Mặc dù có những tín hiệu tích cực như có cán bộ ngân hàng nhà nước bị bắt để điều tra, được công an tiếp nhận đơn kiện SCB và được một số báo lên tiếng bênh vực, các nạn nhân vẫn mòn mỏi chờ đợi kết luận điều tra vụ lừa đảo trái phiếu ở ngân hàng SCB với hy vọng sớm lấy lại được tiền, theo tìm hiểu của VOA.
Tín hiệu tích cực
Đã gần 8 tháng kể từ khi xảy ra vụ đổ bể trái phiếu công ty An Đông thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan mà ngân hàng SCB bị tố cáo là đứng ra dụ dỗ các nạn nhân vào tròng, hơn 40 ngàn nạn nhân trên khắp cả nước vẫn ròng rã mỗi ngày lên các chi nhánh của SCB biểu tình phản đối và đòi tiền.
Hiện vụ án ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ của bà Trương Mỹ Lan vẫn đang trong vòng điều tra kín của công an và nạn nhân vẫn chưa biết được bất kỳ thông tin gì. Trong khoảng thời gian này, tài sản của các nạn nhân vẫn đang bị mắc kẹt, không rút được cả lãi lẫn gốc.
Trong khi đó, trong vụ lừa đảo bảo hiểm Manulife cũng tại ngân hàng SCB, cơ quan chức năng đã chỉ đạo xử lý quyết liệt và Manulife đã đồng ý hoàn tiền cho một số nạn nhân. Điều này làm dấy lên hy vọng cho các nạn nhân trái phiếu rằng họ cũng sẽ được đền tiền.
Công an cũng đã bắt đầu tiếp nhận đơn kiện của họ. Cụ thể, hôm 28/4, Cơ quan cảnh sát cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức nhận đơn kiện tập thể của 92 cá nhân tố cáo SCB đã có hành vi chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, hôm 28/3, bà Đỗ Thị Nhàn, cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, cùng 4 cán bộ Ngân hàng nhà nước đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì đã ‘báo cáo không trung thực’ việc thanh tra ngân hàng SCB. Đây là những cán bộ đầu tiên bị bắt trong vụ bê bối SCB, làm dấy lên đồn đoán về sự tiếp tay của các cơ quan Nhà nước.
Nếu tính luôn 5 bị can này thì cho đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố 32 bị can liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, trong đó có bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn.
Báo chí trong nước cũng bắt đầu có những bài viết bênh vực các nạn nhân SCB, chẳng hạn như báo Lao Động đã gọi vụ việc là ‘sập bẫy trái phiếu SCB’, cho rằng có sự ‘nhập nhằng giữa trái phiếu và tiết kiệm’ và ‘Có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự SCB’. Tờ báo này cũng mô tả các nạn nhân trái phiếu là ‘tuổi già ốm đau, tiền để dành có nguy cơ mất trắng’. Trong khi đó, trang mạng Dân trí chạy những dòng tít như ‘Nạn nhân nếm trái đắng trái phiếu SCB’, ‘Rớt nước mắt với những cảnh đời hẩm hiu mắc kẹt trái phiếu tại SCB’.
‘Chưa thấy ánh sáng’
Trao đổi với VOA dưới tên giả là ‘Nguyên Anh’ vì hiện đang giấu ba mẹ về việc ‘lỡ mang tiền mua trái phiếu’ do ‘sợ ba mẹ đổ bệnh’, một nạn nhân trái phiếu SCB ở Bình Dương nói việc đi đòi quyền lợi của cô ‘chưa thấy tiến triển gì’.
Cô Nguyên Anh nói cô cảm thấy buồn trước sự khác biệt trong cách giải quyết giữa trái phiếu và bảo hiểm đều ở SCB. “SCB gian dối bán bảo hiểm thì thấy Nhà nước chỉ đạo nhanh và quyết liệt còn chưa thấy cơ quan nào đứng ra lên tiếng bảo vệ cho những người đã lỡ mua trái phiếu của SCB,” cô chỉ ra.
Về việc bà Đỗ Thị Nhàn bị bắt, cô cho rằng ‘có sự lỏng lẻo của các cơ quan quản lý Nhà Nước’ và nhận định ‘tham nhũng còn nhiều lắm’. “Cũng vì tham nhũng mà bà Nhàn đã gian dối trong việc thanh tra không đúng về SCB,” cô Nguyên Anh lập luận.
Cô thừa nhận cái sai của những nạn nhân như cô là ‘thiếu hiểu biết và quá tin vào ngân hàng’ nhưng cô cho rằng ‘họ chỉ đem tiền vào ngân hàng gửi tiết kiệm chứ đâu có biết đầu tư hay kinh doanh gì đâu? Họ chỉ mong lấy lãi để sống thôi’.
"Nhà nước phải bảo vệ họ," cô nói.
“Nếu muốn đầu tư chứng khoán thì người ta đâu có đi vô ngân hàng chi?” cô chỉ ra trách nhiệm của ngân hàng SCB trong việc dẫn dụ người dân sập bẫy trái phiếu.
“Nhưng tôi buồn là SCB lại lên tiếng là họ chỉ môi giới cho người dân có nhu cầu. Có ai biết trái phiếu là gì đâu mà có nhu cầu? Do nhân viên SCB tự giới thiệu thôi,” cô nói thêm và cho biết bản thân cô là khách hàng gửi tiết kiệm lâu năm của SCB nên ‘tin tưởng vào sự giới thiệu của ngân hàng’ dù cô ‘không biết gì về trái phiếu’.
Cô Nguyên Anh cho biết sau khi xảy ra sự việc cô đã suy sụp và ban đầu ‘rất hận nhân viên SCB đã tư vấn cho cô’. “Nhưng nghĩ lại họ cũng chỉ là người làm công ăn lương, chỉ tiêu cấp trên giao thì họ ráng tư vấn thôi,” cô giãi bày.
‘Cần công bố thông tin’
Từ thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi với VOA, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng nhiều năm làm việc ở Mỹ, nhận định rằng việc bắt giữ bà Đỗ Thị Nhàn cho thấy ‘có thể có sai phạm trong việc thanh tra những giao dịch của Vạn Thịnh Phát tại SCB’.
Ông cho rằng cơ quan công an ‘cần công bố kết quả điều tra bà Nhàn’ cho công chúng biết để xác định được trách nhiệm của cơ quan nhà nước đến đâu trong vụ trái phiếu SCB.
Nếu bà Nhàn được xác định có vi phạm trong thanh tra và SCB được xác định có vi phạm trong việc bán trái phiếu cho người dân thì ‘SCB phải có tránh nhiệm bồi thường thiệt hại’, theo lời vị chuyên gia này.
Ông Hiếu phân tích rằng nếu SCB có bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu họ chào bán thì trong trường hợp An Đông không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư thì ‘SCB sẽ thanh toán’.
Tuy nhiên, trong trường hợp này ‘có lẽ SCB không có bảo lãnh thanh toán’, ông nhận định.
“Có thể họ đã có những ngôn ngữ làm cho nhà đầu tư hiểu lầm về vấn đề thanh toán,” ông nói thêm. “Hình như có nhân viên ngân hàng nói với khách hàng rằng quý vị cứ an tâm, nếu mua trái phiếu của An Đông thì khi nào quý vị cần lấy lại thì ngân hàng sẽ thanh toán cho quý vị.”
Về phần mình, cô Nguyên Anh nói cô mong công an công bố kết quả điểu tra càng sớm càng tốt ‘để có thể phát mại tài sản tài sản của Vạn Thịnh Phát để trả lại tiền cho người dân’.
“Niềm tin của tôi vào SCB đã hoàn toàn mất, thậm chí bây giờ tôi còn có sự nghi ngờ khi chọn lựa ngân hàng khác để giao dịch sau này. Chỉ khi nào sớm trả tiền lại cho nạn nhân trái phiếu SCB thì thị trường ngần hàng, trái phiếu mới ổn định lại,” cô nói.
Cô nói cô không tham gia xuống đường đòi tiền như các nạn nhân khác vì ‘sợ sẽ có người nhận ra và sự việc sẽ đến tai ba mẹ’ và một phần vì cô ‘vẫn còn chút hy vọng và niềm tin vào Nhà nước’.
“Mong có ông lớn nào đó thấu hiểu, thông cảm và bảo vệ người dân chứ kinh tế mấy năm nay tệ quá, bản thân tôi cũng phải dè sẻn chi tiêu nên mong mỏi từng ngày nhận lại đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình,” cô nói.
Về cách giải quyết của chính quyền, cô nói cô hiểu ‘Nhà nước chưa công bố thông tin sợ dư luận không hiểu vấn đề lại hoang mang’.
“Kinh tế đang khó khăn, Nhà nước cũng phải bảo vệ ngân hàng SCB vì nếu để một ngân hàng sụp đổ thì sẽ có những hệ lụy rất to lớn,” cô phân trần. “Nhưng thà làm suy sụp một tập đoàn mà cứu lấy tiền mồ hôi của người dân thì mới gọi là giải quyết đúng vấn đề.”
“Bây giờ người dân chỉ cần có một cơ quan nào đó đứng ra cam kết sẽ giúp các nạn nhân lấy được tiền gốc thôi là họ đã mừng rồi. Họ không muốn thấy một ngân hàng phá sản. Họ không muốn một tập đoàn tan vỡ, họ không muốn biết có ông lớn nào đứng sau hay không mà đơn giản họ chỉ muốn biết có nhận lại được tiền của mình hay không và thời gian là khi nào,” cô Nguyên Anh nói thêm và cho rằng chính vì các nạn nhân không nghe thông tin gì nên cảm thấy bất an và từ đó mới có chuyện tụ tập đông người, kêu gào thảm thiết’.
“Tôi chưa già mà còn suy sụp, huống chi nhìn những người lớn tuổi đi biều tình thấy thương lắm,” cô nói.
Diễn đàn