Các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã thảo luận qua điện thoại trong ngày hôm nay, Chủ nhật, về một kế hoạch hòa bình do Pháp-Đức đề xướng để chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Pháp Francois Hollande, và Thủ tướng Đức Angela Merkel diễn ra giữa lúc các nỗ lực ngoại giao được tăng mạnh nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy được Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.
Một người phát ngôn của chính phủ Đức nói rằng bốn nhà lãnh đạo này dự trù sẽ họp lại vào thứ Tư tới ở thủ đô Minsk của Belarus để tiếp tục tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng kế hoạch này dựa vào thỏa thuận ngừng bắn ký hồi tháng 9 ở Minsk đã bị đổ vỡ, nhưng có thêm chi tiết và khung thời gian.
Tổng thống Hollande nói rằng kế hoạch này là “một trong những cơ hội cuối cùng” để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Thủ tướng Merkel nói rằng chưa rõ liệu kế hoạch này có thành công hay không.
Tại một hội nghị an ninh đang diễn ra ở Munich hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier nói rằng các thương thuyết gia về kế hoạch Pháp-Đức vẫn còn “cách xa một giải pháp chính trị” cho cuộc xung đột Ukraine sau mấy ngày tranh luận “căng thẳng.”
Ngoại trưởng Đức nói: "Đối với người Châu Âu chúng tôi, cuộc xung đột này vẫn có nghĩa rằng an ninh trường kỳ chỉ có thể có được với Nga chứ không phải đối kháng với Nga, tuy nhiên điều này không thể là một sự công nhận đơn phương. Điều này phải rõ ràng với Moscow cũng như chỉ có một tương lại tốt đẹp cho Nga với Châu Âu, chứ không phải đối kháng với Châu Âu. Và hồi năm ngoái tôi đã nói rất rõ rằng đó cũng là nhiệm vụ của Moscow phải định nghĩa rõ những lợi ích chung và phối hợp với nhau. Chúng tôi thấy được quá ít tiến bộ ở đây.
Trưởng đoàn thương thuyết của Liên hiệp Châu Âu, bà Federica Mogherini nói tại Munich rằng Liên hiệp Châu Âu đang tìm cách để áp dụng đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn Minsk.
Bà Mogherini nói: “Tại phía đông của chúng tôi, trên lãnh thổ Châu Âu, cuộc chiến tranh ở Ukraine đã phải trả giá bằng nhiều mạng người, cho chúng ta thấy một trong những điều cơ bản của luật quốc tế bị vi phạm - đó là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một nước, và rằng chúng ta không thể dùng vũ lực để thay đổi đường biên giới. Một tiền lệ hết sức nguy hiểm, không chỉ đối với Châu Âu, mà cho cả thế giới.
Cũng tại Munich, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry đã phát biểu về những tin nói là có một sự bất đồng giữa Hoa Kỳ và Châu Âu liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông Kerry nói rằng không có rạn nứt nào giữa Hoa Kỳ với các đồng minh Châu Âu, và tất cả các bên đều đồng ý rằng những thách thức ở Ukraine sẽ được chấm dứt bằng còn đường ngoại giao, chứ không phải bằng sức mạnh quân sự.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói tại hội nghị rằng Pháp và các đồng minh đoàn kết với nhau, chứng tỏ quyết tâm và chống lại những nhượng bộ làm phương hại an ninh của Châu Âu. Nhưng ông nói rằng không ai muốn “kẹt vào” một cuộc chiến tranh kéo dài.