Đường dẫn truy cập

Ngăn chặn xung đột và câu chuyện Liên Hiệp Quốc


Kỳ họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra ở New York. Theo LHQ, kỳ họp này dự kiến kéo dài từ ngày 17 tháng 9 đến hết ngày 4 tháng 10.

Đây được coi là một kỳ họp đặc biệt quan trọng vì chương trình nghị sự của nó bàn thảo đến việc thực hiện cái gọi là Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (Millennium Development Goals – MDGs). MDGs được đặt ra từ năm 2000 và được sự đồng thuận của tất cả các nước trong LHQ, bao gồm 8 mục tiêu trọng điểm, từ xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, bình đẳng giới, giảm tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh, cải thiện sức khỏe bà mẹ mang thai, chống đại dịch HIV/AIDS, bảo vệ sự phát triển bền vững về môi trường, và xây dựng quan hệ quốc tế cho mục tiêu phát triển.

Việc thực hiện xong các mục tiêu của MDGs được nhắm đến là năm 2015. Tới nay, chương trình MDGs đã qua được gần 13 năm và chỉ còn 2 năm nữa là kết thúc. Vì thế, kỳ họp này của Đại hội đồng LHQ cũng bàn về việc xây dựng chương trình nghị sự phát triển của LHQ sau năm 2015 sau khi MDGs chấm dứt.

Sau MDGs, LHQ sẽ đặt trọng tâm vào các vấn đề gì? Có vẻ như mỗi nước có những ưu tiên riêng. Những mục tiêu được đặt ra trong MDGs dẫu sao cũng là những vấn đề dễ đạt được đồng thuận. Các mục tiêu hậu MDGs sẽ là những chủ đề thú vị để tranh luận trong kỳ họp này.

Vì tính chất quan trọng như vậy, nhiều nguyên thủ của các nước đã và sẽ tham gia trong kỳ họp lần thứ 68. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu hùng biện trước Đại hội đồng hôm 24 tháng 9 vừa qua. Từ phía Việt Nam, phái đoàn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng dự kiến tới New York tham dự Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng từ ngày 26.

Từ bài phát biểu của Tổng thống Obama, có thể thấy quan tâm hàng đầu của Mỹ tại thời điểm này và trong tương lai vẫn là các vấn đề an ninh toàn cầu, bao gồm câu chuyện khủng bố, xung đột khu vực, an ninh năng lượng, và phát triển và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong ngắn hạn, ông Obama cho rằng “Nỗ lực ngoại giao của nước Mỹ sẽ tập trung vào hai vấn đề cụ thể: việc theo đuổi vũ khí hạt nhân của Iran, và xung đột giữa Israel và khối Arab”.

Vấn đề an ninh toàn cầu dĩ nhiên là vấn đề mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm. Tuy nhiên, việc sử dụng LHQ như là một cơ chế để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh toàn cầu thì lại là vấn đề mà mỗi nước có quan niệm khác nhau. Thí dụ câu chuyện xung đột và nội chiến sẽ được xử lý như thế nào. Theo ông Obama, “LHQ được lập ra để ngăn chặn chiến tranh giữa các quốc gia, nhưng ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với các thách thức là làm thế nào ngăn chặn việc giết chóc trong nội bộ các nước” và “điều này đòi hỏi cách nghĩ mới và các lựa chọn khó khăn”.

Khó khăn theo cách nói của Tổng thống Obama là dễ hiểu, vì nước Mỹ từ trước tới nay vẫn bị chỉ trích từ hai phía, một bên chê trách nước Mỹ (và cả LHQ) không can thiệp đủ mạnh nên dẫn tới các cuộc nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn trong nội bộ ở nhiều nước trong khi Mỹ và cộng đồng thế giới quá chậm chễ hoặc thậm chí ngó lơ. Phía bên kia lại chỉ trích Mỹ thọc gậy bánh xe, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, và nhiều khi hành động mà không được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo An LHQ. Ngay cả khi có nghị quyết của LHQ thì vấn đề chủ quyền quốc gia, và cơ chế để LHQ can thiệp cũng không rõ ràng và vẫn chỉ là cuộc mặc cả của các nước lớn.

Về phía Việt Nam, bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ, cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ và là một trong 6 quốc gia có những thành tựu đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo với tỷ lệ đói nghèo giảm còn 1/3. Việt Nam cũng có những thành tích tốt trong giáo dục cơ bản, chỉ số về y tế, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Theo bà Pratibha Mehta, thì “về tổng thể thành tích này rất đáng được ca ngợi và ghi nhận ở Liên Hiệp Quốc cũng như toàn cầu”.

Thế nhưng nhìn về phía trước, sau MDGs sẽ là cái gì quan trọng đối với Việt Nam? Trong số các vấn đề sẽ được LHQ cân nhắc, cũng giống như Mỹ, an ninh và hòa bình cũng là vấn đề sát sườn đối với Việt Nam. Việt Nam cần một môi trường khu vực và quốc tế hòa bình để phát triển. Nhưng Việt Nam cũng đang gặp khó khăn vì câu chuyện chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên cả về kinh tế và quân sự và thái độ của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông đang ngày càng cứng rắn hơn. Tuy việc tiến hành chiến tranh để chiếm đóng khu vực này vẫn là một lựa chọn mà Trung Quốc ít khả năng sẽ thực hiện trong tương lai gần, nhưng nước này vẫn đang sử dụng các biện pháp để áp đặt quyền kiểm soát trên thực tế ở khu vực Biển Đông.

Cho dù một cuộc xung đột quân sự có xảy ra đi chăng nữa, thì với tư cách là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An, Trung Quốc có thể chặn đứng tất cả các nỗ lực của LHQ trong việc can thiệp vào cuộc xung đột này. Nói cách khác, Việt Nam sẽ không được LHQ “bênh” nếu xảy ra xung đột quân sự. Nói rộng ra một chút, thì bất cứ nước nào có xung đột quân sự với các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An cũng sẽ không được LHQ “bênh”.

Đây là một vấn đề lớn. Và để tránh phải rơi vào tình trạng này, Việt Nam sẽ phải góp sức vào quá trình vận động để hình thành các cơ chế “vòng ngoài” nhằm ngăn chặn xung đột vũ lực ngay từ đầu. Vì thế, sẽ rất có ý nghĩa nếu Việt Nam tích cực tham gia bàn thảo và đóng góp về việc xây dựng các cơ chế liên quan đến an ninh toàn cầu, đến xung đột và giải quyết xung đột giữa các nước.

Trong chuyến đi tuần này của Thủ tướng Dũng tới LHQ, ông Dũng được dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng về lập trường của Việt Nam đối với nhiều vấn đề lớn của LHQ, trong đó có vấn đề về an ninh và hòa bình. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với báo Điện Tử Chính Phủ, ông Lê Hoài Trung, Đại sứ Việt Nam tại LHQ chia sẻ rằng “chuyến đi này rất quan trọng vì đây là dịp để chúng ta có thể giới thiệu và trao đổi ở cấp lãnh đạo Nhà nước về chính sách, đường lối đối ngoại và đường lối đổi mới toàn diện của chúng ta, cũng qua đó để tranh thủ sự ủng hộ của Tổng Thư ký LHQ và các nước trong vấn đề đảm bảo môi trường quốc tế hòa bình và góp phần huy động thêm nguồn lực cho phát triển.”

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG