Từ nhiều thập niên qua, việc tìm kiếm sự sống ở đâu đó trong vũ trụ này có nghĩa là lắng nghe các tín hiệu từ những nền văn minh xa xôi nào đó. Nhưng những đột phá mới đây trong kỹ thuật không gian đang tập trung một phần các nỗ lực đó hướng trở lại về việc tìm kiếm các hành tinh có thể nuôi dưỡng sự sống, thậm chí còn mới ở dạng sơ khai.
Khi NASA khai trương Kính viễn vọng Không gian Kepler vào năm 2009, các khoa học gia đã học được một điều mới lạ - và khá quan trọng, theo giám đốc Viện Khoa học Viễn vọng Không gian Matt Mountain. Ông cho biết:
“Thiên hà của chúng ta có ít nhất 100 tỷ hành tinh bên trong. Và cách đây 5 năm chúng ta không biết được điều đó.”
Dĩ nhiên, Kepler và các loại kính viễn vọng mạnh khác ngày nay không thực sự nhìn thấy các hành tinh đó; các ống kính này quá yếu so với ánh sáng của các vì sao.
Nhưng các nhà khoa học có thể đo lường sự thay đổi ánh sáng khi các hành tinh đi ngang qua vì sao và phân tích ánh sáng đi qua bầu khí quyển để xác định cái gì ở bên trong.
Nhà vật lý thiên văn của NASA và cũng từng là một phi hành gia John Grunsfeld nhận định:
“Nếu chúng ta nhìn vào quả đất, chúng ta sẽ thấy các dấu hiệu của bầu trời của chúng ta, bầu trời màu xanh, chúng ta sẽ thấy các dấu hiệu của dưỡng khí, của khí carbonic, của chất sulfur dioxit từ các núi lửa và thậm chí chúng ta còn thấy các biểu hiện rằng có đời sống thực vật. Và chúng ta thấy điều đó bằng cách phân tích ánh sánh thành những màu sắc thành phần của nó.”
Đa số các hành tinh được khám phá cho đến nay đều khác với quả đất. Chúng quá lớn, quá nhỏ, quá gần mặt trời, hay quá xa để có thể hỗ trợ cho đời sống.
Nhưng nhà vật lý học thiên văn Sara Sager nói các hành tinh nhỏ cỡ như trái đất là cực kỳ thông thường:
“Chúng ta đi tìm các dấu hiệu sinh học, những khí do đời sống sản sinh ra, những khí không thuộc về bầu khí quyển.”
Hợp tác với Cơ quan Không Gian Âu châu và các khoa học gia của các nước khác, NASA đang xây dựng thế hệ mới của các kính viễn vọng không gian có khả năng tìm thấy bằng chứng sự sống.
Kính viễn vọng Không gian James Webb, dự trù bố trí vào năm 2018, sẽ mang độ nhạy va độ phân giải chưa từng có từ trước tới nay và sẽ cải tiến nhiều sự phân tích bằng kính viễn vọng các vì sao và hành tinh ở rất xa.
Khoa học gia trưởng của NASA, bà Ellen Stofan nói cơ quan này cũng dự định đi tìm sự sống trên mặt trăng Europa của Sao Mộc, có thể có một đại dương nằm bên dưới lớp băng của nó:
“Trong hệ thái dương của chúng ta, chúng ta biết phải đi đâu, chúng ta biết phải đo cái gì, và chúng ta đang ở trong tiến trình làm chính việc ấy. Nhìn ra ngoài, bên ngoài thái dương hệ của chúng ta, chúng ta đang đi đúng hướng, chúng ta đang thực hiện đúng việc đo đạc và chúng ta đang đi tới điểm biết được nhiều điều.”
Các nhà khoa học nói có khả năng rất cao là họ sẽ tìm ra một hành tinh rất giống với trái đất. Ðiều đó có thể giúp đem lại lời giải đáp cho câu hỏi: Ðể cho đời sống đạt được một vị thế trong vũ trụ khó khăn cỡ nào?