Đường dẫn truy cập

Nga xem thỏa thuận với Trung Quốc là cú giáng vào phương Tây


Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong buổi lễ ký kết ở Thượng Hải, Trung Quốc, 21/5/2014.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong buổi lễ ký kết ở Thượng Hải, Trung Quốc, 21/5/2014.
Mặc cả một thập kỷ nay về giá khí đốt Siberia, Nga và Trung Quốc mới đây đột nhiên đạt được thỏa thuận.

Đối mặt với lệnh trừng phạt của phương Tây về vấn đề Ukraine, Tổng thống Nga hôm thứ Tư hồ hởi loan báo việc ký kết một hợp đồng lớn cung cấp khí đốt thiên nhiên cho Trung Quốc.

Ông Vladimir Putin trả lời báo giới ở Thượng Hải về thỏa thuận kéo dài 30 năm trị giá 400 tỉ USD.

Đây là "hợp đồng lớn nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp khí đốt của Liên Xô và Nga," ông nói.

Trong cuộc phỏng vấn được canh giờ kịp để phát tin buổi tối ở Moscow, ông Putin nhấn mạnh thỏa thuận này bao gồm một dự án 75 tỉ USD xây dựng những đường ống dẫn và cơ sở hạ tầng khác, sẽ giúp tạo sức bật cho nền kinh tế của Nga.

Ông nói đây sẽ là "dự án xây dựng lớn nhất thế giới trong bốn năm tới, tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm."

Hợp đồng được ký kết sau 10 năm đàm phán, phần lớn là về giá khí đốt của Nga.

Sau khi ký hợp đồng hôm thứ Tư, ông Alexei Miller, Chủ tịch tập đoàn Gazprom cung ứng khí đốt thiên nhiên do nhà nước Nga kiểm soát, từ chối tiết lộ mức giá và nói rằng đó là "bí mật thương mại."

Trong khi quan hệ của Nga với phương Tây đang ở mức xấu nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ, bước đột phá bất ngờ này với Trung Quốc dường như mang màu sắc chính trị. Khi thỏa thuận được ký kết, tàu chiến của Nga và Trung Quốc đang neo đậu tại cảng Thượng Hải cho báo giới chụp ảnh trước khi bắt đầu diễn tập huấn luyện chung. Trong chuyến thăm của ông Putin, nhiều hợp đồng được ký kết để xây dựng cầu đường sắt đầu tiên của Nga bắc qua sông Amur đến Trung Quốc, và cùng hợp tác với Trung Quốc chế tạo máy bay chở khách thân dài rộng.

Tại một hội nghị Trung Quốc-Nga ở Moscow, bà Elena Safronova, một chuyên gia về Trung Quốc, cho biết Nga và Trung Quốc không phải đang trở thành đồng minh quân sự.

"Đây không phải là một liên minh quân sự," bà nói, "mà là quan hệ đối tác ngày càng lớn mạnh giữa hai nước láng giềng."

Trung Quốc đã dè dặt phát biểu về tranh chấp giữa Nga và Ukraine, một phần là vì Ukraine là nhà cung cấp ngô chủ yếu cho Trung Quốc. Tuy nhiên, một công ty Trung Quốc đang đàm phán để xây dựng một cầu đường bộ bốn cây số từ đất liền của Nga bắc qua Crimea, bán đảo của Ukraine mới sáp nhập Nga hồi gần đây.

Vụ sáp nhập đã khiến Mỹ và Tây Âu áp đặt trừng phạt kinh tế đối với các cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Putin.

Hôm thứ Tư, ông Alexei Pushkov, một cố vấn đang chịu trừng phạt và là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), lên Twitter nói: "Hợp đồng khí đốt 30 năm với Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. B. Obama nên từ bỏ chính sách cô lập Nga: Sẽ chẳng ích gì đâu."

Ông Bobo Lo, một nhà phân tích về Nga và khu vực Âu Á tại viện nghiên cứu chính sách Chatham House ở London, nói rằng trong lịch sử, Trung Quốc có lợi khi quan hệ giữa Moscow và phương Tây xấu đi:

"Nga ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Họ ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc như một thị trường năng lượng tiềm năng. Nhưng chủ yếu là họ lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt địa chính trị."

Khí đốt của Nga sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu của mình là tăng gấp ba lần mức sử dụng khí đốt thiên nhiên cho đến cuối thập kỷ này. Nhưng Trung Quốc hiện đã có khí đốt bơm từ đường ống ở cả Turkmenistan và Miến Điện, và đang xây dựng 14 kho cảng để tiếp nhận khí thiên nhiên hóa lỏng từ những nơi xa xôi như Australia, Mozambique và Qatar.

Đường ống của Nga sẽ bắt đầu dẫn khí vào cuối thập kỷ này, cung cấp khoảng 10 phần trăm nhu cầu được ước tính của Trung Quốc. Ông Lo nói rằng Nga cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Nga:

"Nga vẫn là ưu tiên thứ cấp đối với Trung Quốc. Ưu tiên số một của Trung Quốc là Mỹ. Ưu tiên thứ hai, về cơ bản, là khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nga thực ra còn nằm xa dưới danh sách."

Nhưng thỏa thuận khí đốt của Trung Quốc sẽ vực dậy tâm lý của Tổng thống Nga khi ông chuẩn bị gặp gỡ các nhà lãnh đạo phương Tây tại Pháp vào ngày 6 tháng 6 - kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ Normandy ở Pháp trong Thế chiến thứ hai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG