Đường dẫn truy cập

‘Người gốc Việt nên tham gia chích thử vaccine Covid-19’


Một người tình nguyện đang được tiêm thử nghiệm vaccine của hãng Moderna ở New York
Một người tình nguyện đang được tiêm thử nghiệm vaccine của hãng Moderna ở New York

Người gốc Việt ở Mỹ không có vấn đề về bệnh tật nên đăng ký tham gia thử vaccine Covid-19 vì ‘rủi ro không cao’ mà ‘lợi ích cho cộng đồng rất lớn’, một bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tại Mỹ kêu gọi.

Trong lúc này, Moderna, hãng dược có một trong những ứng viên vaccine hàng đầu, đã bước vào thử nghiệm giai đoạn cuối ở Mỹ đang chiêu mộ thêm người tình nguyện từ các sắc dân thiểu số dù việc này có làm chậm lại tiến độ thử nghiệm, Reuters cho biết.

‘Có bổn phận’

Người Mỹ gốc Việt ‘có bổn phận để làm sao giúp đỡ cho giới khoa học diệt trừ và ngăn ngừa được dịch bệnh này,’ bác sĩ đa khoa Đỗ Văn Hội hiện đang hành nghề tại bang Florida, nói với VOA.

“Nếu chúng ta có được vaccine có kết quả tốt đẹp thì nó gần như là cứu mạng cho tất cả mọi người, cho nên nếu ai có thể thì nên tham gia thử nghiệm này,” ông kêu gọi.

Bác sĩ Hội nói cần thêm sự hiện diện của các sắc dân thiểu số tại Mỹ trong việc thử nghiệm vaccine vì ‘nó có thể có kết quả khác nhau trên các sắc dân khác nhau’.

Vaccine bước vào giai đoạn thử nghiệm 3 trên quy mô lớn ở người sau khi đã qua hai giai đoạn thử nghiệm 1 và 2 được xác định là an toàn và hiệu quả, giới chuyên môn cho biết.

“Cái gì cũng có thể có sự nguy hiểm nào đó, dù là ít nhưng vẫn có, nhưng tỷ lệ rủi ro trong việc thử nghiệm vaccine là rất ít,” bác sĩ Hội nói thêm và lưu ý rằng ‘điều bình thường trước giờ trong thử nghiệm’ là những người tình nguyện thử vaccine ‘không được kiện cáo nếu có chuyện không hay xảy ra.’

“Trước khi tham gia quý vị phải ký một cái cam kết nếu có chuyện gì xảy ra thì họ không chịu trách nhiệm – nghĩa là không có thưa gửi gì,” ông giải thích.

Vẫn theo lời ông, nếu người được chích thử vaccine gặp hậu quả không hay thì ‘tất nhiên sẽ được chăm lo chữa trị,’ nhưng ông khuyến cáo rằng ‘những người đang mắc những chứng bệnh nguy hiểm đừng nên đi thử nghiệm thuốc chủng ngừa’.

Người tham gia thử vaccine được bảo mật danh tính và được theo dõi trong vài tháng để xem có sản xuất kháng thể hay không, kháng thể có duy trì được lâu hay không, và có xảy ra biến chứng gì hay không, ông cho biết.

An toàn trên hết

Các sắc dân khác nhau bị virus corona tác động khác nhau không nhất thiết do đặc điểm gen hay màu da mà cũng có thể là do điều kiện sinh sống, bác sĩ Đỗ Văn Hội nhận định.

“Có thể các sắc dân thiểu số sống trong các khu vực quá nghèo nên dễ bị lây nhiễm hơn,” ông nói.

Tính đến ngày 28/8, Moderna đã chiêu mộ được 17.458 trong mục tiêu là 30.000 người tình nguyện, trong đó 24% là các sắc dân da màu, Reuters dẫn số liệu của công ty này cho biết.

Có các tình nguyện viên lớn tuổi, người da màu và những người có bệnh lý nền tham gia thử vaccine là một ưu tiên vì đây là những đối tượng có rủi ro cao, theo các chuyên gia y tế.

“Chúng tôi tin rằng vaccine của chúng tôi nằm trong số các vaccine tốt nhất,” ông Stephane Bancel, giám đốc điều hành Moderna nói với CNBC. “Chúng tôi muốn đảm bảo chúng tôi có đủ dữ liệu cho tất cả mọi đối tượng có thể được lợi và được bảo vệ từ vaccine.”

Ông Bancel không dự đoán khi nào thử nghiệm sẽ chiêu mộ đủ tình nguyện viên và khi nào sẽ có dữ liệu về kết quả thử nghiệm. Trước đây, ông từng dự đoán dữ liệu thử nghiệm sẽ có vào ‘tháng 10 theo kịch bản thật sự lạc quan, có lẽ là tháng 11’.

Hôm 5/9, ông Bancel lưu ý rằng ‘trì hoãn một chút để có chất lượng thử nghiệm tốt hơn chính là quyết định đúng đắn về lâu dài’, theo CNBC. Giám đốc Moderna cho biết thêm đã yêu cầu các cơ sở thử nghiệm lâm sàng của hãng ‘nỗ lực hơn để tiếp cận các nhóm thiểu số’.

“Sự đa dạng đối với chúng tôi quan trọng hơn là tiến độ,” CEO của công ty Moderna khẳng định.

VOA Express

XS
SM
MD
LG