Kurd.

Phát biểu tại Tòa Bạch Ốc ngày thứ Bảy, Tổng thống Obama nói lực lượng Hoa Kỳ tiếp tục trợ giúp nhân đạo cho những người theo các tôn giáo thiểu số bị bách hại đang kẹt trên Núi Sinjar, và ông cho biết đang có kế hoạch thiết lập một hành lang an toàn để những người này đi đến khu vực an toàn.

Tổng thống Obama cho biết các nhà lãnh đạo của Anh và Pháp đều đồng ý cùng với Hoa Kỳ trợ giúp nhân đạo. Tổng thống từ chối cho biết những hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại Iraq kéo dài đến bao giờ. Tuy nhiên ông nói thêm là vấn đề do các phần tử chủ chiến thuộc tổ chức Quốc gia Hồi Giáo gây ra sẽ không giải quyết được trong vài tuần lễ mà cần phải có thời gian.

Tổng thống Obama nói thời biểu quan trọng nhất ông đang chú tâm đến là việc thành lập một chính phủ Iraq gồm nhiều thành phần để các lực lượng Iraq có thể đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh cho người tị nạn và đối đầu với những chiến binh của Quốc gia Hồi Giáo hiện đang chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Iraq.

Sau khi phát biểu với các phóng viên tại sân cỏ phía nam bên ngoài Tòa Bạch Ốc ngày thứ Bảy, Tổng thống Obama dùng máy bay trực thăng đến Căn cứ Không quân Andrew để đi nghỉ hè tại tiểu bang Massachuchusetts vùng đông bắc nước Mỹ.

Cuộc khủng hoảng Iraq đứng đầu lịch trình làm việc của chính phủ Mỹ trong tuần qua. Trong bài diễn văn hàng tuần gởi dân chúng Mỹ được phát đi vào sáng sớm ngày thứ Bảy, Tổng thống Obama nói ông quyết định can thiệp vào Iraq vì Hoa Kỳ không thể ngoảnh mặt làm ngơ khi người dân vô tội đối mặt với một cuộc thảm sát.

Ông nói lương thực và nước uống được không quân Mỹ thả xuống cho hàng ngàn người tị nạn trên núi Sinjar sẽ giúp họ sống sót. Những thường dân bị kẹt trên núi gồm có những Cơ đốc nhân, những người Yazidi và những người theo các tôn giáo khác, lánh nạn trên những ngọn đồi vì sợ bạo động do những chiến binh Quốc gia Hồi Giáo đang tiến đến vùng này gây ra.

Những phần tử chủ chiến đã gởi tối hậu thư đến cho những nhóm thường dân khác, buộc phải cải đạo sang Hồi Giáo hay sẽ bị giết chết. Tổ chức Quốc gia Hồi Giáo đã công bố những video cho thấy những chiến binh của họ chặt đầu những người không tuân theo lệnh này.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ 5 ra lệnh cho phi cơ quân sự Mỹ thực hiện những vụ không kích có mục tiêu rõ rệt chống lại những chiến binh của tổ chức Quốc gia Hồi Giáo đang tiến đến Irbil, thủ đô của vùng tự trị của người Kurd tại Iraq.

Tổng thống cũng kêu gọi trợ giúp nhân đạo tức thời cho những người tị nạn đang mắc kẹt trên núi tại miền bắc Iraq, cách Irbil khoảng 200 kilômét. Hôm thứ Sáu, quân đội Hoa Kỳ đã mở hai đợt không kích vào các chiến binh chủ chiến, sử dụng máy bay không người lái và máy bay phản lực chiến đấu để oanh tạc các đoàn xe của tổ chức Quốc gia Hồi Giáo và những vị trí trọng pháo.

Tổng thống Obama nói hành động này là cần thiết để bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ và các cố vấn quân sự tại Irbil, thủ đô của người Kurd và là một trong những thành phố lớn nhất của Iraq.

Một viên chức cao cấp trong chính quyền Obama nói các cuộc không kích diễn ra vào lúc các phần tử cực đoan Quốc gia Hồi Giáo đang tiến đến vùng phụ cận Irbil. Trong một cuộc không kích, quân đội Mỹ đã thả những quả bom loại 250 kí điều hướng bằng tia laser vào một đơn vị pháo binh đang pháo kích vào các lực lượng người Kurd.

