Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm Chủ nhật đã hội kiến nhà lãnh đạo chuyên quyền của Uzbekistan và những quan chức từ các nước Trung Á khác bị cáo buộc nằm trong số những nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Chuyến thăm của ông Kerry tới Trung Á diễn ra sau những chặng dừng chân ở châu Âu và Trung Đông. Hôm Chủ nhật, ông đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo của năm nước cộng hòa thuộc Liên bang Soviet cũ là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, tất cả đều lo ngại về sự trỗi dậy của Taliban ở Afghanistan và việc tuyển mộ người dân nước họ vào những tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo. Ông Kerry nêu lên những lo ngại này tại cuộc họp ở Samarkand, thành phố nằm trên Con đường Tơ lụa cổ xưa.
"Chúng ta sẽ nói về sự phát triển kinh tế và kết nối, môi trường, an ninh khu vực và sự ổn định và khía cạnh con người. Trong thời khắc đặc biệt này của lịch sử, vấn đề kinh tế và an ninh đi đôi với nhau. Chúng củng cố lẫn nhau."
Trước đó, ông Kerry đã hội đàm với Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov trong một cuộc tiếp xúc cấp cao hiếm hoi của Mỹ với nhà cai trị chuyên quyền và thường bị nhắm mục tiêu chỉ trích về nhân quyền.
"Ông Kerry và ông Karimov đã thảo luận về những vấn đề toàn cầu đôi bên cùng quan tâm bao gồm cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực cũng như an ninh và ổn định trong khu vực," phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói.
Vị tổng thống 77 tuổi này đã lãnh đạo Uzbekistan kể từ năm 1990.
Các quan chức Mỹ coi chuyến thăm của ông Kerry là một cách để trấn an các nước Trung Á về sức mạnh của mối quan hệ của họ với Washington vào thời điểm mà quan hệ Mỹ-Nga đang suy yếu. Nhưng ông Kerry cũng đang chịu áp lực phải lên tiếng về những thiếu sót trong hồ sơ nhân quyền của những nước này.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đặt tại Mỹ yêu cầu ông Kerry hối thúc những nước này phóng thích những người bị giam giữ oan sai, chấm dứt tình trạng thoát tội không bị trừng trị đối với nạn tra tấn, và duy trì những cam kết nhân quyền quan trọng khác.
Sau cuộc họp, ngoại trưởng nhóm năm nước Trung Á và Mỹ ra một tuyên bố chung tuyên bố cam kết của họ đối với những vấn đề này và những vấn đề khác, trong đó có việc thúc đẩy thương mại trong khu vực, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, tìm cách giải quyết những thách thức đối với tính bền vững môi trường và tăng cường hợp tác chống lại những mối đe dọa như khủng bố và buôn lậu vũ khí, ma túy bất hợp pháp và con người.
"Các quốc gia Trung Á đã cam kết đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế sau khi họ trở thành những nước độc lập, và mỗi nước đang làm việc với chúng tôi và với nhau để đáp ứng những tiêu chuẩn đó. [Ở đây], cũng như những nơi khác, người dân khao khát có một chính phủ biết chịu trách nhiệm và hữu hiệu," ông Kerry nói.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) gần đây đã thúc giục ông Kerry hướng sự chú ý tới những nhà báo bị bắt giam vì lý do chính trị và kiểm duyệt trên mạng, và lên án những vụ tấn công thân thể nhắm vào những người thuộc giới truyền thông. CPJ cho biết nghiên cứu của họ cho thấy tự do báo chí đã "dần trở nên tệ hơn" ở Trung Á trong thời kỳ hậu Soviet.