Lá cờ của Hoa Kỳ sẽ được giương lên hôm nay tại Cuba. Lần đầu tiên từ năm 1961, Cuba và Hoa Kỳ có quan hệ ngoại giao và Ngoại trưởng John Kerry sẽ giương lá cờ Mỹ lên Đại sứ quán Hoa Kỳ ở La Habana. Nhưng vẫn còn phải giải quyết nhiều vấn đề còn lại sau nửa thế kỷ thù nghịch giữa hai nước.
Những người bất đồng chính kiến ở Cuba, lâu nay vẫn được các giới chức Hoa Kỳ ve vãn vì sự chống đối Fidel và Raul Castro, hai anh em đã cai trị đảo quốc này từ 5 thập niên, đã không được mời dự lễ thượng kỳ của ông Kerry tại Đại sứ quán Mỹ nằm bên bờ nước vì sợ sự hiện diện của họ sẽ có thể bị các giới chức Cuba tẩy chay không tham dự buổi lễ.
Nhưng nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, ông Kerry sau đó sẽ gặp gỡ một nhóm nhỏ các nhân vật bất đồng chính kiến tại tự gia của người đứng đầu phái bộ Hoa Kỳ. Ông cũng dự tính họp với một số giới chức chính phủ và người đứng đầu Giáo hội Công giáo Cuba, chứ không gặp hai anh em Castro.
Là ngoại trưởng Hoa Kỳ đầu tiên đến Cuba từ 70 năm nay, ông Kerry sẽ được tháp tùng bởi một số đại biểu Quốc hội và 3 cựu binh sĩ thủy quân lục chiến lớn tuổi đã từng hạ lá cờ lần chót ở La Habana vào tháng 1 năm 1961.
Giờ khắc quan trọng
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư với hệ thống truyền hình Telemundo, ông Kerry mô tả lễ thượng kỳ chính thức là “một giờ khắc quan trọng giữa hai chính phủ, với số người tham dự hạn chế, và đó là lý do vì sao sẽ có một buổi tiếp tân vào cuối ngày để có thể gặp gỡ nhiều thành phần trong xã hội dân sự, kể cả một số nhân vật bất đồng chính kiến.
Ông Kerry nói: “Thông điệp là, thứ nhất, chúng tôi tin rằng với việc chúng tôi tiếp xúc trong các quan hệ ngoại giao trực tiếp với chính phủ Cuba, việc có thể giao tiếp với dân chúng Cuba, thực sự sẽ giúp ích cho dân chúng Cuba”.
Cuba nằm ngoài khơi cách duyên hải miền đông nam Hoa Kỳ 145 kilomet, nhưng hai nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1961, sau khi nhà cách mạng Cuba Fidel Castro lên nắm quyền vào năm 1959. Người đang lãnh đạo Cuba hiện giờ, chủ tịch Raul Castro, và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã loan báo nối lại bang giao chính thức hồi tháng 12 năm ngoái, và các cuộc đàm phán đã diễn ra kể từ đó nhắm nới lỏng các hạn chế về kinh doanh, thương mại và du hành.
Những vấn đề tồn tại
Song vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng giữa hai nước bất chấp việc Tổng thống Obama quyết định nối lại quan hệ ngoại giao. Phần lớn những người trong cộng đồng lưu vong Cuba tại Florida, tiểu bang của Hoa Kỳ cận kề Cuba nhất, chống đối quan hệ với chính phủ Castro, cũng như nhiều đảng viên Cộng hòa chống đối ông Obama.
Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio, một người định ra tranh cử Tổng thống năm 2016 để kế nhiệm ông Obama, mô tả việc Bộ Ngoại giao nâng cấp thứ hạng của Cuba trong phúc trình thường niên về nạn buôn người là “có động cơ chính trị”, và nói rằng nước này đã “gần như không có biện pháp nào” để ngăn chặn tình trạng du khách đến đảo quốc này để quan hệ tình dục với trẻ em.
Ông Rubio viết cho ông Kerry như sau: “Việc chính quyền vô cớ nâng cấp Cuba trong phúc trình về nạn buôn người gửi đi một thông điệp ghê rợn rằng Hoa Kỳ, ít nhất dưới thời vị tổng thống này, quan tâm nhiều hơn đến việc đưa lên hàng đầu tin tức về chính sách lịch sử đối với Cuba, so với việc thách thức chế độ Castro bảo vệ giới trẻ ở Cuba trước tình trạng khai thác buôn người”.
Bản phúc trình nâng thứ hạng của Cuba từ “Nhóm 3” lên “Nhóm 2 bị theo dõi” dành cho những nước cần điều tra đặc biệt, mặc dù bản phúc trình vẫn chỉ trích gay gắt La Habana.
Chủ tịch một tổ chức báo chí ở Washington, ông John Hughes thuộc Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, tuần này đã hối thúc ông Kerry biến tự do truyền thông tin tức và truy cập Internet ở Cuba thành ưu tiên hàng đầu đối với những người quyết định chính sách của Hoa Kỳ.
Ông Hughes nói: “Khó mà tưởng tượng được nhân quyền, điều kiện lao động và tham nhũng trong nước lại có thể khá hơn được nếu không có sự kiểm tra của công chúng đi kèm theo một nền báo chí tự do hợp lý. Do đó, Hoa Kỳ phải vận dụng tất cả các công cụ có thể có, trong đó có ngoại giao và kinh tế, để hỗ trợ cho việc tường thuật và phổ biến thông tin không hạn chế ở Cuba”.