Đường dẫn truy cập

Nemesis (Nữ Thần Báo Ứng) - Philip Roth


Nemesis (Nữ Thần Báo Ứng) - Philip Roth
Nemesis (Nữ Thần Báo Ứng) - Philip Roth

Tiểu thuyết ngắn Nemesis của Philip Roth kể lại cuộc chiến đấu tuy hào hùng nhưng tuyệt vọng giữa con người chống lại thảm họa không rõ căn nguyên từ đâu tới. Lấy bệnh dịch bại liệt như một ẩn dụ, theo gót Albert Camus của tiểu thuyết La Peste/Dịch hạch, Philip Roth muốn người đọc suy ngẫm về những chọn lựa của con người trước sức mạnh áp đảo của lịch sử.

Không những người đọc tiểu thuyết ở Mỹ và những xứ dùng Anh ngữ mà cả những nhà phê bình, điểm sách đều ngạc nhiên và ngưỡng mộ khả năng viết tiểu thuyết của Philip Roth khi đã ở vào tuổi 77: Ở vào tuổi này, theo lẽ thường, các nhà văn – dù là nhà văn tài năng – sức sáng tác cũng đã chậm lại, và chất lượng tác phẩm rất có thể có phần sa sút. Nhưng Philip Roth lại là một ngoại lệ: hầu như hàng năm cứ vào mùa Thu ông lại cho ra mắt một tác phẩm mới xuất sắc!

Là tác giả của trên 30 tiểu thuyết bắt đầu bằng quyển Goodbye, Columbus xuất bản năm 1959 được trao giải National Book Award, năm 1969 Philip Roth đã gây nên những cuộc tranh luận sôi nổi với quyển tiểu thuyết Pornoy’s Complaint là cuộc độc thoại của một anh chàng độc thân bị dục tình ám ảnh, say đắm chính người mẹ của anh ta, và cuốn truyện đầy những chi tiết đáng hổ thẹn được mô tả bằng một lối văn trần trụi, quá đà. Kể từ đó Philip Roth được coi là nhà văn tầm cỡ hàng đầu của thế hệ ông, được trao tặng những giải văn chương cao quí nhất của Mỹ, kể cả giải Pulitzer năm 1997 cho tiểu thuyết American Pastoral.

Tiểu thuyết của Philip Roth lấy chủ đề là cuộc sống của người Mỹ gốc Do thái, với nhân vật Nathan Zuckerman đã trở thành thương hiệu của tiểu thuyết của ông, và cảnh thổ của truyện là vùng Newark thuộc tiểu bang New Jersey cũng là nơi sinh trưởng của Philip Roth. Giáo sư văn học Harold Bloom cho rằng Philip Roth là một trong bốn “tứ trụ” là bốn nhà văn tầm vóc nhất hiện vẫn đang sáng tác của Mỹ gồm: Thomas Pynchon, Don DeLillo, Cormac McCarthy, và Philip Roth. Kể từ năm 2006 những quyển truyện của Philip Roth có bề dày chỉ trên 200 trang và được xếp vào loạt tiểu thuyết ông đặt tên chung là “Nemeses/Báo Ứng: Những tiểu thuyết ngắn, gồm có: Everyman (2006), Indignation (2008), Humbling (2009), và mới được xuất bản vào tháng 10 năm nay là quyển Nemesis/Nữ Thần Báo Ứng chúng tôi xin giới thiệu trong chương trình hôm nay.

Nhiều người suy đoán về việc giờ đây Philip Roth viết tiểu thuyết ngắn có lẽ vì ông hiểu rằng sách in hiện nay đang càng ngày càng thất thế trong cuộc cạnh tranh với e-books và Facebooks. Chứng cớ Philip Roth đã thanh phiền như sau: “Sự tập trung, chú ý, niềm cô đơn, im lặng, tất cả những thứ cần thiết đó cho việc đọc sách một cách nghiêm túc nay không còn nằm trong tầm tay của mọi người nữa.”

Có thể nói Philip Roth là nhân chứng sống động của những biến cố lịch sử quan trọng nhất trong đời sống ở Mỹ trên nửa thế kỳ kể từ cuộc chiến tranh thế giới thứ nhì. Dưới nhãn quan của ông, những biến cố này đã làm vụn nát “Giấc mơ Mỹ” (American Dream) cho nên ông dùng một lối viết phúng thế sắc bén để diễn tả những phận người – nhất là những người Mỹ gốc Do thái – bị lịch sử vây khổn, không tìm được đường thóat ra.

Nhân vật chính trong Nemesis là Eugene “Bucky” Cantor, và truyện xảy ra quanh cộng đồng gốc Do thái ở Newark, New Jersey vào năm 1944. Khi đó Bucky là một thanh niên 23 tuổi và cuộc thế chiến đang ở cao điểm trước khi chấm dứt. Trong khi bạn bè cùng trang lứa được lệnh nhập ngũ và được gửi đi chiến đấu trên khắp các mặt trận từ Normandy sang khắp lãnh thổ Đức thì Bucky vì thị giác quá yếu nên không được nhập ngũ làm bổn phận người trai thời đại và việc này khiến Bucky có mặc cảm tội lỗi, thấy mình là kẻ đứng bên lề. Anh cảm thấy: [trích dẫn] “hổ thẹn khi bị người khác nhìn thấy mình trong bộ quần áo dân sự, khi ngồi xem những hình ảnh chiến tranh chiếu trong rạp hát.”

Bucky mồ côi mẹ vì bà bị tử vong khi sinh đẻ, từ nhỏ không hề được gặp mặt người cha bất lương trộm cắp, được ông bà là những di dân gốc Do thái nuôi dưỡng trong một không khí đạo đức, cho nên Bucky là một thanh niên có hạnh kiểm tốt, tử tế, chăm chỉ làm việc. Anh được hàng xóm láng giềng xa gần yêu mến, được lấy làm gương cho bọn trẻ. Vậy mà giờ đây Bucky không được quân đội cho cơ hội làm tròn trách nhiệm người trai khi đất nước hữu sự. Tuy đau khổ nhưng anh vẫn cố gắng vươn lên, nhận công việc huấn luyện viên thể thao cho sân vận động của cộng đồng. Một mặt Bucky cảm thấy tự hổ thẹn, nhưng mặt khác anh lại được những đứa con trai trong vùng ngưỡng mộ, coi anh như một tấm gương để noi theo vì anh có nhiều phẩm tính tinh thần như: có niềm tin, hiền hòa và dễ dãi với mọi người, suy nghĩ chin chắn, vững vàng, dịu dàng… Chúng coi anh vừa là một nhà lãnh đạo vừa là một đồng chí.

Về mặt thể chất Bucky có thân thể lực sĩ, có nhiều năng khiếu thể thao. Bọn trẻ coi anh như một kiểu mẫu để noi theo, nhất là sau khi Bucky trị được một băng du đãng ưa uy hiếp bọn trẻ. Bucky dạy dỗ bọn trẻ những gì ông ngoại anh đã dạy anh: cứng dắn và cương quyết, can đảm về mặt thể chất và có một thể chất cường tráng, và không bao giờ cho phép mình bị người khác điều khiển, hay để bị làm nhục vì cái gốc Do thái của mình. Và Bucky cũng có một người bạn gái yêu anh hết lòng, sẽ trở thành vợ anh trong một tương lai không xa.

Nhưng cuộc sống của Bucky cũng như của cả cộng đồng bỗng chốc bị thảm họa đe dọa: dịch bại liệt (polio) đột nhiên tràn tới cộng đồng. Hai đứa học trò của anh bị trúng dịch vong mạng: thằng bé Herbie Steinmark mập mạp, vụng về, dễ mến học lớp 8 và thằng nhỏ Alan Michaels, cũng học lớp 8, là một trong vài đứa xuất sắc nhất về thể thao, đứa học trò thân cận nhất của Bucky. Không được tham dự cuộc chiến tranh thế giới, Bucky cho rằng mình nay phải dự vào cuộc chiến tranh với bệnh dịch bại liệt này. Bucky cho rằng: [trích dẫn] “Đây cũng là một cuộc chiến tranh thực sự, một cuộc chiến tranh của sự sát nhân, gây đổ nát, phí phạm và khốn kiếp, một cuộc chiến với những tổn thất của chiến tranh – một cuộc chiến tranh chụp lên đầu trẻ con ở Newark.”

Chúng ta biết rằng cho mãi tới năm 1962 mới có thuốc chủng ngừa bệnh bại liệt này cho nên vào thời điểm năm 1944 khi bệnh dịch tràn tới Newark mọi người hết sức kinh hoàng trước thảm họa này. Số trẻ con tử vong gia tắng mỗi ngày nên cái cộng đồng gốc Do thái bỗng chốc co cụm lại, trước là vì đau buồn thương tiếc, và sau cùng là kinh hoàng điên cuồng tra vấn nguyên do nào thảm họa xảy đến. Dư luận đồn thổi đổ lỗi lên đầu một người khuyết tật tâm thần tên là Horace đã mang dịch tời trong vùng và thêm vào đó do sự việc có một nhóm người gốc Ý bỗng nhiên xuất hiện ở sân vận động trong vùng và đe dọa sẽ reo rắc bệnh dịch bằng cách nhổ nước miếng trên các vỉa hè.

