Đường dẫn truy cập

Nga điều quân tới Nagorno-Karabakh sau thỏa thuận ngừng bắn


Lực lượng gìn giữ hoà bình của Nga có mặt ở khu vực Nagorno-Karabakh sau khi thoả thuận ngừng bắn kết thúc xung đột quân sự giữa Azerbaijan và Armenia.
Lực lượng gìn giữ hoà bình của Nga có mặt ở khu vực Nagorno-Karabakh sau khi thoả thuận ngừng bắn kết thúc xung đột quân sự giữa Azerbaijan và Armenia.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga vừa được triển khai đến vùng núi Nagorno-Karabakh hôm 10/11 như một phần của thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt sáu tuần giao tranh ác liệt giữa Azerbaijan và các lực lượng người Armenia, Reuters đưa tin.

Theo thỏa thuận, Azerbaijan sẽ giữ vùng lãnh thổ chiếm được trong cuộc giao tranh, bao gồm thành phố thứ hai Shusha, mà người Armenia gọi là Shushi. Lực lượng người Armenia phải từ bỏ quyền kiểm soát một loạt các lãnh thổ khác từ nay cho đến ngày 1/12.

Bộ Quốc phòng Armenia cho biết hành động quân sự đã tạm dừng và hoà bình được khôi phục trên lãnh thổ ly khai, vốn được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng có dân cư và đến gần đây thì hoàn toàn do người Armenia kiểm soát.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng thỏa thuận sẽ mở đường cho một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, nhiều người khác phải di tản và đe dọa đẩy một khu vực rộng lớn hơn vào chiến tranh.

Một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ và cung cấp vũ khí chính cho Azerbaijan, nói thỏa thuận đảm bảo lợi ích quan trọng cho đồng minh của mình và Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu ca ngợi đây là một “thành quả rất quan trọng”.

Lệnh ngừng bắn được hoan nghênh ở Baku, thủ đô của Azerbaijan, với xe hơi và xe buýt hú còi vui mừng và mọi người hò reo và vẫy cờ Azebaijan.

Một số người Azebaijan tiếc rằng giao tranh đã kết thúc trước khi Azerbaijan kiểm soát được toàn bộ vùng Nagorno-Karabakh, và cảnh giác với sự xuất hiện của lực lượng gìn giữ hòa bình từ Nga, quốc gia thống trị khu vực vào thời Liên Xô cũ.

Về phía Armenia, bất ổn bùng phát ở Yerevan, thủ đô của Armenia. Đám đông đã xông vào lục soát các tòa nhà chính phủ trong đêm, gán cho thỏa thuận này là một sự phản bội. Một số người yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức.

Lãnh đạo Nagorno-Karabakh, Arayik Harutyunyan, cho biết không có lựa chọn nào khác ngoài việc ký kết thỏa thuận hòa bình vì nguy cơ mất toàn bộ vùng đất vào tay Azerbaijan. Thủ tướng Pashinyan cho biết ông đã ký thỏa thuận hòa bình dưới áp lực từ chính quân đội của mình.

“Quyết định được đưa ra dựa trên phân tích sâu sắc về tình hình chiến đấu và kết hợp với các chuyên gia giỏi nhất”, Reuters dẫn lời ông Pashinyan nói.

Khi kêu gọi người Armenia coi thỏa thuận này là khởi đầu cho một kỷ nguyên thống nhất quốc gia, ông Pashinyan nói: “Đây không phải là một chiến thắng, nhưng sẽ không phải là thất bại cho đến khi bạn tự nhận mình bị đánh bại”.

Trong cuộc giao tranh bùng phát vào ngày 27/9, Azerbaijan nói họ đã chiếm lại phần lớn đất đai bên trong và xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh mà họ đã mất trong cuộc chiến 1991-1994, với khoảng 30.000 người thiệt mạng trong cuộc chiến.

Nga, quốc gia có hiệp ước quốc phòng với Armenia và một căn cứ quân sự ở đó, có thể ca ngợi thỏa thuận như một dấu hiệu cho thấy họ vẫn là trọng tài chính trong khu vực sản xuất năng lượng Nam Caucasus, nơi Nga vẫn coi là sân sau của mình, bất chấp những nỗ lực xâm nhập của Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ lưu lại trong ít nhất 5 năm, mở rộng dấu ấn quân sự của Moscow trong khu vực. Tổng thống Putin nói lực lượng sẽ được triển khai dọc theo chiến tuyến ở Nagorno-Karabakh và trên hành lang giữa khu vực và Armenia.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, chiếc máy bay cuối cùng trong số 10 máy bay quân sự chở các binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga đã cất cánh hôm 10/11. Gần 2.000 quân nhân, 90 tàu sân bay bọc thép và 380 phương tiện và thiết bị khác đang được triển khai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG