Đầu năm 2011, quan hệ Trung-Mỹ có những động thái nổi bật.
Từ ngày 9 đến 12 tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thăm chính thức Bắc Kinh trong 4 ngày và tiến hành một số cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt. Quan hệ quân sự Mỹ - Trung bị băng giá từ hơn một năm nay, sau khi Trung Quốc tỏ vẻ giận dữ khi Hoa Kỳ bán một số vũ khí hiện đại cho Đài Loan, lên đến 6,4 tỷ đôla, đang được hâm nóng trở lại.
Ngày 19-1, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ bắt đầu cuộc thăm chính thức Hoa Kỳ. Chuyến đi này chắc chắn sẽ được công luận toàn thế giới theo dõi với nhiều bàn tán sôi nổi, khi tổng thống Barack Obama bước vào nửa nhiệm kỳ còn lại và ông Hồ Cẩm Đào cũng chuẩn bị cho Đại hội Đảng CS Trung Quốc kỳ thứ 18 vào năm sau.
Mấy ngày nay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đang có mặt ở thủ đô Washington để cùng phía Mỹ chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung, trong đó thứ tự ưu tiên để bàn luận sẽ là: quan hệ Mỹ - Trung, nổi cộm lên là vấn đề tài chính gai góc liên quan đến tỷ lệ hối đoái giữa đồng Nguyên và đồng Đôla, cùng nhau phối hợp để ngăn chặn việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân và giải thể việc chế tạo vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Nhân dịp này, báo chí Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản và Úc đều có những bài nghiên cứu nhận xét về tư thế ngoại giao của 2 bên Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bàn về đối sách ngoại giao của Tòa Bạch Ốc trong quan hệ với Bắc Kinh, trong các cuộc khủng hoảng lớn nhỏ ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á, ở bán đảo Triều Tiên hay vùng Hoàng Hải, dư luận đều cho rằng phản ứng của chính quyển Obama là kịp thời, kiên quyết, dễ hiểu và hợp lý, được sự đồng thuận của 2 đảng lớn vả của dư luận Mỹ và đồng minh. Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton và các cố vấn an ninh tỏ ra phối hợp nhịp nhàng, có hiểu quả.
Trong khi đó nhiều ý kiến nêu lên xoay quanh nền ngoại giao của Trung Quốc trong hơn một năm qua, cho rằng đã có không ít chủ trương vụng về, thất thường, thậm chí có lúc mất định hướng, lúc thì thô cứng, rồi lại phải tỏ ra mềm; ngay trong ngành ngoại giao cũng có những chính kiến khác nhau, thiếu nhất quán và thiếu thống nhất.
Báo Úc The Age cho rằng Bắc Kinh đã đánh giá sai tình hình, cho rằng Mỹ và phương Tây mắc vào cơn khủng hoảng tài chính gay gắt, kinh tế đình trệ lâu dài, lại vướng vào 2 bãi lầy của chiến tranh Iraq và Afghanistan, nên thế và lực đã cho phép Trung Quốc vươn rất nhanh rất mạnh lên hàng siêu cường, khởi đầu một cuộc tranh dành ảnh hưởng với Hoa Kỳ, nhằm giành vị trí đệ nhất siêu cường trong tương lai không xa.
Báo Đức cũng chỉ ra thái độ hung hăng, hiếu chiến, cứng nhắc của Bắc Kinh, khi tự cho mình quyền độc chiếm vùng biển Nam Hải không cần bàn cãi với ai, khẳng định đó là vùng “chủ quyển cốt lõi” của riêng mình, lại còn cho tàu ngầm cắm cờ 5 sao dưới đáy Tây Thái Bình Dương, rồi làm ngơ khi Bắc Triều Tiên bắn chìm tàu Cheonan của Nam Triều Tiên và pháo kích đảo Diêu Bình của Nam Triều Tiên.
Thái độ hung hăng, cao ngạo, thách thức của Bắc Kinh lên cao đến độ kệch cỡm khi họp ASEAN mở rộng tại Việt Nam vào tháng 6 – 2010, khi Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định “Hoa Kỳ coi vùng biển Đông với đường hàng hải quốc tế là vùng quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ và của tất cả các nước, Hoa Kỳ trở lại vùng này trên thế mạnh”, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì tỏ ra khó chịu, đứng dậy ra ngoài; khi trở vào ông ta hướng về đại biểu Singapore vả nói: Các người là nước nhỏ, chúng tôi là nước lớn, đây là sự thật.
Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.