Ngoại trưởng John Kerry nói quyết định của Tổng thống Barack Obama gởi lực lượng đặc biệt đến Syria chỉ nhằm chống lại các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo, và không có nghĩa là Hoa Kỳ tham gia cuộc nội chiến Syria.
Ông Kerry đã đề nghị tổng thống Obama triển khai lực lượng Mỹ tại Syria cho biết chính sách của Mỹ rõ ràng: đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi Giáo. Ông không loại trừ việc Hoa Kỳ dính líu thêm nữa tại Syria nhưng ông nói rằng ông không thể tiên đoán tương lai.
Nhận định của ông Kerry được đưa ra trong một cuộc họp báo ngày thứ Bảy tại Bishkek, thủ đô Kyrgystan, chặng dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến đi thăm 5 nước Trung Á.
Tòa Bạch Ốc cho biết tổng thống cho phép không đến 50 binh sĩ thuộc lực lượng dặc biệt đến miền bắc Syria để giúp các tổ chức đối lập chiến đấu chống lại các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo. Những binh sĩ này sẽ là lực lượng trên bộ đầu tiên của Mỹ có mặt bên trong Syria, không có nhiệm vụ nào khác hơn là tấn công trong một thời gian ngắn hay có những nhiệm vụ đặc biệt, kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào đầu năm 2011.
Một viên chức cao cấp bộ quốc phòng Hoa Kỳ nói Mỹ sẽ không thực hiện những vụ tấn công đơn phương nào hay dính líu đến bất cứ hoạt động chung nào với lực lượng Syria. Tuy nhiên viên chức cao cấp này nói bà không loại trừ khả năng “điều chỉnh lại” vai trò của những lực lượng Mỹ trong tương lai.
Trong quá khứ tổng thống Obama đã vài lần nhắc lại là không có bộ binh Mỹ được gởi tới Syria, nhưng chính sách của Mỹ thay đổi vì có sự lớn mạnh của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo, và gần đây nhất là Nga gia tăng đáng kể sự hỗ trợ của nước này cho Tổng thống Bashar al-Assad của Syria.
Các chiến binh Nhà nước Hồi Giáo nổi tiếng khát máu và những chiến thuật tàn bạo nhằm vào các đối thủ về ý thức hệ lẫn những người Hồi Giáo khác không chấp nhận sự cai trị tuyệt đối của các phần tử hiếu chiến, vẫn còn kiểm soát một phần lãnh thổ rộng lớn tại Syria và nước láng giềng Iraq.
Tuy nhiên quyền lực và ảnh hưởng của Nhà nước Hồi Giáo có thể tàn lụi dần tại một số khu vực vì các cuộc không kích của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo và Nga cũng như những cuộc giao tranh trên bộ giữa Nhà nước Hồi Giáo và các chiến binh người Kurd. Tin tức từ miền bắc Syria cho biết Raqqa cứ địa vững chắc của Nhà nước Hồi Giáo có thể đang trên bờ sụp đổ.
Chuyến viếng thăm Kyrgyzstan ngày thứ Bảy của Ngoại trưởng Kerry bắt đầu một chuyến công du đã được hoạch định từ lâu của ông đến các nước Trung Á trong đó có Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan và Turkmenistan.
Các giới chức Mỹ xem chuyến công du của ông Kerry là dịp để trấn an các nước Trung Á về sự vững mạnh của mối quan hệ của họ với Mỹ trong lúc quan hệ giữa Mỹ với nước Nga láng giềng của họ bị nguội lạnh. Nhưng ông Kerry cũng gặp áp lực đòi ông công khai đề cập tới những khuyết điểm của những nước thuộc Liên Sô cũ này.
Hôm qua, Thượng nghị sĩ Ben Cardin, nhân vật đứng hàng thứ nhì trong Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã gởi cho ông Kerry một lá thư công khai để yêu cầu ông thúc đẩy cho việc thả tù chính trị tại mỗi nước mà ông đến thăm. Ông Cardin yêu cầu ông Kerry khẳng định “cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với những nguyên tắc dân chủ phổ quát” khi ông hội kiến các vị Ngoại trưởng của những nước vùng Trung Á.
Tổ chức Human Rights Watch cũng yêu cầu ông Kerry bày tỏ quan tâm về thành tích nhân quyền của những nước này và hối thúc họ trả tự do cho những người bị tù oan, chấm dứt nạn tra tấn và tôn trọng các quyền tự do cơ bản.
Mới đây, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả yêu cầu ông Kerry lưu ý tới các nhà báo bị cầm tù vì lý do chính trị, vấn đề kiểm duyệt mạng internet, và những vụ hành hung nhà báo. Tổ chức này nói thêm rằng các cuộc nghiên cứu của họ cho thấy tự do truyền thông “đã xấu đi một cách đều đặn” tại các nước Trung Á trong thời hậu Sô Viết.