Đường dẫn truy cập

Nắn gân


Tàu thăm dò Binh Minh 02 bị tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò
Tàu thăm dò Binh Minh 02 bị tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò

Các lãnh đạo Trung Quốc luôn theo đúng sách của Tôn Tử thời xưa. Trước khi khởi sự việc quân lớn, cần nghiên cứu kỹ lưỡng đối phương về mọi mặt. Cần có những đòn thăm dò thử sức, những màn giáo đầu bắt mạch, những hành động sơ khởi nắn gân. Lại còn cho kẻ do thám đối phương xem nét mặt họ tái xanh vì run sợ hay đỏ mặt vì căm tức, hay là điềm tĩnh bất biến vì tự tin. Có những đòn hiểm nhằm nắn gân 3, 4 đối thủ cùng một lúc, nhằm reo rắc nghi ngờ, chia rẽ, dò xét các mối quan hệ chồng chéo, đan xen nhau. Sau những màn bắt mạch, nắn gân, dò xét như thế các quân sư cùng các đế vương mới họp bàn, hạ quyết sách, huy động binh lực, phác họa nhiều sơ đồ hành động, đi những nước cờ có ý nghĩa quyết định.

Không phải ngẫu nhiên mà suốt 3 tháng nay, trên các mạng internet của chính quyền Bắc Kinh, của bộ Quốc phòng Trung Quốc nổi lên giọng điệu ngang ngược, thái độ kiêu ngạo nước lớn sặc mùi thuốc súng. Họ thị uy về tên lửa này, tầu ngầm nguyên tử nọ, hàng không mẫu hạm kia. Người phát ngôn Khương Du luôn khẳng định cả vùng Nam Hải - tức Biển Đông - là thuộc chủ quyền không cần bàn cãi, thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Trung Quốc. Sau khi tàu hải giám Trung Quốc vào sâu trong vùng lãnh hải Việt Nam, ngang nhiên cắt đứt dây cáp của tàu Việt Nam Bình Minh 2, bà Khương Du lên giọng cho rằng việc làm của họ là cần thiết, hợp lý, và đòi phía Việt Nam phải dời tàu của mình đi nơi khác. Các nhà quan sát quốc tế cho rằng phía Bắc Kinh đã cố tình khiêu khích, cho tàu vào sâu lãnh hải Việt Nam cách mũi Đại Lãnh của Việt Nam có 140 kilômét, cách đảo Hải Nam của họ đến 360 kilômét, vi phạm rõ rệt những quy định về Luật Biển.

Bắc Kinh muốn nắn gân phía Việt Nam ta ư? Thì mọi sự đã rõ. Từ Nam chí Bắc, nhân dân ta tỏ rõ sự căm giận hành động thô bạo của Bắc Kinh, điều này thể hiện quá rõ khi ngay các báo chí lề phải xưa nay chuyên ca ngợi mối tình gắn bó keo sơn “16 chữ vàng và 4 tốt” cũng đã đổi giọng, lên án mạnh mẽ hành động ngang ngược phạm luật quốc tế của phía Trung Quốc. Một số trí thức, luật gia còn yêu cầu nhà nước đưa ngay vụ này ra trước Tòa án Quốc tế về Biển. Một số cán bộ yêu cầu tàu quân sự thuộc hải quân hộ tống và bảo vệ an toàn của các tàu thăm dò và khoan dầu trong vùng biển của ta.

Lịch sử nước ta, từ thế kỷ 12, 13 đến thế kỷ 16, 17, cho đến đầu năm 1979, có bao giờ ngán quân xâm lược bất kỳ ở đâu đến, đặc biệt là các kẻ bành trướng phương Bắc. Bao giờ cũng vậy, cả nước một lòng, không quản khó khăn, không nề hy sinh, già trẻ gái trai đều xả thân vì vẹn toàn của tổ quốc, vì an toàn của nhân dân. Cái “gân” cứng cáp, vững bền của dân tộc, xưa nay vẫn nguyên vẹn, nắn làm gì cho phí công.

Còn nắn gân thế giới, nắn gân các nước Đông Nam Á ư? Cũng quá rõ rồi. Hẳn Bắc Kinh đã hiểu các cường quốc lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ… đều có chung chiến lược không chút giấu giếm là ngăn chặn sự lớn mạnh, sự bành trướng về quân sự, kinh tế tài chính của Trung Quốc, trước hết là vì về bản chất chế độ chính trị ở Trung Quốc - chế độ cộng sản, độc đảng, phản dân chủ - là một chế độ lạc hậu, lạc lõng, một nguy cơ đe dọa nền an ninh và phát triển của toàn thế giới. Ở Đông Nam Á cũng vậy.

Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines đều xung khắc về bản chất với Trung Quốc, các mối quan hệ quân sự, kinh tế, tài chính, đầu tư đều chứa đựng nhiều bất trắc khó lường, Trung Quốc lại thiếu hẳn những mũi nhọn khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhất làm tăng đáng kể giá trị của sản phẩm.

Còn về quân sự, mọi người đã hiểu, vừa qua Trung Quốc đã quá chủ quan, nóng vội, huênh hoang không phải lúc theo kiểu “chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng”. Theo các chuyên gia quốc tế, họ phải cần 8 năm đến 12 năm nữa mới có thể đạt mức tiên tiến của thế giới hiện nay về lực lượng không quân, hải quân cũng như về tên lửa liên lục địa. Về kỹ thuật hiện đại, hầu như các phương tiện kỹ thuật nào cũng có một vài bộ phận then chốt phải nhập khẩu. Chỗ yếu trí mạng của nền kinh tế - quốc phòng Trung Quốc chính là ở chỗ chưa hoàn toàn tự chủ.

Một chỗ yếu không nhỏ nữa của Trung Quốc là từ đầu năm nay, khi xuất hiện làn sóng đấu tranh sâu rộng mùa Xuân 2011 trong vùng Bắc Phi, Tây Phi, Trung - Cận Đông, cả thế giới dân chủ bừng dậy, ủng hộ mạnh mẽ phong trào quần chúng tiến bộ này, bằng cả biện pháp can thiệp công khai bằng không quân có hiệu quả, tất cả các chế độ độc đoán, độc đảng còn tồn tại như Trung Quốc đều lâm hẳn vào thế suy yếu, thế bị động phòng ngự để mong tồn tại. Điều này Bắc Kinh chẳng cần nắn gân hay thăm dò ai, mọi sự đã rõ như ban ngày.

Thật ra, có thể nói thẳng ra rằng điều chính quyền bành trướng Bắc Kinh muốn biết rõ thái độ sẽ ra sao khi có biện pháp mạnh với Việt Nam, đối tượng mà họ muốn nắn gân thật sự chính là cơ quan lãnh đạo và cầm quyền ở Việt Nam, cụ thể là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương Đảng CSVN. Trước đây tất cả 14 vị trong bộ chính trị đều ca ngợi “16 chữ vàng", đều tán dương đảng CS Trung Quốc là “đồng chí tốt”, Trung Quốc XHCN là gương sáng để học tập về mọi mặt. Bây giờ các “đồng chí tốt” này đã trở mặt, phơi bày tệ bành trướng hung hãn, ngang nhiên xâm phạm lãnh hải, chủ quyền đất nước, thì Bộ Chính trị đảng CSVN cần có thái độ ra sao? Vẫn kiên trì con đường mà nguyên bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gọi là “con đường Bắc thuộc mới”, hay là đi theo nhân dân, theo dân tộc, theo thế giới dân chủ văn minh?

Đây là vấn đề lớn nhất, vấn đề sinh tử của dân tộc ta hiện nay.

Bộ Chính trị nắm toàn quyền cai trị đất nước phải có thái độ rõ ràng, minh bạch trước quốc dân đang chất vấn, khi Tổ quốc lâm nguy. Bộ Chính trị hãy công khai công bố lập trường, thái độ, và hãy thực hiện những việc làm cấp bách theo hướng đã chọn.

Nếu đi với nhân dân, chính phủ cần đưa ngay vấn đề nói trên ra Hội đồng Bảo an LHQ, ra Toà án Quốc tế về thi hành Luật Biển: Bộ Quốc phòng cần huy động hải quân bảo vệ an toàn cho tàu thăm dò, khai thác dầu khí, cho ngư dân làm ăn trong vùng lãnh hải quốc gia. Chính quyền cũng cần trả ngay tự do cho những công dân yêu nước chống bành trướng, công nhận Ls Lê Chí Quang từng bị tù vì bài báo rất sớm “Hãy cảnh giác với Bắc triều” là bị tù môt cách phi lý và phi pháp; hãy lập tức trả tự do, xin lỗi cô Phạm Thanh Nghiên đang bị tù vì đã tọa kháng trước biểu ngữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, và hàng loạt việc làm cần thiết khác theo hướng ấy.

Cơ quan lãnh đạo đảng CS và nhà nước không thể nhập nhằng, nước đôi trong tình thế hiện nay. Họ cần tỏ rõ trong người họ còn dòng máu Việt Nam thuần khiết, họ thật sự là con cháu Bà Trưng Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung, họ cần thể hiện rõ gân cốt cường tráng, vững bền của dân tộc mình cho đối phương nắn thử và mở mắt. Không thể nào khác được.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG