Đường dẫn truy cập

Bất định về sự can dự của Nga và Iran vào Syria


Ngoại trưởng các nước tề tựu tại Vienna để đàm phán về tương lai chính trị của Syria.
Ngoại trưởng các nước tề tựu tại Vienna để đàm phán về tương lai chính trị của Syria.

Trong khi các cường quốc thế giới tề tựu tại Vienna để đàm phán về tương lai chính trị của Syria, có những nghi vấn về việc liệu sự tham gia của các đồng minh Syria là Iran và Nga, sẽ giúp ích hay gây hại cho tiến trình này. Thông tín viên VOA Pam Dockins tại Bộ Ngoại giao ghi nhận chi tiết.

Ngay trước khi đến Vienna, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố đã đến lúc dành cho người Syria thêm các lựa chọn.

“Chúng ta phải từ bỏ định kiến, mà ngay từ đầu cả ông Assad lẫn Daesh (là tên tắt tiếng Ả Rập của Nhà nước Hồi giáo), đều khích lệ, cho rằng chọn lựa duy nhất mà người Syria có là giữa hai thực thể đó. Hoặc là các phần tử khủng bố, hoặc là Assad. Không, đó không phải là chọn lựa duy nhất”.

Trong khi Iran và Nga đều ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad cả về chính trị lẫn quân sự, họ sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán về tương lai chính trị của Syria.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói:

“Mục tiêu chính của cuộc họp đó là giúp cho việc phát động càng sớm càng hay một tiến trình chính trị tại Syria thông qua một cuộc đối thoại giữa những người Syria”.

Nhưng có mối quan ngại rằng lợi ích của Nga ở Syria là về kinh tế nhiều hơn chính trị, như nhận định của ông Daniel Serwer, thuộc trường Nghiên cứu Chính trị Cấp cao của Đại học Johns Hopkins:

“Moscow đang chảy máu. Chảy cả máu thật lẫn tiền bạc ở Syria. Và tôi cho rằng người Nga biết những gì Tổng thống Obama nói là có thật, rằng đó là một bãi lầy, và họ cần phải chấm dứt tình trạng này sớm thì tốt hơn là trễ”.

Và cũng có mối quan ngại rằng mục tiêu của Iran là gây rối loạn trong khu vực, theo nhận định của chuyên gia Michael O’Hanlon thuộc Viện Brookings:

“Tôi nghi là khi Iran ngồi vào bàn họp thì thực ra họ sẽ có thái độ nước đôi, và bất cứ những gì họ nói không phải là những gì chúng ta sẽ có được”.

Cũng có mối quan ngại là cả hai nước đều cho mình là người nắm vai chủ động khi nói về các cuộc đàm phán về tương lai Syria. Bà Michelle Dunne, thuộc Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế nói:

“Tôi sợ rằng Iran và Nga cảm thấy họ nắm ưu thế trong mọi hoạt động ngoại giao – bởi vì họ có một sự hiện diện hùng hậu ngay tại hiện trường – hùng hậu hơn bất kỳ tác nhân quốc tế nào, và hùng hậu hơn so với trước đây”.

Không có ai ở Vienna trông đợi một giải pháp chung quyết trong các cuộc đàm phán này, vì những bất đồng quá lớn. Họ chỉ trông đợi có những cuộc đàm phán sau này về tương lai chính trị của Syria.

Ở một điểm nào đó, các cuộc đàm phán ấy phải bao gồm những bên đóng vai trò chính – như chính phủ Syria chẳng hạn, và phe đối lập ôn hòa ở Syria.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG