Căng thẳng vẫn nóng lên giữa Ankara và Moscow hôm thứ Năm, sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ của Nga trong khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi đầu tuần này.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình CNN, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng nước ông không xin lỗi về vụ bắn hạ chiếc máy bay.
"Tôi nghĩ nếu có một bên cần phải xin lỗi, thì đó không phải là bên chúng tôi", ông Erdogan nói. "Những ai vi phạm không phận của chúng tôi chính là bên cần phải xin lỗi".
Phát biểu của Tổng thống Erdogan được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ bắn rơi máy bay này là "hành động phản bội đâm từ sau lưng không thể biện minh được của những kẻ mà chúng tôi lầm tin là đối tác và đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố". Ông Putin lập lại khẳng định rằng chiếc máy bay bị bắn rơi trong không phận của Syria và gọi hành động này là "đi ngược lại nguyên tắc thông thường và luật lệ quốc tế".
"Chúng tôi không nhận được lời xin lỗi nào từ cấp chính trị cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, không có đề nghị đền bù thiệt hại nào và không có lời hứa trừng phạt thủ phạm của vụ này", ông Putin nói. "Mọi người có cảm tưởng rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cố tình lái quan hệ Nga - Thổ vào đường cùng. Chúng tôi lấy làm tiếc về điều đó".
Ngay sau khi chiếc máy bay bị bắn rời, Tổng thống Putin gọi vụ này là một "nhát đâm từ sau lưng của những kẻ đồng lõa với khủng bố" và sẽ phải chịu "hậu quả nghiêm trọng".
Trong một phát biểu khác, Tổng thống Erdogan nói rằng việc bắn hạ máy bay là "một phản ứng tự động" theo đúng với quy định của quân đội nước ông, và Nga không phải là một mục tiêu đặc biệt bị nhắm vào. Ông nói Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản ứng "cùng một cách thức" nếu "cùng vi phạm lại đó xảy ra ngay ngày hôm nay".
Ông Erdogan phủ nhận cáo buộc của Nga rằng Ankara mua dầu khí của Nhà nước Hồi giáo. Và Nga loan báo siết chặt các hạn chế đối với thực phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ bán vào Nga.
Nói chuyện với các giới chức tại Ankara hôm 26/11, Tổng thống Erdogan nói rằng cuộc chiến của nước ông chống các phần tử thánh chiến Hồi giáo là "không thể tranh cãi". Ông yêu cầu bất cứ ai cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của nhóm chủ chiến này đưa ra bằng chứng cho những cáo buộc đó.
"Quan điểm chống Nhà nước Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ là rõ ràng ngay từ đầu", Tổng thống Erdogan nói. "Không có bất cứ một nghi vấn nào ở đây. Không ai có quyền tranh cãi về cuộc chiến của đất nước chúng tôi chống Nhà nước Hồi giáo hay có quyền cáo buộc chúng tôi".
Ông Erdogan cũng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có những bước thận trọng để ngăn chặn tình trạng buôn lậu dầu hỏa qua biên giới của nước ông. Đó là nguồn thu tài chánh chủ yếu của nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga
Trước đó trong ngày thứ Năm, Nga loan báo sẽ tăng các biện pháp kiểm soát thực phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu vào thị trường Nga.
Một người phát ngôn của Điện Kremlin bác bỏ tin nói Nga cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nói rằng các biện pháp hạn chế mới được áp dụng "vì những lý do khác nhau", trong đó lý do "đe dọa khủng bố".
Bộ Nông nghiệp Nga nói rằng tăng các biện pháp kiểm ra đối với thực phẩm và nông sản của Thổ Nhĩ Kỳ vì "những vi phạm" quy định an toàn của Nga cứ tái diễn.
Sau khi lệnh mới được ban hành, truyền thông Nga loan tin xe tải chở hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ kẹt nối đuôi nhau tại cửa khẩu.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 26/11 nói rằng Moscow sẽ xem xét việc cắt đứt quan hệ kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ và bỏ các dự án đầu tư sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ của Nga.
Thủ tướng Medvedev chỉ thị cho chính phủ của ông soạn thảo các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ trong hai ngày tới để đáp lại vụ Ankara bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga, được ông gọi là một "hành động khiêu chiến" với nước ông.
'Đâm sau lưng'
Moscow dọa sẽ có những đáp trả cứng rắn về chính trị và kinh tế đối với vụ bắn rơi máy bay này, mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là "đâm sau lưng".
Điện Kremlin hôm thứ Năm nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ chưa chính thức xin lỗi về vụ này.
Các giới chức Nga không đồng ý việc Thổ Nhĩ Kỳ nói là máy bay của Nga đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, và phớt lờ nhiều lần cảnh cáo của Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bị bắn rơi. Đây là lần đầu tiên trong nửa thế kỷ một thành viên của NATO bắn rơi một chiến đấu cơ của Nga.
Một trong hai phi công thoát chết của chiếc máy bay bị bắn rơi nói với các phóng viên báo chí rằng máy bay của ông không bay vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ "cho dù chỉ một giây" và ông quả quyết rằng giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ không phát "bất cứ cảnh báo nào" đến máy bay của ông trước khi bắn hạ.
Thổ Nhĩ Kỳ công bố ghi âm cảnh báo
Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố ghi âm nội dung cảnh cáo được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phát đi nhiều lần đến phi công Nga trước khi bắn hạ chiếc máy bay.
Ghi âm được phổ biến cho hãng thông tấn AP hôm thứ Năm, cho thấy máy bay của Nga bị cảnh cáo nhiều lần hôm thứ Ba rằng chiếc máy bay đang tiến vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và được yêu cầu phải đổi hướng.
Đoạn ghi âm là tiếng nói bằng tiếng Anh của người nói tiếng Anh là ngoại ngữ, với nội dung: "Đây là Không quân kiểm soát không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Quý vị đang bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi hướng bay về hướng nam ngay lập tức".
Phần lớn còn lại của đoạn ghi âm là những tạp âm khó có thể nghe rõ hết nội dung, nhưng giọng cảnh cáo được nhấn mạnh lên khi các cảnh cáo dường như không được chú ý đến.
Trong ghi âm đó chỉ có những cảnh cáo từ phía Thổ Nhĩ Kỳ mà không có hồi đáp của phi công Nga. Không rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có nhận được hồi đáp của phi công Nga nhưng không phổ biến, hay liệu các phi công Nga không hồi đáp hoặc không nhận được cảnh báo.