Đường dẫn truy cập

Ngạc nhiên vì quyết định rút đăng cai ASIAD của Việt Nam


Chi phí tổ chức Á Vận Hội được ước tính vào khoảng 150 triệu đôla. Nhưng một số người cho rằng khoản tiền thật sự phải chi tiêu còn cao hơn rất nhiều.
Chi phí tổ chức Á Vận Hội được ước tính vào khoảng 150 triệu đôla. Nhưng một số người cho rằng khoản tiền thật sự phải chi tiêu còn cao hơn rất nhiều.
Tuần trước, chính phủ Việt Nam đã gây ngạc nhiên cho nhiều người khi loan báo quyết định không đứng ra tổ chức Á Vận Hội 2019. Tuy nhiên, nhiều người dân trong nước đã tỏ ý hoan nghênh quyết định này. Từ Hà Nội, thông tín viên Marrianne Brown của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Tuy chỉ xếp hạng 116 trên Bảng Xếp Hạng Thế Giới của FIFA, những người Việt Nam hâm mộ bóng đá tại các trận tranh tài lớn đã tỏ ra hết sức hào hứng trong việc ủng hộ cho đất nước của họ tại những sự kiện thể thao quốc tế.

Bóng đá là môn được ưa chuộng nhiều nhất và logo của những đội tuyển hàng đầu thế giới như Manchester United, Inter Milan và Barcelona, tràn ngập trên xe cộ, mũ bảo hiểm và quần áo ở Việt Nam. Nhưng các môn thể thao khác, như cầu lông và võ thuật, cũng rất thịnh hành.

Đó chính là lý do tại sao quyết định không đăng cai Đại hội Thể thao Á châu 2019 của chính phủ Việt Nam đã gây ngạc nhiên cho nhiều nhà quan sát, trong đó có giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Australia.

"Đây là một nước muốn làm tâm điểm của sự chú ý, một nước say mê thể thao. Nó làm cho tôi rất đỗi ngạc nhiên vì Việt Nam thường dùng những cơ hội này để tự phô trương."

Mặc dù vậy, phản ứng của người dân trong nước cho thấy nhiều người đã biết trước là chính phủ sẽ hủy bỏ ý định đăng cai.

Trong một thông cáo phổ biến hồi tối thứ năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam không có đủ kinh nghiệm đăng cai những sự kiện thể thao lớn như ASIAD và cũng đang đối mặt với những sự khó khăn kinh tế và xã hội.

Thông cáo này cho rằng việc đứng ra tổ chức sự kiện thể thao quốc tế có thể góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế đất nước. Nhưng nếu tổ chức không chu đáo, không thành công thì sẽ chịu ảnh hưởng ngược lại.

Hà Nội đã giành được quyền đăng cai ASIAD 18 vào năm 2012, đánh bại thành phố Surabaya của Indonesia. Tuy nhiên, chi phí của kế hoạch này bị công chúng chỉ trích giữa lúc nhiều người cảm thấy lo ngại về tỉ lệ tăng trưởng của nền kinh tế, vốn chỉ ở mức chừng 5% và đang bị khốn đốn vì những doanh nghiệp nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả và hệ thống ngân hàng có nhiều khó khăn.

Chi phí tổ chức Á Vận Hội được ước tính vào khoảng 150 triệu đô la, theo tin của báo chí Việt Nam. Nhưng một số người cho rằng khoản tiền thật sự phải chi tiêu còn cao hơn rất nhiều.

Quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm nẩy sinh những lời đồn đoán là Việt Nam lo ngại về việc hình ảnh đất nước có thể bị xấu đi sau những kinh nghiệm của Nga trong việc đăng cai Olympic Mùa đông ở Sochi.

Giáo sư Thayer cho rằng sự suy đoán đó thiếu cơ sở.

"Ngoại trừ một số người rất ít, không có ai lo ngại về vấn đề chi phí cả. Đường sắt cao tốc! Đó là một khoản chi tiêu mà ông thủ tướng đã thua. Nhưng Á Vận Hội là dịp vui chơi thỏa thích của công chúng."

Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế của Ủy ban Thể dục Thể thao Quốc gia, cho đài VOA biết rằng chính phủ Việt Nam đã đầu tư rất nhiều trong lãnh vực này, đặc biệt là khuyến khích các tài năng trẻ.

Ông Vinh nói rằng Việt Nam không đăng cai ASIAD là một điều đáng tiếc và ông mô tả cảm giác đó giống như “một quả bóng sắp tung lưới nhưng lại đổi hướng thình lình và rơi bên ngoài khung thành.”

Mặc dù vậy, ông Vinh cũng nói rằng niềm tin và sự khao khát giành được ngôi vị quán quân luôn luôn có mặt trong lòng các vận động viên thể thao và ông tin “thể thao Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội chiến thắng trong tương lai.”

Tin về việc rút đăng cai ASIAD đã được đa số dân chúng Việt Nam hoan nghênh. Kinh tế gia Nguyễn Quang A ủng hộ quyết định của chính phủ và nói rằng đó là “một quyết định dũng cảm.”

"Nó cho thấy hai điều mà trong lý giải của ông ấy ông đều công nhận hai điều ấy. Thứ nhất là việc chuẩn bị cho việc đăng cai đã không làm được tốt và cái thứ hai là chính do sự chuẩn bị không tốt này thêm một cái là 150 triệu USD là một con số giống như là tất cả các dự án của các địa phương của các ngành của đất nước này thường thường đã làm ra. Tức là mới đầu thì là rất hấp dẫn (kinh phí) nhỏ thôi không tốn mấy cả, nhưng mà khi đã lao vào rồi thì nó lại sinh thêm cái này và sinh thêm cái kia. Và như vậy là kinh phí nó lên gấp ba gấp bốn có khi lên gấp chục lần chẳng hạn. Và ông ấy nhận ra điều ấy và ông ấy bảo là dẹp. Và tôi thấy đó là một quyết định đúng đắn và tôi ủng hộ quyết định ấy."

Truyền thông Việt Nam cũng bày tỏ phản ứng tích cực đối với việc này. Tờ Tuổi Trẻ cho biết nhiều người Việt Nam tán thưởng quyết định rút đăng cai Á Vận Hội 2019 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trước khi quyết định đó được loan báo, tờ Tuổi Trẻ cho biết họ đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến về việc có nên đăng cai hay không và kết quả là trong số gần 14.000 người trả lời có đến 84% là không tán thành.

Báo chí trích lời các giới chức của Ủy ban Olympic Á châu cho biết quyết định về vấn đề nước nào sẽ thay Việt Nam sẽ được đưa ra tại ASIAD tổ chức ở thành phố Incheon của Nam Triều Tiên vào tháng 9 và tháng 10.

Trước đây đã có hai nước từ bỏ kế hoạch đăng cai Á Vận Hội – đó là Nam Triều Tiên vào năm 1970 và Pakistan vào năm 1978.

VOA Express

XS
SM
MD
LG