Hôm thứ Sáu, ông Obama đã gởi một văn thư mô tả tình hình cho Chủ tịch Hạ viện John Boehner, dựa theo Nghị quyết về Quyền Chiến tranh. Các phần tử cực đoan Quốc gia Hồi Giáo, hầu hết là người Hồi Giáo Sunni, đã chiếm được một số lượng đáng kể các khí tài quân sự Hoa Kỳ đã chuyển giao cho chính phủ Iraq do người Sia lãnh đạo và cho các chiến binh Peshmerga người Kurd trước khi các binh sĩ Mỹ rút khỏi Iraq vào năm 2012.

Tổ chức Quốc gia Hồi Giáo, nổi tiếng vì những chiến thuật tàn bạo, hiện đang kiểm soát một phần đất rộng lớn tại miền đông Syria và miền tây bắc Iraq; đã tuyên bố vùng này là một vương quốc Hồi Giáo và đang tích cực tuyển mộ các chiến binh khác gia nhập tổ chức này.

Hôm thứ Sáu, tại Washington, Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Ben Rhodes đã gặp các thành viên của cộng đồng Yazidi tại Tòa Bạch Ốc để thảo luận về tình hình tại miền bắc Iraq và cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo.

Cũng vào ngày thứ Sáu, Cơ quan Quản trị Hàng không Liên bang Mỹ công bố một thông cáo giới hạn những chuyến bay thương mại vào không phận Iraq vì tình hình nguy hiểm do cuộc chiến giữa các phần tử chủ chiến Hồi Giáo và lực lượng an ninh Iraq gây ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon hôm thứ 6 tuyên bố Anh Quốc sẽ tham gia hoạt động thả dù hàng cứu trợ nhưng không tham gia những vụ không kích.

Tổ chức Di dân Quốc tế cho biết số người Iraq lánh nạn trong nước giờ đây đã vượt mức 1 triệu người.

Người Kurd chống trả

Ngày thứ Bảy, Tổng thống Barack Obama cho biết lực lượng Hoa Kỳ đã không kích vào các mục tiêu lực lượng khủng bố bên ngoài thành phố Irbil để ngăn ngừa lực lượng này tiến vào thành phố và bảo vệ các nhà ngoại giao và nhân viên quân sự Mỹ tại đây.

Ông Bakhtyar Dogan, một phát ngôn viên của cánh quân sự Đảng Công nhân Kurd, Lực lượng Bảo vệ Nhân dân, ngày thứ Bảy nói với ban tiếng Kurd Đài VOA là các phần tử chủ chiến thuộc tổ chức có tên là Quốc gia Hồi Giáo đang tiến về Irbil, thủ đô của vùng Kurdistan tại Iraq.

Ông cho biết: "Các phần tử chủ chiến đang tiến gần đến một trại tị nạn ở vùng ngoại ô Irbil. Đây là một mối đe doạ nghiêm trọng. Chúng tôi đang chống trả lại để bảo vệ người dân chúng tôi, đặc biệt là phụ nữ, người già và trẻ em. Ngày hôm qua đã có vài vụ đụng độ giữa những chiến binh của chúng tôi và các phần tử chủ chiến."

Ngũ Giác Đài nói những chiến binh Quốc gia Hồi Giáo sử dụng pháo binh pháo kích vào lực lượng Kurd đang bảo vệ Irbil, nơi có toà lãnh sự của Hoa Kỳ và khoảng hơn 30 huấn luyện viên quân sự của Mỹ.

Thiếu tướng Mỹ hồi hưu Ernie Audino nói với ban tiếng Kurd của Đài VOA là Hoa Kỳ nên củng cố lực lượng người Kurd để có thể chống trả hữu hiệu tổ chức Quốc gia Hồi Giáo.

Ông nói: "Tôi tin là chúng ta nên vũ trang cho người Kurd, yểm trợ cho người Kurd theo một phương cách cho phép họ giữ vững cũng như khai thác những điều kiện trên bộ và chúng ta có thể mở một chiến dịch bằng không quân thích đáng phối hợp với các cuộc hành quân trên bộ của Peshmarga".

