Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã có mặt tại thủ đô La Habana của Cuba, nơi ông chủ tọa một buổi lễ thượng kỳ tại đại sứ quán Hoa Kỳ, được mở lại trong một quyết định xác nhận quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia sau 54 năm gián đoạn.
Phát biểu tại buổi lễ thượng kỳ, ngoại trưởng Kerry nói, “đây thực sự là một dịp đáng ghi nhớ, một ngày để dẹp qua một bên những rào cản cũ và thăm dò các khả năng mới.”
Nêu ra sự kiện ông là ngoại trưởng Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Cuba từ năm 1945, ông Kerry nói ông cảm thấy “rất quen thuộc với đại sứ quán ở Cuba.” Ông nói buổi lễ hôm thứ Sáu là kết quả của quyết định “can trường” của Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro của Cuba nhằm phục hồi quan hệ ngoại giao đã bị cắt đứt vào cao điểm cuộc Chiến tranh Lạnh.
Ông Kerry nói, “Tổng thống Obama và Chủ tịch Castro đã đưa ra quyết định can đảm là ngưng làm tù nhân của lịch sử và tập trung vào các cơ hội của hôm nay và ngày mai.”
Cả đại sứ quán Hoa Kỳ và Cuba đều đã mở cửa lại vào ngày 20 tháng 7.
Chính phủ Cuba đã chủ trì một buổi lễ hoành tráng cho việc mở cửa lại đại sứ quán của họ hồi tháng trước, nhưng Hoa Kỳ quyết định hoãn buổi lễ chính thức cho đến khi Ngoại trưởng Kerry có thể lãnh đạo một phái đoàn đến La Habana.
Trước khi lên diễn đàn vào một buổi sáng nắng chói, ông và quan khách đã hoan hô ba cựu binh sĩ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ - chính những người đã hạ lá cờ lần cuối khi đại sứ quán đóng cửa hồi tháng 1 năm 1961, được chọn để giương cờ lên hôm thứ Sáu.
Đám đông đã đứng dậy khi quốc thiều hai nước cất lên trước khi kéo cờ.
Tháp tùng Ngoại trưởng đến Cuba, có một số đại biểu Quốc hội và một số nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ, trong đó có vị tham vụ đã lãnh đạo sứ quán từ tháng trước.
Các nhân vật bất đồng không được mời
Giới chức cấp cao này nói các nhân vật bất đồng chính kiến sẽ không tham gia buổi lễ thượng kỳ tại đại sứ quán Hoa Kỳ.
Giới chức này nói: “Đây chủ yếu là một sự kiện giữa hai chính phủ, mang ý nghĩa của mối quan hệ mới và việc mở cửa lại đại sứ quán.” Nhưng các thành viên xã hội dân sự Cuba, gồm cả các những người hoạt động chính trị, nhân quyền và truyền thông, đã được mời dự một buổi lễ thứ nhì, lớn hơn tại tư thất của Đại sứ Jeffrey DeLaurentis, trưởng Phái bộ Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN, ông Kerry nói “Chúng tôi sẽ có một cơ hội với nhiều triển vọng hơn có thể gặp gỡ một nhóm tiêu biểu rộng rãi cho xã hội dân sự Cuba, gồm cả các nhân vật bất đồng chính kiến.”
Một nhà tranh đấu nhân quyền người Mỹ gốc Cuba làm việc ở Washington nói quyết định của Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Cuba có thể là một trở ngại cho giới bất đồng Cuba.
Ông Frank Calzon, người đứng đầu Trung Tâm tranh đấu cho Cuba Tự do, nói: “Thật là chuyện hoang đường khi cho rằng chỉ vì Tổng thống Obama nhượng bộ cho Raul Castro mà Raul Castro sẽ cư xử tử tế và ngưng ngược đãi dân chúng Cuba.”
Viện dẫn những vụ bắt giữ liên tục của chính phủ Cuba nhắm vào những người biểu tình chống chính phủ và giới bất đồng, ông nói chính phủ Castro đã “trở nên táo bạo hơn” vì chưa nhận được sự hối thúc của Hoa Kỳ đòi cải thiện nhân quyền.
Ông Kerry nhấn mạnh rằng các vấn đề nhân quyền “đứng đầu nghị trình của chúng tôi về mặt những điều đầu tiên chúng tôi sẽ tập trung vào trong cuộc giao thiệp trực tiếp với chính phủ Cuba.”
Trong một bức thư gửi cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ tuần này, tổ chức Ký giả Không Biên giới nêu ra rằng Cuba xếp hạng thứ 169 trong số 180 quốc gia về chỉ số tự do báo chí năm 2015.
Phản ứng của các nhà lập pháp Hoa Kỳ
Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đã nêu nghi vấn về quyết định của chính quyền Obama trong việc tiến tới giao tiếp, sau những quan ngại về nhân quyền.
Nữ dân biểu Ileana Ros-Lehtinen, một người Mỹ gốc Cuba, nói: “Chúng ta quá khao khát thỏa thuận này cho nên sẵn sàng bỏ qua một trăm người bất đồng ôn hòa đã bị bắt chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi mở cửa đại sứ quán của chúng ta.”
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư ở Miami, bà Lehtinen nói, “Thực là một sự sỉ nhục độc ác đối với những người yêu tự do của Cuba và đây là một tình huống nguy hiểm cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ.”
Các nhà lập pháp khác đã bày tỏ sự ủng hộ, trong đó có thượng nghị sĩ Patrick Leahy:
Trong một thông cáo hồi tháng 7, đáp lại các kế hoạch mở cửa lại đại sứ quán Hoa Kỳ ở La Habana, ông Leahy nói, “Cuối cùng, sau 55 năm, một chính sách cô lập thất bại, trừng phạt và vô hiệu quả sắp kết thúc.”
Ảnh hưởng
Việc mở cửa lại đại sứ quán sẽ cho phép thêm người Mỹ du hành đến Cuba và dành cho người Cuba sự tiếp cận thêm với đại sự quán Hoa Kỳ tại La Habana.
Nhưng người dân Cuba có thể không nhận thấy sự khác biệt tức thời trong đời sống hàng ngày.
Ông Philip Brenner, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường đại học American University đã đi tới Cuba hơn 30 lần, nói: “Trong đoản kỳ trước mắt, sẽ không có lợi là bao cho người dân Cuba bình thường ngoại trừ việc đem lại cho họ đôi chút hy vọng.”
Ông Brenner nói Quốc hội sẽ cần phải bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ đối với Cuba để họ có thể thấy được sự thay đổi đáng kể.
“Tác động to lớn đối với đời sống của người dân Cuba là lệnh cấm vận và ở mức độ Hoa Kỳ và Cuba nay có thể hướng tới việc chấm dứt lệnh cấm vận đó chung cuộc sẽ có lợi cho họ.”
Tổng thống Obama đã bày tỏ sự ủng hộ việc bãi bỏ lệnh cấm vận, đã áp dụng đối với Cuba từ thập niên 1960.