Đức tịch thu du thuyền lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của tài phiệt Nga
Đức đã chính thức tịch thu siêu du thuyền lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Nga Alisher Usmanov, các nguồn tin cảnh sát Đức cho biết hôm 14/4 .
Du thuyền ‘Dilbar’ dài 156 mét có giá trị ước tính 600 triệu đô la, theo tạp chí Forbes.
Kể từ tháng 10 năm ngoái, du thuyền đã được neo đậu để sửa chữa tại một xưởng đóng tàu ở Hamburg.
Hải quan Đức đã để mắt đến siêu du thuyền trong vài tuần, nhưng không thể chính thức bắt giữ nó sớm hơn do sự không rõ ràng về mặt pháp lý về quyền sở hữu nó.
Cuối cùng, Cảnh sát Tư pháp Liên bang Đức cho biết ‘sau các cuộc điều tra kéo dài, và bất chấp sự che giấu thông qua các công ty nước ngoài’ họ đã xác định được chủ sở hữu của Dilbar là Gulbakhor Ismailova, em gái của Alisher Usmanov’.
Tỷ phú Nga và em gái ông đều là mục tiêu của các lệnh trừng phạt của châu Âu nhằm vào các tài phiệt Nga cũng như các thành viên gia đình họ.
(AFP)
Nga gửi thư cho Brazil nhờ giúp đỡ trước các lệnh trừng phạt của phương Tây
Nga đã yêu cầu Brazil hỗ trợ tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và nhóm các nền kinh tế hàng đầu G20 để giúp nước này chống lại các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt, theo một bức thư mà Reuters xem được.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã viết thư cho Bộ trưởng Kinh tế Paulo Guedes yêu cầu ‘Brazil hỗ trợ để ngăn các cáo buộc chính trị và nỗ lực phân biệt đối xử đối với Nga trong các định chế tài chính quốc tế và các diễn đàn đa phương’.
“Công việc đằng sau hậu trường đang diễn ra ở IMF và Ngân hàng Thế giới để hạn chế hay thậm chí trục xuất Nga khỏi quá trình ra quyết định,” ông Siluanov viết. Ông không giải thích chi tiết về những trở ngại đối với sự tham gia của Nga vào các định chế đó.
Bức thư này, vốn không đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine, được đề ngày 30/3 và được đại sứ Nga tại Brasilia chuyển cho Bộ trưởng Kinh tế Brazil hôm 13/4.
“Như Ngài đã biết, Nga đang trải qua giai đoạn đầy thách thức về hỗn loạn kinh tế và tài chính do các lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh,” Bộ trưởng Nga nói.
Khi được hỏi về bức thư, ông Erivaldo Gomes, thư ký các vấn đề kinh tế quốc tế của Bộ Kinh tế Brazil, chỉ ra rằng Brasilia muốn Nga nằm trong các cuộc thảo luận tại các tổ chức đa phương.
“Theo quan điểm của Brazil... duy trì đối thoại cởi mở là điều cần thiết,” ông nói. "Những cây cầu của chúng ta là các định chế quốc tế và đánh giá của chúng tôi là những cây cầu này cần phải được giữ gìn.”
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ sẽ không tham gia bất kỳ cuộc họp nào của G20 nếu Nga có mặt.
Gần một nửa dự trữ quốc tế của Nga đã bị đóng băng và các giao dịch thương mại quốc tế bị chặn, bao gồm cả những giao dịch với các thị trường mới nổi, ông Siluanov cho biết.
“Mỹ và các nước vệ tinh của họ đang theo đuổi chính sách cô lập Nga khỏi cộng đồng quốc tế,” ông nói thêm.
Ông Siluanov nói rằng các biện pháp trừng phạt này vi phạm các nguyên tắc của các thỏa thuận Bretton Woods vốn thành lập ra IMF và Ngân hàng Thế giới.
“Chúng tôi cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại do các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng thấy do các nước G7 thúc đẩy có thể gây ra hậu quả lâu dài trừ phi chúng ta cùng hành động để giải quyết,” ông kêu gọi người tương nhiệm Brazil.
Tổng thống cực hữu của Brazil Jair Bolsonaro, người đã đến thăm Moscow chỉ vài ngày trước cuộc xâm lược, đã giữ Brazil trung lập trong cuộc khủng hoảng Ukraine và không lên án cuộc xâm lược. Ông Bolsonaro, vốn cũng là đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã bị chính quyền Joe Biden chỉ trích.
Ông Bolsonaro đã bày tỏ ‘tình đoàn kết’ khi ông đến thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin vào ngày 16/2 khoảng một tuần trước khi Nga bắt đầu xâm lược.
Ngoại trưởng Brazil Carlos Franca cho biết Brazil phản đối việc trục xuất Nga khỏi G20 như Mỹ muốn.
“Điều quan trọng nhất vào thời điểm này là tất cả các diễn đàn quốc tế, G20, WTO, FAO, cần hoạt động đầy đủ, và vì điều đó tất cả các quốc gia cần phải có mặt, bao gồm cả Nga,” ông Franca nói trước phiên điều trần trước Thượng viện Brazil vào ngày 25/3.
(Reuters)
Thủ đô của Pháp có thể cách chiến trường miền đông Ukraine hàng ngàn dặm, nhưng những gì xảy ra ở các điểm bỏ phiếu của Pháp vào ngày 24/4 có thể gây hậu quả sâu rộng ở chiến trường Ukraine.