Đường dẫn truy cập

Nâng cấp quan hệ với Mỹ, Hà Nội tính đến Trung Quốc đến đâu?


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Nhà Trắng và gặp Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi năm 2015
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Nhà Trắng và gặp Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi năm 2015

Ngay cả khi muốn nâng cấp quan hệ với Washington, Hà Nội sẽ không làm tổn hại quan hệ với Bắc Kinh và Trung Quốc cũng có thể tự tin rằng Hà Nội sẽ không rơi vào quỹ đạo của Mỹ chống Trung Quốc, các nhà quan sát trong và ngoài nước nói với VOA.

Ngoại giao tấp nập

Việt Nam đang có những hoạt động ngoại giao tấp nập với hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ và 15 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt.

Mới đây nhất, hôm 26/4, bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban bí thư, đã dẫn đầu một phái đoàn của Đảng đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đáng chú ý là chuyến thăm này của bà Mai diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đến Hà Nội hôm 15/4.

Tại Bắc Kinh, bà Mai đã cam kết với ông Tập rằng Việt Nam ‘ưu tiên hàng đầu quan hệ với Trung Quốc’ theo phương châm ’16 chữ vàng’ và ‘4 tốt’, còn nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với bà Mai rằng ông ‘hết sức coi trọng quan hệ giữa hai Đảng, hai nước’, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.

‘Coi trọng quan hệ với Việt Nam’ cũng là điều Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói tại Hà Nội. Cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ngoại trưởng Blinken khi nói chuyện với nhau đều bày tỏ mong muốn ‘sẽ đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới’, theo Reuters.

Trước đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và mở rộng quan hệ song phương là điều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận cùng ông Trọng trong cuộc điện đàm ngày 29/3, theo bản ghi cuộc điện đàm được Nhà Trắng công bố.

Ông Trọng và ông Biden đã trao đổi lời mời thăm viếng lẫn nhau và giới chức hai nước đang thu xếp cho các chuyến thăm của hai nhà lãnh đạo nhiều khả năng sẽ diễn ra vào giữa năm nay.

Nếu ông Trọng đến Washington trong năm nay thì đây là lần thứ hai nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ và cũng là lần thứ hai ông gặp trực tiếp ông Biden sau chuyến thăm Mỹ của ông hồi năm 2015 mà khi đó ông đã được Phó Tổng thống Joe Biden tiếp đón.

Trái lại, hai nhà lãnh đạo hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã gặp nhau nhiều lần ở cả Bắc Kinh và Hà Nội. Mới đây nhất, vào tháng 10 năm ngoái, ông Trọng đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Bắc Kinh gặp ông Tập Cận Bình sau khi ông Tập đắc cử tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba.

Bắc Kinh quan trọng hơn Washington?

Ông Trọng đã đi Bắc Kinh ngay sau Đại hội thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc và cùng đi với một phái đoàn nhiều ủy viên Bộ Chính trị. Trong khi đó, phải mất nhiều tháng trời hai bên mới sắp xếp được một cuộc điện đàm giữa ông Trọng và ông Biden, Tiến sỹ Zachar Abuza, chuyên gia về chính trị và an ninh đông nam Á tại Trường Chiến tranh Quốc gia (National War College) ở Washington D.C., Mỹ, lưu ý với VOA.

“Bắc Kinh cũng ý thức được rằng các nhà lãnh đạo Đảng Việt Nam có mối quan hệ đồng chí anh em với họ và lập trường của họ về thế giới gần gũi với Bắc Kinh hơn là Washington,” ông nói và cho rằng đối với Hà Nội thì ‘Trung Quốc quan trọng hơn nhiều so với Mỹ’.

Do đó, học giả này nhận định trước sự lôi kéo của Washington, Bắc Kinh ‘có thể tự tin rằng Hà Nội sẽ kiên quyết từ chối có những hành động mà Bắc Kinh xem là thù địch với Bắc Kinh’ và rằng Hà Nội ‘sẽ có lập trường độc lập’.

Trao đổi với VOA, ông Bill Hayton, một nhà báo kỳ cựu chuyên theo dõi Việt Nam và hiện là chuyên gia ở Viện nghiên cứu Chatham House ở London, Anh, cũng có nhận định tương tự. Ông cho rằng Bắc Kinh ‘không có gì phải lo’ về khả năng Hà Nội có quan hệ chặt chẽ hơn với Washington.

Ông nhấn mạnh các nhà lãnh đạo Việt Nam là những người ‘Lê-nin-nít’. “Họ xem thể chế dân chủ được Mỹ bảo trợ là mối đe dọa đơn lẻ lớn nhất mà họ đối mặt. So với mối đe dọa đó thì họ nghĩ rắc rối của họ với Trung Quốc chẳng đáng là gì,” ông Hayton phân tích.

Do đó, ông cho rằng giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam ‘không có động lực gì để nâng cấp quan hệ với Mỹ’ và ‘Bắc Kinh biết điều đó’.

“Washington không muốn biết điều này. Họ quá bị chi phối bởi ý nghĩ Việt Nam có thể là một phần của liên minh chống Trung Quốc. Ý nghĩ đó chả có nghĩa gì cả,” ông Bill Hayton nói.

Khi được hỏi có phải Hà Nội cần sự hỗ trợ của Mỹ về an ninh trên Biển Đông cũng như cần thị trường Mỹ để đảm bảo cho sự thịnh vượng hay không, chuyên gia này cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam ‘không quan tâm đến Biển Đông bằng việc gần gũi với Bắc Kinh để được bảo vệ về chính trị’.

