Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ vận động TQ tiếp tay thuyết phục Bắc Triều Tiên


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, 13/2/2014
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, 13/2/2014
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ lên đường sang thăm Bắc Kinh vào ngày thứ Sáu tuần này. Ông Kerry tin rằng các quan chức Trung Quốc tại đó có thể làm nhiều hơn để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Thông tín viên Scott Stearns của VOA tường trình từ Nam Triều Tiên, nơi Ngoại trưởng Kerry gặp Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao nước này hôm thứ năm, tiếp theo sau các cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa hai miền bán đảo Triều Tiên tính từ hơn bảy năm nay.

Trong bối cảnh không có bao nhiêu tiến bộ trong cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng với Seoul, Nam Triều Tiên nói họ sẽ xúc tiến kế hoạch tập trận chung đã hoạch định với Hoa Kỳ, mà Bắc Triều Tiên nói sẽ phá hoại các nỗ lực nhằm tổ chức các cuộc đoàn tụ gia đình.

Phát biểu qua lời một thông dịch viên, Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Yun Byung-sen nói đã tới lúc phải tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng. Ông nói:

"Chúng tôi chia sẻ quan điểm cho rằng một hướng tiếp cận có nguyên tắc và hiệu quả, hai chiều: một mặt tăng sức ép, một mặt mở đối thoại, là điều cần thiết. Về phương diện này, dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa nước Cộng hòa Triều Tiên và Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn cùng với Trung Quốc và các nước khác để đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên một cách đáng kể."

Ngoại trưởng Kerry nói Trung Quốc có một "vai trò thiết yếu, mà duy nhất chỉ có nước này có thể đóng" để thuyết phục Bắc Triều Tiên quay lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của họ. Ông Kerry nói:

"Không một quốc gia nào khác có tiềm năng hơn Trung Quốc, để có thể ảnh hưởng tới hành vi của Bắc Triều Tiên, xét các quan hệ thương mại sâu rộng của Bắc Kinh với Bắc Triều Tiên."

Ông Kerry nói Trung Quốc đang tiếp tay vào nỗ lực đó, tuy nhiên Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn là chỉ là nước cung cấp các dịch vụ ngân hàng và nhiên liệu nhiều nhất cho Bắc Triều Tiên:

"Chúng tôi tin rằng tại thời điểm này, Trung Quốc có thể làm nhiều hơn để thúc giục Bắc Triều Tiên bắt đầu các bước hành động hướng tới việc tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình. Cá nhân tôi sẽ khuyến khích Trung Quốc sử dụng tất cả mọi phương tiện có sẵn để làm điều đó. Bây giờ tôi muốn xác định rõ, rằng Trung Quốc đã có những đáp ứng."

Bắc Triều Tiên đã xây dựng lại một số cơ sở hạt nhân của họ trong thời gian không có các cuộc đàm phán quốc tế, điều này đã khiến cho Chủ tịch Kim Jong Un thậm chí còn trở nên nguy hiểm hơn nữa, theo nhà phân tích Michael Auslin của viện nghiên cứu chính sách American Enterprise Institute.

Ông Auslin phát biểu:

"Chúng ta hiểu biết ít hơn về những gì đang diễn ra ở Bắc Triều Tiên dưới chế độ ông Kim Jong Un, so với những gì chúng ta biết về chế độ trước đây của ông Kim Jong Il. Dựa trên mọi chỉ dấu có được, thì tình hình tại đó đang trở nên bất định hơn, và dễ thay đổi hơn nữa."

Theo giáo sư Đại học người Mỹ Lou Goodman, thì sự thể này lại càng làm cho việc tìm một hướng tiếp cận tốt nhất đối với ông Kim Jong Un trở nên khó khăn hơn nữa. Giáo sư Goodman:

"Khi nào thì chế độ miền Bắc mới cảm thấy tự tin về sự củng cố quyền hành của mình, đủ để có thể tiến tới phía trước và đề ra một số sáng kiến mới?"

Ngoại trưởng Kerry nói rằng Trung Quốc chia sẻ mối quan tâm của Mỹ về tình trạng bất ổn gia tăng sau khi người dượng của Chủ tịch Kim bị hành quyết. Ông Jang Song Thaek vốn là một đồng minh hàng đầu của Trung Quốc.

Nhà phân tích Auslin nói đó là một thay đổi khác nữa mà Washington và Bắc Kinh không thấu hiểu đầy đủ.

"Trước đây chúng ta thường hướng về ông Jang Song Thaek và tự nhủ, được rồi, đây là trung tâm nắm quyền lực. Chúng ta biết là có một sự nối kết với Trung Quốc. Có một mức độ ổn định nào đó mà có lẽ chúng ta không thích, nhưng ít ra đây là một tình trạng ổn định. Ngày hôm nay thì tôi chắc chúng ta không thể nói điều đó."

Tại cuộc hội đàm hôm thứ Năm với Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-Hye, Ngoại trưởng Kerry còn tìm cách xoa dịu những căng thẳng giữa Nam Triều Tiên và Nhật Bản liên quan tới một hòn đảo đang trong vòng tranh chấp. Đây được coi là một địa điểm phong phú hải sản thuận lợi cho các hoạt động đánh cá, và cũng là nơi người ta tin là có chứa nhiều tài nguyên dầu khí lớn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG