Đường dẫn truy cập

Libya: Bước vào tháng 6 khẩn trương


Khói bốc lên sau các cuộc không kích của NATO ở Libya
Khói bốc lên sau các cuộc không kích của NATO ở Libya

Bước vào tháng 6, tình hình Libya trở nên khẩn trương hơn trước. Các nước thành viên của NATO, nhận trách nhiệm trước Liên Hiệp Quốc dùng không quân để bảo vệ cuộc sống của nhân dân Libya chống sự đàn áp của chính quyền Gadhafi, đang quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong tháng này.

Nghị quyết 1973 được Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 17-3-2011 với đa số thành viên của Hội đồng Bảo an đã quy định cuộc can thiệp quân sự quy mô lớn này của LHQ sẽ hạn chế trong không gian và thời gian. Trong không gian, chỉ dùng không quân,trong thời gian, là thực hiện trong 90 ngày. Sau 90 ngày Hội đồng Bảo an sẽ họp lại và quyết định tùy theo tình hình.

Cuộc can thiệp quân sự bắt đầu từ ngày 19-3, đến 18-6 là tròn 90 ngày.

Ngay từ cuối tháng 5, Anh và Pháp đã phối hợp thống nhất hành động, tăng cường các cuộc oanh kích vào thủ đô Tripoli và 1 số nơi khác, nhằm sớm kết thúc cuộc can thiệp.

Đợt oanh kích đầu tiên từ ngày 19-3 tiêu diệt gần 1 nửa lực lượng không quân của Libya – gồm hơn 100 máy bay MiG-21, MiG-23 và 30 máy bay Su-22, đợt thứ 2 từ ngày 30-4 đã loại hẳn lực lượng không quân, làm tê liệt các sân bay, diệt quá nửa lực lượng pháo binh và xe tăng, đánh phá hầu hết các sở chỉ huy và các trung tâm thông tin quân sự. Đợt thứ 2 này cũng đã làm bộ máy chính quyền cũ tan vỡ từng mảng lớn, nhiều tướng lĩnh, sỹ quan của Gadhafi hoặc bỏ trốn, hoặc gia nhập hàng ngũ nổi dậy, quá nửa số lính đánh thuê ngoại quốc buông súng. Gần đây nhất, bộ trưởng dầu mỏ, cánh tay phải của Gadhafi là Choudri Ghanem từ nhiệm, vợ và con gái Gadhafi chạy sang Tunisia tỵ nạn.

Hiện nay đợt tấn công thứ 3 đã bắt đầu, các máy bay của Pháp, Anh, Ý và Đan Mạch được huy động ở mức cao hơn, đặc biệt là các trực thăng vũ trang của Pháp và của Anh đóng vai trò quyết định, vì tính cơ động và tính chính xác của loại vũ khí này. Tàu chở máy bay trực thăng của Pháp mang tên Le Tonnerre (Sấm Sét) cùng với tàu chở trực thăng Ocean (Đại Dương) của Anh là 2 phương tiện lợi hại nhất. Để cho các cuộc tấn công được chính xác, vài chục chuyên gia quân sự của Pháp, Anh, Hoa Kỳ và Ý thuộc không quân, thông tin, tình báo quân sự đã được đưa vào Libya từ cuối tháng tư để cùng lực lượng nổi dậy hướng dẫn các cuộc oanh tạc của NATO được chính xác. Máy bay quan sát không người lái của Hoa Kỳ góp phần rất đắc lực. Mặt khác, ngày 27-5 bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox cho các báo biết máy bay Anh sẽ dùng loại bom mới mang tên Paveway III có sức công phá lớn các công sự ngầm. Ngày 27-5 vừa qua tại cuộc họp thượng đỉnh G8, các nhà lãnh đạo Pháp, Hoa Kỳ, Anh, Ý, Canada và cả Nga đều cảnh báo mạnh mẽ và nghiêm khắc Gadhafi, nói rõ ông ta “không còn thời gian”, ông ta “không có tương lai”, ông ta “phải từ chức, phải ra đi, không còn sự lựa chọn nào khác”. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cho rằng “tình hình Libya sẽ kết thúc sớm, như một quả đã chín”.

Với tình hình trên đây, có thể thấy bước vào tháng 6, thế trận ở Libya sẽ khẩn trương hơn hẳn các tháng trước. Các nước NATO quyết tâm dứt điểm, không để cho tình hình nhùng nhằng kéo dài, thúc đẩy cuộc Cách mạng mùa Xuân trong thế giới Ả-rập, với 1 thái độ rõ ràng hơn, dứt khoát hơn về bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới.

Mới đây nhất, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã cùng Thủ tướng Đức Merkel khẳng định ông Gadhafi phải ra đi, để nhân dân Libya xây dựng đất nước trong hòa bình và tự do.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG