Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/3 chỉ trích những vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc, nói rằng đây là những sự sách nhiễu chưa từng thấy mà Bắc Kinh áp dụng với cộng đồng Hồi giáo thiểu số “kể từ những năm 1930.”
Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh đến những vi phạm nhân quyền tại Iran, Nam Sudan, Nicaragua và Trung Quốc trong “Báo cáo Nhân quyền Các nước” được công bố hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng ông nói với báo giới rằng Trung Quốc “vượt quá mọi vi phạm nhân quyền.”
“Theo tôi, chúng ta chưa từng thấy những việc như vậy kể từ những năm 1930,” ông Michael Kozak, người đứng đầu văn phòng phụ trách dân chủ-nhân quyền thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu tại cùng buổi thuyết trình khi nhắc đến những vi phạm nhân quyền sắc dân thiểu số Hồi Giáo tại Trung Quốc.
“Tập trung ước tính đến hàng triệu người, nhốt vào các trại, tra tấn, sách nhiễu, tìm cách bài trừ văn hóa và tôn giáo v..v..những gì từ trong máu mủ di truyền của người ta. Thật là khủng khiếp.”
Ông Kozak nói Trung Quốc lúc đầu phủ nhận có những trại tập trung nhưng bây giờ lại nói “có trại nhưng đây là những trại huấn luyện lao động và trại viên toàn là những người tự nguyện.”
Tỉnh trưởng Tân Cương ngày 12/3 cho biết Trung Quốc đang điều hành những trường nội trú, không phải những trại tập trung, tại vùng viễn tây Trung Quốc. Khu vực rộng lớn giáp ranh Trung Á là quê hương của hàng triệu người Uighur và những sắc tộc thiểu số Hồi Giáo khác.
“Chuyện đó không đúng với những dữ kiện mà chúng tôi và những người khác đưa ra, nhưng ít nhất chúng tôi bắt đầu cho họ thấy quốc tế đang hết sức chú ý chuyện này,” ông Kozak nói.
“Đây là một trong những vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất trên thế giới hiện nay.”
Phúc trình nói trong năm qua, chính phủ Trung Quốc gia tăng một cách đáng kể chiến dịch giam giữ hàng loạt các nhóm sắc tộc thiểu số Hồi Giáo tại vùng Tân Cương.
Vẫn theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhà cầm quyền tại đây đã giam giữ tùy tiện từ 800.000 người và có thể lên đến hơn 2 triệu người Uighur, sắc dân Kazakh và những người Hồi Giáo khác trong những trại giam nhằm xóa bỏ tôn giáo và bản sắc của họ.
Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng các giới chức chính phủ tại Trung Quốc tuyên bố là những trại tập trung này cần thiết để chống khủng bố, các phần tử đòi ly khai và những phần tử cực đoan. Tuy nhiên truyền thông quốc tế, các tổ chức nhân quyền và những cựu tù nhân báo cáo là các giới chức an ninh trại đã đối xử tồi tệ, tra tấn, và sát hại một số tù nhân.
Về tình hình nhân quyền Iran, phúc trình nói chính phủ Iran ‘vẫn tiếp tục cách đối xử tàn bạo mà chế độ đã áp dụng đối với người dân Iran trong 4 thập niên qua,’” đã giết hơn 20 người và bắt giữ hàng ngàn người không theo tiến trình pháp lý vì họ đã biểu tình đòi quyền lợi.
Tại Nam Sudan, báo cáo nhân quyền nói các lực lượng quân sự đã dùng bạo động tình dục chống lại thường dân, căn cứ trên sự trung thành chính trị và sắc tộc, trong khi tại Nicaragua, những người biểu tình ôn hòa bị bắn tỉa và những người chỉ trích chính phủ “bị buộc phải lưu vong, tù đày hay sát hại.”
Phúc trình cũng sửa lại việc mô tả thông thường vùng Cao nguyên Golan “bị Israel chiếm đóng” thành “do Israel kiểm soát.”
Một chương khác về vùng Bờ Tây và Dải Gaza bị Israel chiếm đóng cùng với Cao nguyên Golan trong cuộc chiến 1967 tại Trung Đông, cũng không đề cập đến những lãnh thổ này là bị “chiếm đóng,” hay dưới “sự chiếm đóng.”