Ngân hàng SCB, vốn bị tố cáo dụ dỗ khách hàng gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu, đang bị điều tra sau khi có đơn tố cáo họ biến tiền gửi tiết kiệm của người dân thành hợp đồng mua bảo hiểm, báo chí trong nước đưa tin.
Cục quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính cho biết họ đã nhận được đơn tố cáo của người dân về hành vi lừa đảo của SCB và đã chuyển đơn sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Bộ Công an để xử lý, tờ Người Lao Động đưa tin.
Theo đó, SCB được cho là có ‘hành vi giả mạo’ để ký hợp đồng mua bảo hiểm cho các khách hàng đến gửi tiết kiệm. SCB là đại lý của công ty bảo hiểm Manulife Vietnam và các nhân viên của họ khi tiếp xúc khách hàng cũng tư vấn, khuyến dụ khách hàng mua các gói bảo hiểm.
Các nguyên đơn yêu cầu truy tố tập thể và các cá nhân ‘lừa đảo’ ở SCB và yêu cầu ngân hàng này cùng Manulife phải phải trả tiền lại cho những khách hàng đã lỡ mua bảo hiểm.
Theo Người Lao Động thì các khách hàng bị lừa cho biết họ đã bị nhân viên SCB ‘tư vấn không rõ ràng’ về mua bảo hiểm. Mặc dù mục đích ban đầu của họ là đi gửi tiết kiệm nhưng họ lại bị ngân hàng lèo lái sang mua gói bảo hiểm Tâm An Đầu tư của Manulife.
Tờ Tiền Phong dẫn lời một số nạn nhân cho biết ngân hàng SCB đã ‘lập lờ thông tin’ khi tư vấn về bảo hiểm, chẳng hạn như nói rằng đó là ‘sản phẩm đầu tư của SCB kết hợp với Manulife’ hay chỉ tư vấn tập trung vào lãi suất mà không phân tích về tính hiệu quả tài chính hay nhu cầu bảo hiểm của khách hàng.
“Các tư vấn viên tự ý điền thông tin của khách hàng không đúng với thu nhập thực tế, khai khống con số và thậm chí giả mạo chữ ký của khách hàng trong một số giấy tờ,” Tiền Phong dẫn lời một khách hàng có tên là Diễm Trinh cho biết.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đang đề xuất quy định nhân viên tư vấn bảo hiểm ở ngân hàng phải ghi âm toàn bộ nội dung tư vấn cho khách hàng và lưu lại trong thời hạn ít nhất 5 năm trong dự thảo hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Ngân hàng tai tiếng này cũng đang đối diện đơn tố cáo lên công an của nhiều nạn nhân cáo buộc họ bị SCB ‘tư vấn không trung thực’, ‘bị lường gạt mua trái phiếu An Đông như là sản phẩm tiết kiệm linh hoạt của chính ngân hàng’ mặc dù lúc đầu họ lên ngân hàng với mục đích là gửi tiết kiệm. Hiện chưa rõ cơ quan công an đã xử lý đơn kiện của các nạn nhân trái phiếu của SCB như thế nào.
Ngân hàng SCB vẫn đang bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt sau vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan – chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát – hồi tháng 10 năm ngoái và vụ đổ bể trái phiếu công ty An Đông của tập đoàn này do SCB chào bán ra công chúng.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn