Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov nói với hãng tin TASS hôm thứ Tư rằng Nga sẽ tiếp tục tham gia các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận, bất chấp việc lùi thời điểm khởi công.
Ông Shuvalov nói: “Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng họ vẫn muốn hợp tác với Liên bang Nga về vấn đề hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được tiến hành”.
Theo ông Shuvalov, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói với ông khi đàm phán rằng thời gian thực hiện dự án có thể tiếp tục bị dời lại do vấn đề nội bộ.
Phó thủ tướng Nga nói: “Đối với Việt Nam, đây là một dự án đầy thách thức khi mọi người nhớ lại bi kịch Fukushima. Hiện nay, vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đang được xem xét rất kỹ lưỡng vì vậy chúng tôi đã đồng ý rằng các chuyên gia của Rosatom, một đối tác của Việt Nam trong dự án, sẽ làm việc không chỉ trong khu vực chính là xây dựng nhà máy, mà còn giúp đỡ trong việc giải trình công việc.”
Cụ thể là các chuyên gia Nga sẽ hỗ trợ trong các buổi giải trình tại Quốc hội Việt Nam, ông Shuvalov nói, “liên quan đến việc làm thế nào để đảm bảo an toàn công nghệ hạt nhân hiện đại nói chung và công nghệ của Nga tốt hơn bao nhiêu so với các nước khác cũng có kế hoạch tham gia việc xây dựng các cơ sở hạt nhân ở Việt Nam, ví dụ như Nhật Bản”.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Cao Quốc Hưng cho biết trong một cuộc họp của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội rằng việc xây dựng sẽ được dời lại đến năm 2020 hoặc 2022 để đảm bảo các biện pháp phòng ngừa an toàn cao nhất.
Bốn lò phản ứng đầu tiên sẽ được xây dựng ở tỉnh Ninh Thuận trong vòng 6 năm bởi công ty Rosatom, Nga. Sau khi hoàn thành, dự kiến sẽ có công suất hàng năm khoảng 1.000 MW.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Ủy ban Năng lượng nguyên tử hồi đầu năm 2014, Việt Nam cũng có kế hoạch xây dựng 7 nhà máy điện hạt nhân khác vào năm 2030 và hy vọng sẽ sản xuất 15.000 MW hoặc 10% tổng công suất điện.
Lưới điện của Việt Nam hiện nay dựa vào thủy điện giá rẻ và than đá trong nước, nhưng cả hai đều đang chững lại.
Việt Nam sẽ chuyển sang hướng than đá, khí đốt nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, tư nhân, trong các nhà máy điện mới.
Tổng sản lượng điện của Việt Nam dự kiến đạt 75.000MW vào năm 2020, trong đó than chiếm 48%, thủy điện chiếm 25.5%, khí đốt 16.5%, năng lượng tái tạo 5.6%, điện hạt nhân 1.3% và nhập khẩu điện 3.1%.
Nguồn: TASS, Thanhnien News