Cứu trợ

Ngày thứ Bảy, các xe tải chở đầy người tị nạn tiếp tục đổ vào vùng người Kurd tại Iraq. Những người này lánh khỏi các thị trấn vừa mới bị các phần tử chủ chiến Quốc gia Hồi Giáo người Sunni tràn ngập.

Các nhân chứng cho biết những chiến binh Peshmerga cũng thành công trong việc cứu hàng trăm người tị nạn Yazidi bị kẹt trên Núi Sinjar gần một tuần lễ trong những điều kiện khó khăn.

Các chiến binh Peshmerga dường như cầm chân được các phần tử chủ chiến Quốc gia Hồi Giáo dọc theo tuyến phòng thủ cách Irbil, thủ đô vùng Kurd khoảng 50 kilômét về phía nam.

Các cuộc không kích nhằm vào lực lượng Quốc gia Hồi Giáo và lời hứa của Tổng thống Barack Obama giúp thêm nữa đã làm cho một số nhà lãnh đạo Iraq lạc quan.

Tổng thống Iraq Fouad Massoum và Bộ trưởng Ngoại giao sắp mãn nhiệm Hoshyar Zebari cám ơn Hoa Kỳ đã yễm trợ bằng không quân trong cuộc chiến chống lại các phần tử chủ chiến.

Ông Zebari cho rằng việc trợ giúp của Hoa Kỳ chống lại các phần tử chủ chiến rất cần thiết: "Chúng tôi rất cám ơn và bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi đối với Tổng thống Obama và chính quyền Hoa Kỳ và đối với lòng can đảm của quân đội Mỹ và các phi công hiện đang tuần tra vùng trời Iraq và vùng Kurdidtan Iraq. Chúng tôi không bao giờ mất hy vọng vào những người bạn của chúng tôi là họ sẽ đến khi hoàn cảnh thích hợp".

Ông Fouad Hussein, người đứng đầu các lực lượng người Kurd ngày thứ Bảy nói với các phóng viên là chiến binh của ông đã vất vả chiến đấu chống lại các phần tử chủ chiến Quốc gia Hồi Giáo, nhưng giờ đây đã bắt đầu dạt được những thắng lợi sau khi Hoa Kỳ yễm trợ.

Ông Fouad Hussein nói các phần tử chủ chiến Quốc gia Hồi Giáo sở hữu những vũ khí tân tiến nhất họ có lẽ đã chiếm được trong kho vũ khí của quân đội Iraq, gồm có rốckết, pháo binh, xe tải và xe tăng.

Các chiến binh Peshmerga không có những vũ khí như thế và sự cân bằng chiến lược từ lúc đầu nghiêng về phần các phần tử chủ chiến. Tuy nhiên ông nói thêm là sự giúp đỡ của Hoa Kỳ đã cho các chiến binh của ông đà tiến mới.

Giữa cuộc khủng hoảng người tị nạn, Tổng giám mục Louis Sako thuộc Hội thánh Công giáo Canh-Đê đã gặp giáo sĩ Sia hàng đầu Ayatollah Ali Sistani, tại nhà của ông ở Najaf. Tổng giám mục Sako kêu gọi thế giới trợ giúp.

Ông nói có hơn 100.000 người theo Cơ Đốc Giáo đã rời khỏi vùng Mosul và cầu cứu thế giới bên ngoài giúp chống lại các phần tử chủ chiến Quốc gia Hồi Giáo. Ông nói rằng tất cả người Iraq gồm cả Ayatollah Sistani đều đoàn kết chiến đấu chống lại các phần tử chủ chiến.

Trong những diễn biến chính trị, phiên họp của Quốc hội Iraq bầu chọn một Thủ tướng dự trù họp vào ngày Chủ Nhật đã được hoãn lại sang ngày thứ Hai.

Truyền thông Iraq loan tin là các lãnh tụ chính trị Shia lúng túng trong việc chọn một Thủ tướng mới đã khiến cho phiên họp Quốc hội hoãn lại. Việc trì hoãn này đã vi phạm thời hạn 15 ngày do hiến pháp ấn định để chỉ định một Thủ tướng mới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG