Marine Le Pen kêu gọi NATO gần gũi hơn với Nga
Bà Marine Le Pen, ứng cử viên tổng thống cực hữu của Pháp, hôm 13/4 cảnh báo Paris không nên gửi thêm vũ khí cho Ukraine, và kêu gọi nối lại quan hệ giữa NATO và Nga một khi cuộc chiến của Moscow ở Ukraine kết thúc.
Le Pen, vốn là người lớn tiếng theo chủ nghĩa dân tộc, có mối quan hệ lâu dài với Nga và đồng thời cũng là người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, xác nhận rằng nếu bà lật đổ được Tổng thống Emmanuel Macron trong vòng hai cuộc bầu vào ngày 24/4, bà sẽ rút Pháp ra khỏi bộ chỉ huy quân sự của NATO và rút mọi sự hỗ trợ của Pháp cho toàn bộ Liên minh châu Âu.
Các đối tác châu Âu của Pháp lo rằng một nếu bà Le Pen lên làm tổng thống, điều này có thể làm suy yếu sự đoàn kết của phương Tây vào lúc Mỹ và châu Âu tìm cách hỗ trợ Ukraine và chấm dứt cuộc chiến của Nga
Khi được hỏi về viện trợ quân sự cho Ukraine, bà Le Pen cho biết bà sẽ tiếp tục hỗ trợ quốc phòng và tình báo.
“Nhưng tôi e dè hơn về cung cấp vũ khí trực tiếp. Tại sao? Vì... ranh giới rất mong manh giữa viện trợ và trở thành một nước cũng hung hăng như vậy,” nhà lãnh đạo cực hữu nói, dẫn ra những lo ngại về ‘sự leo thang của cuộc xung đột này có thể đưa toàn bộ các quốc gia vào cam kết quân sự’.
Và bất chấp những hành động tàn bạo mà quân đội Nga đã gây ra ở Ukraine, bà Le Pen nói NATO nên xây dựng ‘mối quan hệ chiến lược’ với Nga một khi chiến tranh kết thúc. Mối quan hệ như vậy sẽ ‘vì lợi ích của Pháp và châu Âu và ngay cả cho Hoa Kỳ’, bà nói, để ngăn Nga liên minh mạnh mẽ hơn với cường quốc Trung Quốc.
Bà không trực tiếp đề cập đến những nỗi kinh hoàng đang diễn ra ở Ukraine.
(AP)
Thị trưởng Kharkiv: thành phố bị đánh bom ngày càng khốc liệt
Thống đốc vùng Kharkiv Oleh Synehubov viết trên Telegram rằng bốn người đã thiệt mạng và mười người bị thương trong các cuộc không kích vào thành phố hôm 13/4.
“Kẻ thù đang ném bom nhà dân, khu dân cư. Thật không may, đã có thương vong dân thường – điều tồi tệ nhất là trẻ em đang chết,” Thị trưởng Kharkiv Ihor Terekhov nói trên truyền hình quốc gia Ukraine.
Kharkiv đã phải hứng chịu các cuộc tấn công nặng nề của Nga, và ông Terekhov nói rằng không có một ngày nào mà nơi này không bị không kích kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24/2.
(Reuters)
Phái đoàn OSCE tìm thấy bằng chứng về tội ác chiến tranh của Nga
Một phái đoàn gồm các chuyên gia được thành lập bởi các nước thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã tìm thấy bằng chứng về tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại của Nga ở Ukraine, phái đoàn này cho biết trong một báo cáo hôm 13/4.
Phái đoàn này được 45 trong số 57 quốc gia thành viên OSCE thành lập hồi tháng trước để xem xét các hành vi phạm tội có thể đã xảy ra ở Ukraine bao gồm tội ác chiến tranh và chuyển thông tin cho các cơ quan như tòa án quốc tế. Nga đã phản đối động thái này.
“Phái đoàn đã tìm thấy xu hướng vi phạm luật nhân đạo quốc tế rõ ràng của quân Nga,” báo cáo cho biết và dẫn ra việc Nga không thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, không hành động tương xứng hay không bỏ qua các địa điểm như trường học và bệnh viện.
Phái bộ Nga tại OSCE viết trên Twitter rằng báo cáo ‘chỉ dựa trên các luận thiết tuyên truyền vô căn cứ, có những tham khảo từ các nguồn đáng ngờ và phạm vi lập luận mở rất rộng theo kiểu ‘rất có khả năng’.
Bất chấp sự chối bỏ của Nga, báo cáo cho biết cuộc tấn công vào ngày 9/3 ở Bệnh viện phụ sản và Bệnh viện Nhi Mariupol là do Nga thực hiện và những người làm việc này đã phạm tội ác chiến tranh.
Báo cáo cũng cho biết cuộc tấn công ngày 16/3 vào Nhà hát Mariupol, mà giới chức địa phương cho biết khoảng 300 người đã thiệt mạng, cũng là tội ác chiến tranh.
“Phái đoàn không thể kết luận liệu cuộc tấn công của Nga vào Ukraine tự nó có đủ để được xem là cuộc tấn công rộng rãi hoặc có hệ thống nhằm vào dân thường hay không,” báo cáo cho biết, đề cập đến bối cảnh mà các tội ác như giết người và hãm hiếp cấu thành tội ác chống nhân loại.
“Tuy nhiên, phái đoàn thấy rằng một số xu hướng hành vi bạo lực đã vi phạm uật nhân quyền quốc tế, vốn đã được ghi nhận nhiều lần trong quá trình xung đột, chẳng hạn như giết người có mục tiêu, mất tích cưỡng ép hay bắt cóc thường dân... có thể lên tới mức độ đán giá này,” báo cáo nói.
Phái đoàn cũng tìm thấy những gì mà họ gọi là sự vi phạm của Ukraine, nhất là trong việc đối xử với các tù nhân chiến tranh, nhưng họ nói rằng các vi phạm của Nga ‘lớn hơn nhiều về bản chất và quy mô’.
(Reuters)