Các nhà sản xuất đồ gỗ của Việt Nam đang lo lắng trước việc các quan chức thương mại của Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất của Việt Nam, tiến hành điều tra ngành công nghiệp gỗ và mối quan hệ của họ với việc khai thác gỗ bất hợp pháp ở nước ngoài, theo Nikkei Asia.
Việt Nam hiện đang là nhà xuất khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất vào Mỹ sau khi thay thế Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp số 1 cho thị trường này. Theo nghiên cứu của Furniture Today, Việt Nam nổi lên như “một thế lực trong ngành đồ gỗ nội thất” trong bối cảnh các nhà sản xuất đồ nội thất của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các loại thuế chống bán phá giá mà Mỹ bắt đầu áp lên hàng nhập từ Trung Quốc từ tháng 4/2004.
Việt Nam vào năm ngoái xuất đồ nội thất trị giá hơn 7,4 tỷ USD sang Mỹ, cao hơn mức 7,33 tỷ của hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, theo dữ liệu từ nghiên cứu của Furniture Today. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Hà Công Tuấn nói với truyền thông trong nước rằng Việt Nam muốn tăng giá trị xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ từ 13 tỷ USD năm 2020 lên 20 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, những chính sách thương mại quyết liệt từ chính quyền trước đây của Hoa Kỳ có thể hạn chế những tham vọng đó của Việt Nam, theo nhận định của Nikkei, tạp chí tiếng Anh của Nhật Bản chuyên về châu Á.
Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), dưới thời Tổng thống Donald Trump, hồi đầu tháng 10 năm ngoái đã khởi xướng hai cuộc điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại đối với Việt Nam – trong đó có thao túng tiền tệ và nguồn gốc gỗ.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden hồi đầu năm nay cho biết họ đang tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra này. Một trong hai cuộc điều tra tập trung vào việc liệu Việt Nam có nhập khẩu gỗ được khai thác bất hợp pháp hay không.
Nhà phân tích chính sách của Forest Trends, Tô Xuân Phúc, nói với Nikkei rằng những người làm trong ngành “rất lo lắng” về các mức thuế tiềm năng của Mỹ, do Việt Nam xuất khẩu khoảng 60% sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ. “Tác động của chính phủ Mỹ đối với thị trường gỗ Việt Nam có thể rất lớn”, ông Phúc nói với Nikkei.
Các nhà xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Mỹ và các nhà nhập khẩu của Mỹ đã chỉ trích cuộc điều tra này là không công bằng.
Tại một buổi điều trần công khai của USTR được tổ chức trực tuyến hồi tháng 12 năm ngoái, các nhà lãnh đạo trong ngành này đã lên tiếng phản đối các loại thuế tiềm năng vì cho rằng hành động đánh thuế trả đũa đối với Việt Nam có thể làm tổn hại đến những người tiêu dùng ở Mỹ. Họ cho rằng các chế tài, nếu được áp, sẽ có thể khiến Việt Nam có các biện pháp đáp trả.
Theo dữ liệu của Forest Trends được Nikkei trích dẫn, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành nhà máy sản xuất đồ nội thất toàn cầu, với lượng nhập khẩu lên đến 4,5 triệu mét khối gỗ mỗi năm từ hơn 100 nước trên thế giới.
Trích dẫn thông tin về cuộc điều tra của USTR, Nikkei cho biết cơ quan này đề cập đến “các báo cáo” và “bằng chứng” cho thấy gỗ bất hợp pháp được nhập vào Việt Nam từ các nước như Campuchia, Cameroon và Cộng hoà Dân chủ Congo.
Ông Phúc nói với Nikkei rằng các nhà xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam “không hài lòng” khi các nhà nhập khẩu trong nước đang lách luật và gây nguy hiểm cho việc kinh doanh thương mại của họ, cũng như thất vọng với tốc độ hành động chập chạp của các cơ quan chức năng của Việt Nam. “Luật pháp trong nước không được thực thi đầy đủ”, ông Phúc nói với Nikkei.
Một báo cáo của Forest Trends công bố hồi tháng 4 được Nikkei trích dẫn cho thấy rằng các nhà nhập khẩu của Việt Nam tìm nguồn cung ứng gỗ từ các quốc gia có rủi ro đã không thực hiện các bước bổ sung cần thiết theo luật mới – tức Nghị định 102 được ban hành sau khi Việt Nam ký thoả thuận với Liên hiệp châu Âu nhằm cải cách ngành lâm nghiệp và nhập khẩu gỗ từ Việt Nam sang châu Âu. Báo cáo này cho thấy nhiều giao dịch đối với loại gỗ cứng nhiệt đới được thực hiện trực tuyến, thường thông qua mạng xã hội Facebook hoặc ứng dụng chat Zalo của Việt Nam.
Forest Trends kêu gọi chính phủ Việt Nam thực thi “hiệu quả” các yêu cầu thẩm định mới, đồng thời trao đổi trực tiếp với chính quyền các nước cung cấp gỗ rủi ro để hiểu hơn về các vấn đề pháp lý và cho rằng điều này “ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của ngành”, theo Nikkei.
Trước nguy cơ từ cuộc điều tra của Mỹ, Viforest, một nhóm vận động hành lang ngành gỗ với 1.300 thành viên, vào tháng trước đã viết thư trực tiếp cho các cơ quan chức năng ở Campuchia và Cameroon để tìm hiểu cách xác định gỗ có nguồn gốc hợp pháp, theo Nikkei. Nhóm này cũng đã khuyến nghị chính phủ Việt Nam tạm dừng nhập khẩu gỗ từ các quốc gia này cho đến khi xác minh được xuất xứ của chúng để bảo vệ uy tín của ngành gỗ nội địa.
Ông Phúc nói với Nikkei rằng Việt Nam cuối cùng có thể cần phải cấm nhập khẩu gỗ tròn từ các quốc gia mà việc thực thi pháp luật yếu kém và nạn tham nhũng hoành hành khiến không thể đảm bảo rằng gỗ có nguồn gốc hợp pháp.