Hồi năm 2020, Việt Nam đã phải bồi thường gần một tỷ đô la Mỹ cho công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha khi họ ngừng dự án thăm dò trên Biển Đông vì ‘không muốn làm mất lòng Trung Quốc’, ông Bill Hayton chỉ ra.

“Họ chỉ dùng vấn đề Biển Đông để thuyết phục Mỹ giữ quan hệ gần gũi,” ông nhận định.

Riêng với giao thương với Mỹ, ông cho rằng mọi thứ ‘đang rất tốt đẹp với Việt Nam’. Trung Quốc và Mỹ lần lượt là các đối tác thương mại lớn thứ nhất và thứ nhì của Việt Nam, nhưng trong khi Việt Nam xuất siêu sang Mỹ thì họ lại nhập siêu từ Trung Quốc.

Nhu cầu nâng cấp

Tiến sỹ Zachar Abuza chỉ ra rằng bất chấp giao thương song phương Mỹ-Việt trong năm 2022 đạt 139 tỷ đô la, quan hệ hai nước ngay cả khi nâng cấp thì vẫn chỉ ở mức ‘đối tác chiến lược’ – tức tương đương với cấp độ quan hệ của Việt Nam với New Zealand và còn thấp hơn quan hệ Việt-Trung một bậc.

“Mặc dù Bắc Kinh sẽ không vui về khả năng nâng cấp quan hệ giữa Hà Nội và Washington, họ sẽ không phản ứng quá mức,” ông nhận định. “Bắc Kinh không thể không biết về mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam.”

Tuy nhiên, trong trường hợp nâng cấp quan hệ thì Washington ‘cần phải ý thức về những chỗ nhạy cảm của Hà Nội’ và ‘đừng thể hiện việc nâng cấp quan hệ này là thẳng thừng nhắm vào Trung Quốc’.

“Tôi nghĩ một lĩnh vực mà Việt Nam có thể gặp rắc rối với Bắc Kinh là nếu họ tiếp tục kêu gọi đầu tư lớn vào sản xuất chất bán dẫn – vì đó là một điểm mà Mỹ đang tìm cách cô lập Trung Quốc,” ông Abuza nói và cho rằng việc nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt cũng không dẫn đến ‘thay đổi gì trong mối quan hệ quân sự giữa hai nước vốn hiện hạn chế’.

Về phần mình, ông Bill Hayton nói ông không tin Việt-Mỹ sẽ sớm nâng cấp quan hệ trong thời gian tới vì Hà Nội đang thoải mái với tình trạng quan hệ hiện tại với Mỹ và Trung Quốc cho dù Washington có thúc ép nâng cấp quan hệ đi nữa. Tuy nhiên, ông cho rằng ‘có thể có bất ngờ’.

“Giới lãnh đạo Việt Nam hiện tại rất giỏi trong việc nói với người Mỹ những điều họ muốn nghe nhưng vẫn bảo vệ mình trước sức ép của Mỹ,” ông phân tích.

Trong trường hợp Hà Nội và Washington nâng cấp quan hệ, Bắc Kinh có thể phản ứng ‘bằng nhiều cách’, chẳng hạn như tiến hành khảo sát địa chất trong thềm lục địa Việt Nam, đóng cửa khẩu đối với hàng nông sản Việt Nam, xây đập ở thượng nguồn sông Mekong và sông Hồng, và tăng cường chi phối Lào và Campuchia, các nước láng giềng sát nách với Việt Nam, theo Tiến sỹ Abuza.

Trở ngại nhân quyền

Từ Hà Nội, nhà văn Phạm Viết Đào, tác giả nhiều cuốn sách về chiến tranh biên giới Việt-Trung, cho rằng sẽ có hậu quả cho Hà Nội từ phía Trung Quốc nếu họ muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ.

“Tất nhên họ sẽ gây thiệt hại tức thời cho Việt Nam nhưng không vì thế mà Việt Nam sụp đổ,” ông nói. “Những hành động gây hấn trên Biển Đông, đóng cửa biên mậu chỉ kích hoạt thêm tinh thần chống Trung Quốc của người Việt.”

Theo nhà văn này thì nâng cấp quan hệ với Mỹ ‘là lẽ sống còn đối với Việt Nam vào lúc này’.

“Trung Quốc ngày càng lộ tham vọng xí phần, tranh chấp quyết liệt, đòi độc chiếm Biển Đông,” ông giải thích. “Việt Nam không thể đơn độc đối phó khi Trung Quốc càng công khai bày tỏ tham vọng bá quyền nước lớn.”

Ông Đào cũng cảnh báo các lãnh đạo Hà Nội cảnh giác với ‘những lời lẽ đường mật, đầu môi chót lưỡi của Bắc Kinh’. “Khi Trung Quốc giương ngọn cờ 4 tốt, 16 chữ vàng chính là lúc Việt Nam phải gánh chịu hàng chục dự án hợp tác với Trung Quốc với số tiền lên tới gần trăm tỷ đô la không hiệu quả,” ông chỉ ra.

Tuy nhiên, quan hệ Việt-Mỹ vẫn ‘còn bị che phủ trong nhiều mây mù’ vốn vẫn chưa tan hết, gây cản trở cho việc nâng cấp quan hệ, ông Đào nói và nhấn mạnh vấn đề nhân quyền.

“Liệu những người cộng sản Việt Nam có chịu hợp tác toàn diện với Mỹ trong nhiều lĩnh vực trong đó có việc chăm sóc quyền con người?” ông Phạm Viết Đào đặt vấn đề. “Hay là Đảng tiếp tục khư khư quan điểm đã nhỡ theo cộng sản Tàu, cộng sản Nga rồi thì theo cho đến chết?”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG