Nokia rút ra khỏi thị trường Nga
Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Nokia sẽ rút khỏi thị trường Nga, giám đốc điều hành của họ nói với Reuters, đi một bước xa hơn so với đối thủ Ericsson, vốn cho biết hôm 11/4 rằng họ đình chỉ vô thời hạn hoạt động tại Nga.
Mặc dù một số lĩnh vực, bao gồm viễn thông, đã được miễn trong các lệnh trừng phạt vì lý do nhân đạo, Nokia cho biết họ đã quyết định rằng rời khỏi Nga là lựa chọn duy nhất của họ.
“Chúng tôi chỉ đơn giản là không thấy bất kỳ khả năng nào để tiếp tục kinh doanh ở Nga trong hoàn cảnh hiện tại,” CEO Pekka Lundmark nói trong một cuộc phỏng vấn.
Cả Nokia và Ericsson đều có thị phần thấp ở Nga, nơi các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE có thị phần lớn hơn.
Nga cũng đã thúc đẩy xây dựng mạng viễn thông chỉ sử dụng thiết bị của Nga và tìm cách thuyết phục Nokia và Ericsson thành lập các nhà máy ở nước họ.
Lundmark cho biết Nokia sẽ không thực hiện kế hoạch được công bố hồi tháng 11 là thành lập một liên doanh với YADRO của Nga để xây dựng các trạm viễn thông 4G và 5G.
(Reuters)
Pháp tuyên bố sáu điệp viên Nga là ‘nhân vật không được hoan nghênh’
Bộ Ngoại giao Pháp hôm 11/4 tuyên bố sáu điệp viên Nga với tư cách nhà ngoại giao là ‘nhân vật không được hoan nghênh’ sau khi một cuộc điều tra của cơ quan tình báo nội địa kết luận họ đang làm việc chống lại lợi ích quốc gia của Pháp.
“Sau một cuộc điều tra rất dài, Tổng cục An ninh Nội địa (DGSI) đã tiết lộ vào ngày 10/4 một hoạt động bí mật được các cơ quan tình báo Nga thực hiện trên lãnh thổ chúng tôi,” Bộ Quốc phòng Pháp cho biết trong một tuyên bố, nhưng không nêu chi tiết.
“Sáu điệp viên Nga hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao và các hoạt động của họ đã được chứng tỏ là trái với lợi ích quốc gia của chúng tôi đã được tuyên bố là nhân vật không được hoan nghênh,” tuyên bố cho biết.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin đã chúc mừng nhân viên DGSI trên Twitter vì đã ngăn chặn hoạt động gián điệp này. Ông không nêu chi tiết về bản chất của nhiệm vụ.
Do không có đại sứ Nga tại Paris, nhân vật số hai của Sứ quán Nga đã được triệu tập để thông báo về lý do trục xuất, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết.
“Nga sẽ đáp trả tương xứng,” hãng tin TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết.
(Reuters)
Biden nói với Modi: ‘Ấn Độ không có lợi khi mua thêm dầu của Nga’
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rằng Ấn Độ không có lợi ích trong việc mua thêm dầu từ Nga và việc này có thể gây trở ngại cho phản ứng của Mỹ đối với cuộc chiến ở Ukraine, các quan chức Mỹ cho biết.
Bắt đầu cuộc hội đàm qua video kéo dài một giờ mà các quan chức Mỹ mô tả là ‘ấm áp’ và ‘thẳng thắn’, hai ông Biden và Modi đều công khai bày tỏ sự báo động ngày càng tăng về sự tàn phá ở Ukraine, nhất là ở Bucha, nơi nhiều thường dân đã thiệt mạng.
Ông Biden không tới mức đưa ra ‘yêu cầu cụ thể’ đối với ông Modi hôm 11/4, một quan chức Mỹ cho biết, lưu ý rằng Ấn Độ có những lo ngại về quan hệ Nga-Trung Quốc càng thêm sâu sắc.
Tuy nhiên, ông Biden nói với ông Modi rằng vị thế của Ấn Độ trên thế giới sẽ không được nâng cao nếu dựa vào năng lượng Nga, các quan chức Mỹ cho biết.
“Tổng thống đã truyền đạt rất rõ ràng rằng họ không có lợi ích gì khi tăng nhập năng lượng từ Nga,” phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tại một cuộc họp báo sau đó đã phản bác khi bị đặt câu hỏi về việc họ mua năng lượng của Nga, nói rằng trọng tâm nên là châu Âu, chứ không phải Ấn Độ. “Có lẽ tổng lượng mua của chúng tôi trong tháng ít hơn lượng mua của châu Âu chỉ trong một buổi chiều.”
Các cuộc đàm phán rộng rãi giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới diễn ra khi Hoa Kỳ tìm kiếm sự giúp đỡ nhiều hơn từ Ấn Độ để lên án và gây áp lực kinh tế lên Nga.
“Gần đây, tin tức về các vụ giết hại thường dân vô tội ở thành phố Bucha là rất đáng lo ngại,” ông Modi nói trong phần của cuộc đối thoại mở cho các phóng viên xem. “Chúng tôi ngay lập tức lên án và yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập”.
Bị cám dỗ trước việc Nga giảm giá mạnh năng lượng sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, Ấn Độ đã mua ít nhất 13 triệu thùng dầu thô của Nga kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào cuối tháng 2, so với khoảng 16 triệu thùng trong cả năm ngoái, dữ liệu do Reuters tập hợp cho thấy.
Bà Psaki không cho biết Ấn Độ có đưa ra cam kết nào về nhập khẩu năng lượng hay không nhưng cho biết Washington sẵn sàng giúp nước này đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.
(Reuters)