Bucky không tin vào vụ việc này nhưng cũng không giải thích được do đâu bệnh dịch phát khởi. Trước hoàn cảnh này, dù cho có sức mạnh cả thể chất lẫn tinh thần và lòng bác ái Bucky cũng hoàn toàn bất lực, trở thành một kẻ bại trận. Đau lòng khi ghé thăm những đứa học trò yêu quí nhiễm bệnh, lại thêm bị mẹ của hai đứa trẻ này kết án là đã “bắt chúng nó chạy vòng vòng như súc vật” trên bãi đánh dã cầu, tệ hơn nữa lại để cho chúng uống nước ở vòi máy nước công cộng, Bucky chán nản bất lực cùng cực. Anh bị dằn vặt khốn khổ vì không biết phải làm gì cho đúng, và làm bằng cách nào.

Tuyệt vọng, Bucky trở nên nghi ngờ, mất niềm tin vào Chúa. Cho nên khi người bạn gái của anh khuyên Bucky hãy cùng cô bỏ thành phố này đi lánh nạn ở vùng Poconos cách xa Newark, nhận một công việc làm tạm thời trong một trại hè ở đó, ban đầu anh cưỡng lại ý định này, không muốn bỏ đi vì bị giằng xé giữa trách nhiệm và lòng ham muốn, cuối cùng vì con số trẻ con chết vì dịch càng ngày càng nhiều nên Bucky cũng đành lòng làm theo lời người bạn gái của anh. Sự đối nghịch giữa một Newark đang sụp đổ, u tối trước thảm họa với Poconos với những vùng đồi núi xanh tươi dịu dàng, gió mát trăng thanh, và nhất là không có sự sợ hãi bao phủ.

Những tin tức đáng buồn về Newark anh nhận được không bao lâu sau khi anh bỏ đi, như tiệm bán bánh dồi thịt nơi anh và các học trò rất ua thích đã phải đóng cửa, kế đến cả khu sân vận động trong vùng cũng bị phong tỏa làm Bucky hối hận vì mình đã bỏ đi. Nhưng Bucky và người yêu của anh không được hưởng cảnh an lành hạnh phúc ở Poconos này mãi mãi như anh mong ước vì một đứa trẻ ở cùng nhà với anh trong trại hè ngã bệnh phải khẩn cấp đưa vào bệnh viện: nó bị nhiễm dịch bại liệt. Thế rồi bệnh dịch dần dần tràn lan khắp trại. Đến cơ sự này Bucky khốn khổ tự hỏi: “Ai là kẻ đem bệnh dịch tới đây nếu không phải là chính ta?”

Rồi đến lượt chính Bucky bị nhiễm dịch. Dù không thiệt mạng nhưng trở thành một kẻ tàn phế, Bucky đã quyết định tự hủy bất chấp những lời đầy xúc cảm của người yêu của anh cũng như những lời khẩn khoản cản ngăn cha của cô là một vị bác sĩ anh rất ngưỡng mộ. Bucky nói với họ rằng anh không thể cho phép người yêu của anh vứt bỏ cuộc đời của cô cho một kẻ “tàn phế” dù cho cô có yêu người đó bao nhiêu chăng nữa. Bucky cảm thấy “không còn là một người đàn ông đầy đủ để làm một người chồng và một người cha. Cay đắng tận đáy lòng nhưng anh vẫn nhìn thấy sự từ chối đời sống của mình như một cơ may cuối cùng để làm một người đàn ông giữ trọn được phẩm cách. Phải chăng Philip Roth cho rằng cái chết tự chọn lựa của Bucky là một sự nổi loạn của tinh thần chống lại sức mạnh áp đảo của hoàn cảnh?

Nếu chúng ta đọc ba tập trước trong bộ Nemeses là các quyển Everyman, Indignation, Humbling, và nay là Nemesis thì ta thấy câu hỏi nêu trên không ngừng lai vãng ám ảnh toàn bộ loạt tiểu thuyết ngắn này của Philip Roth, và những nhân vật trong bộ truyện này cho thấy con người hầu như bất lực trong việc cưỡng chống lại hoàn cảnh và lịch sử, không có mấy chọn lựa, dù có chọn lựa chăng nữa thì đó cũng là những chọn lựa ngẫu nhiên mà thôi.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG