Đường dẫn truy cập

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng về các thủy lộ chính


Tàu chiến Nga đi qua Bosphorus, Istanbul, trên đường tới Địa Trung Hải ngày 6/10/2015.
Tàu chiến Nga đi qua Bosphorus, Istanbul, trên đường tới Địa Trung Hải ngày 6/10/2015.

Căng thẳng leo thang giữa Moscow và Ankara về vụ phản lực cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga trong tháng trước đang đe dọa làm sống lại một sự đối đầu đã có từ lâu đời có liên quan đến việc đi lại trên các thủy lộ Bosphorus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ. Thủy lộ này là then chốt cho cả thương mại lẫn hải quân của Nga, nhất là trong việc đưa tiếp liệu đến các căn cứ của Nga ở Syria. Từ Istanbul, thông tín viên VOA Dorian Jones gửi về bài tường thuật.

Thủy lộ Bosphorus dài 30 kilomet của Thổ Nhĩ Kỳ, cắt đôi Istanbul, là cửa ngõ tử Biển Đen qua hải phận quốc tế.

Phần lớn dầu của Nga đi qua thủy lộ này, cũng như hải quân trong vùng Biển Đen của họ, đa số nay đang tiếp vận cho lực lượng ở Syria. Đó là lý do vì sao thủy lộ này đã trở thành tâm điểm tình hình căng thẳng đang gia tăng giữa Ankara và Moscow.

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đã về hưu Murat Bilhan cảnh báo việc hạn chế qua lại Bosphorus có thể trở thành một phương án cho Ankara.

“Trong trường hợp có xung đột leo thang với Nga, thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể dùng lá bài đó bởi vì, theo Hiệp ước Montreux, nếu Thổ Nhĩ Kỳ là một bên trong một vụ xung đột, thì bên kia sẽ bị ngăn không được qua lại. Nhưng đương nhiên đó sẽ là một lá bài rất nguy hiểm”.

Việc sử dụng các thủy lộ Bosphorus và Dardanelles được bảo đảm theo Công ước Montreux. Ankara chưa hề ngăn chặn việc qua lại các eo biển này. Nhưng giới truyền thông Nga đã lên án nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ là cố ý trì hoãn sự đi lại của một số tàu bè, và Ankara đã phủ nhận cáo buộc này.

Nhà khoa học chính trị Cengiz Aktar của trường Đại học Suleyman Sah ở Istanbul cảnh báo rằng nếu Ankara sử dụng các eo biển này để chống lại Moscow thì sẽ kèm theo những rủi ro lớn.

“Nó sẽ gây một sự căng thẳng quốc tế lớn. Nhưng ý tôi muốn nói là chúng ta không biết Ankara sẽ phản ứng ra sao. Các rủi ro rất cao và chưa biết như thế nào”.

Các quan sát viên cảnh báo rằng bất cứ sự can thiệp nào vào việc sử dụng các eo biển đều có thể đưa đến những lời kêu gọi viết lại Công ước Montreux, là điều mà Ankara hết sức muốn tránh. Nhưng căng thẳng đã tăng thêm nhiều trong tuần này với sự xuất hiện của bức ảnh một thủy thủ Nga trên một chiến hạm đi qua eo biển Bosphorus, trên vai mang một phi đạn địa đối không di động. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu gọi đó là một sự khiêu khích, và cảnh báo sẽ có những quyết định chưa cho biết cụ thể.

Đại sứ hồi hưu Bilhan nêu ra rằng Ankara có thể chơi lá bái môi trường để chặn tàu bè qua lại các eo biển.

“Các tàu chở dầu lớn, các tàu chở dầu xuyên đại dương đang trở thành một nguy cơ cho các eo biển và nhất là Istanbul. Istanbul hiện có dân số là 18 triệu người”.

Trong tình hình Moscow và Ankara tăng cường sự hỗ trợ cho hai bên đối nghịch trong cuộc nội chiến ở Syria, và thủy lộ là một tuyến đường tiếp liệu thiết yếu cho các căn cứ của Nga ở Syria, các quan sát viên cảnh báo rằng khu vực này có thể vẫn là tâm điểm của căng thẳng song phương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG