Các nhà hoạt động Myanmar đã đốt các bản sao hiến pháp do quân đội soạn thảo vào ngày 1/4, hai tháng sau khi quân đội lên nắm quyền, trong lúc một đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc tắm máu vì tình trạng đàn áp gia tăng đối với những người biểu tình chống đảo chính, theo Reuters.
Đất nước Myanmar đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của khôi nguyên Nobel Hoà bình Aung San Suu Kyi vào ngày 1/2 với cáo buộc không có cơ sở về gian lận trong một cuộc bầu cử tháng 11.
Bà Suu Kyi và các thành viên khác của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà đã bị giam giữ.
Chính quyền cáo buộc bà về một số tội danh nhỏ nhặt, bao gồm nhập khẩu bất hợp pháp 6 máy bộ đàm cầm tay và vi phạm quy định về đại dịch COVID-19, nhưng một phương tiện truyền thông trong nước đưa tin hôm 31/3 rằng bà có thể bị buộc tội phản quốc và có thể bị trừng phạt bằng cái chết.
Nhưng một trong những luật sư của bà, Min Min Soe, cho biết không có cáo buộc mới nào được công bố tại phiên điều trần về vụ của bà vào ngày 1/4. Các luật sư của bà nói rằng những cáo buộc mà bà phải đối mặt là bịa đặt.
Cảnh báo của phái viên Liên Hiệp Quốc về một “cuộc tắm máu” được đưa ra sau khi lực lượng an ninh không ngừng gia tăng đàn áp các cuộc biểu tình chống quân đội, và giao tranh bùng phát giữa quân đội và quân nổi dậy người thiểu số ở các vùng biên cương.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 538 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, trong đó có 141 người bị giết chết hôm thứ Bảy, là ngày đẫm máu nhất trong giai đoạn đầy bất ổn này ở Myanmar.
Truyền thông cho biết thêm có hai người chết vào ngày 1/4 khi những người biểu tình quay trở lại đường phố ở một số nơi.
Có một người thiệt mạng và 5 người bị thương khi lực lượng an ninh nổ súng ở thị trấn trung tâm Monywa, tờ Monywa Gazette đưa tin.
Lực lượng an ninh cũng nổ súng ở thành phố lớn thứ hai Mandalay khiến một người thiệt mạng, vẫn theo truyền thông Myanmar.
Cuộc đảo chính cũng đã gây ra các cuộc đụng độ mới trong các cuộc chiến lâu nay ở Myanmar.
Ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng và 4 xe tải quân sự bị phá hủy trong các cuộc đụng độ với Quân Độc lập Kachin (KIA), một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất ở Myanmar, tờ DVB đưa tin.
Máy bay quân sự Myanmar bắt đầu ném bom vào những vị trí của một nhóm khác là Liên minh Quốc gia Karen (KNU), lần đầu tiên sau hơn 20 năm, khiến hàng nghìn dân làng đã phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều người chạy sang Thái Lan.
Việc quân đội lên tiếp quản cũng dẫn đến những lời kêu gọi mới về một phe đối lập thống nhất giữa các nhà vận động dân chủ ở thành phố và các lực lượng thiểu số đang chiến đấu ở các vùng biên cương.
Các thành viên quốc hội bị lật đổ, hầu hết thuộc đảng của bà Suu Kyi, thề thiết lập một nền dân chủ liên bang nhằm giải quyết yêu cầu lâu nay của các nhóm thiểu số về quyền tự trị.
Họ cũng tuyên bố hủy bỏ Hiến pháp năm 2008 do quân đội soạn thảo nhằm bảo vệ quyền kiểm soát của họ đối với chính trị.
Quân đội từ lâu bác bỏ ý tưởng về một hệ thống liên bang, luôn coi mình là quyền lực trung tâm quan trọng để giữ sự đoàn kết trong đất nước đầy chia rẽ.
Các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy các bản sao của hiến pháp thật và cả bản sao mang tính biểu tượng đều bị đốt trong các cuộc biểu tình mà một nhà hoạt động gọi là “lễ đốt hiến pháp”.
Đặc phái viên của LHQ về Myanmar, Christine Schraner Burgene, nói với Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên rằng quân đội không đủ khả năng quản trị đất nước và cảnh báo tình hình sẽ còn tồi tệ hơn.
Hội đồng phải xem xét “hành động tiềm năng quan trọng” để đảo ngược tiến trình của các sự kiện vì “một cuộc tắm máu sắp xảy ra”, Reuters dẫn lời bà Burgene nói.
Hội đồng của LHQ đã bày tỏ quan ngại và lên án bạo lực chống lại những người biểu tình, nhưng không gọi việc tiếp quản của quân đội là một cuộc đảo chính, và đe dọa hành động tiếp theo do sự phản đối của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Việt Nam.
Hoa Kỳ hôm 31/3 thúc giục Trung Quốc, nước có lợi ích kinh tế và chiến lược quan trọng ở Myanmar, sử dụng ảnh hưởng của mình để quy trách nhiệm cho những người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính.
Trong khi các nước phương Tây lên án cuộc đảo chính, Trung Quốc có phần thận trọng hơn. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, kêu gọi sự ổn định trong cuộc gặp với người đồng cấp Singapore vào ngày 31/3.
Ông Vương nói Trung Quốc hoan nghênh và ủng hộ nguyên tắc lâu nay của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, mặc dù đã có những dấu hiệu cho thấy việc tuân thủ nguyên tắc đang dần lơi là.
Indonesia, Singapore, Malaysia và Philippines đều đã lên tiếng về tình hình ở Myanmar. Thái Lan đã đưa ra bình luận mạnh mẽ nhất hôm 1/4, nói rằng họ “rất bất bình” về bạo lực, kêu gọi chấm dứt và thả những người bị giam giữ. Nhưng theo Reuters, quân đội Myanmar có truyền thống không chịu áp lực từ bên ngoài.