Đường dẫn truy cập

Việt Nam bị tố ‘xảo ngôn’ về Công ước ICCPR tại Geneva


Đoàn chính phủ Việt Nam tại phiên đối thoại Ủy ban Nhân quyền LHQ, Geneva, Thụy Sĩ, hôm 12/3/2019. Photo WebTV.UN
Đoàn chính phủ Việt Nam tại phiên đối thoại Ủy ban Nhân quyền LHQ, Geneva, Thụy Sĩ, hôm 12/3/2019. Photo WebTV.UN

Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ các quyền dân sự, chính trị tại một phiên họp của Uỷ ban Nhân quyền LHQ tại Geneva hôm 11-12/3 nhưng các nhà quan sát chính trị nói với VOA rằng những phát biểu của phái đoàn Việt Nam không phản ánh sự thật vi phạm nhân quyền ở trong nước.

Nhà báo độc lập Nguyễn Kim Chi nói bà cảm thấy thất vọng về các ý kiến của phía Việt Nam trong phiên đối thoại này:

“Tôi cũng như nhiều người theo dõi phiên điều trần này cảm thấy thất vọng về những điều phía Việt Nam tuyên bố ở đây. Tôi nghĩ rằng đó là một sự thật mà chúng tôi không hy vọng hay chờ đợi điều gì (thay đổi) lớn từ phiên điều trần này.”

Tôi cũng như nhiều người theo dõi phiên điều trần này cảm thấy thất vọng về những điều phía Việt Nam tuyên bố ở đây.
Bà Nguyễn Kim Chi

Trong hai ngày 11 và 12/3, tại Geneva, Thụy Sĩ, Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc đã tổ chức Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR).

Một phái đoàn của chính phủ Việt Nam gồm 20 thành viên do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu. Trong đoàn còn có các đại diện của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ và các các cơ quan khác.

Phiên đối thoại hôm 12/3 được tường thuật trực tiếp. Theo quan sát của VOA, các đại diện Việt Nam về phần lớn đọc các văn bản pháp luật được chuẩn bị sẵn và không đi vào chi tiết hay trả lời các thắc mắc của các chuyên gia LHQ.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc nói tại phiên đối thoại:

“Tôi xin dành mấy ý để cả thành viên Uỷ ban hiểu được những gì đã xảy ra tại Việt Nam. Tất cả những gì băn khoăn liên quan đến Công ước và pháp luật Việt Nam thì các đại diện Việt Nam đã nói rồi. Toàn bộ nội dung Công ước đã được chuyển hóa đến hệ thống pháp luật Việt Nam. Qúy vị hãy đọc thật kỹ Hiến pháp Việt Nam để thấy các nội dung này. Không chỉ Hiến pháp Việt Nam mà rất nhiều đạo luật cụ thể mà các đại diện các bộ ngành cụ thể đã trình bày các quyền đó được cụ thể tại các luật như thế nào.”

Bà Nguyễn Kim Chi nói: “Họ báo cáo chung chung, không cụ thể, và không đúng với thực trạng đang diẽn ra. Chúng tôi cũng không tin vào những lời hứa của Chính quyền Việt Nam như đã phát biểu tại đây.”

Ông Phạm Lê Vương Các, người theo dõi các phiên đối thoại ICCPR của Việt Nam trong hai ngày qua, cũng đồng ý với nhận xét đó:

“Phái đoàn Việt Nam trả lời một cách chung chung. Chính quyền Việt Nam hầu như phủ nhận tất cả những cáo buộc vi phạm các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam.

“Họ còn đưa ra các lý luận, nói chính xác là các xảo ngôn để né tránh vấn đề. Chẳng hạn như Uỷ ban Nhân quyền hỏi có hay không việc biệt giam tại Việt Nam. Phái đoàn VN trả lời rằng ở VN không có biệt giam, và biệt giam không có trong khái niêm luật pháp của Việt Nam, nhưng họ lại nói ở VN chỉ có hình thức giam riêng.

Họ còn đưa ra các lý luận, nói chính xác là các xảo ngôn để né tránh vấn đề.
Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các

“Qua đó cho thấy phái đoàn VN thiếu đi sự chân thành, cũng như né tránh nhìn nhận các hạn chế của mình đối với các quyền dân sự và chính trị tại VN.”

Đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông nói: “báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, và phát sóng,” và sau đó dẫn chứng việc hàng ngàn nhà báo nước ngoài được tự do đến Việt Nam đưa tin thượng đỉnh Mỹ- Triều vào tháng trước.

Tại hai phiên đối thoại, các thành viên Uỷ ban đã nêu một số vấn đề cụ thể như vấn đề tù nhân lương tâm, vấn đề tra tấn, việc tiếp cận dịch vụ y tế của người bị HIV, phân biệt đối xử với người thiểu số tin theo đạo Tin Lành, người Thượng Tây Nguyên, luật an ninh mạng, luật lao động, về bình đẳng và không phân biệt giới tính, tự do báo chí, đa nguyên chính trị… và cả vấn đề của lực lượng Cờ Đỏ được cho là thể hiện hận thù tôn giáo.

Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam phát biểu tại Gevena hôm 12/3/2019.
Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam phát biểu tại Gevena hôm 12/3/2019.

Một đại diện của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam nói về quyền tự do tín ngưỡng hôm 12/3.

“Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.”

Từ Tp. Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Ánh, một tín hữu của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Nam, nơi các tín hữu không được tự do nhóm họp tại Hội thánh An Đông trên đường Sư Vạn Hạnh, nói với VOA rằng những lời phát biểu của đại diện Ban Tôn giáo tại Gevena không đúng với sự thật.

Những điều họ nói là không đúng sự thật.
Tín hữu Tin Lành Võ Văn Ánh.

“Những điều họ nói là không đúng sự thật. Sự thật là họ đã chiếm đất đai thuộc nhà thờ, của giáo hội, của Hội Thánh Tin lành Việt Nam nói riêng, và những nơi thờ tự của các tôn giáo khác nói chung, rất là nhiều. Họ nói có tự do tôn giáo là một điều gian dối.”

Truyền thông trong nước vẽ ra một bức tranh hoàn toàn khác. Họ nói việc Việt Nam tham dự phiên họp của Ủy ban Nhân quyền lần này thể hiện “sự nghiêm túc của Việt Nam trong thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tình hình thực thi các cam kết quốc tế.”

Theo TTXVN thì kể từ khi Việt Nam nộp Báo cáo quốc gia lần thứ hai về việc thực thi Công ước ICCPR năm 2002 đến nay, Việt Nam “đã đạt được những bước tiến mới và thành tựu đáng khích lệ trong việc bảo vệ và phát huy quyền con người, quyền công dân, trong đó có các quyền dân sự và chính trị."

TTXVN dẫn lời Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nói: “Với tinh thần trách nhiệm, xây dựng, thiện chí và chân thành của đoàn Việt Nam cũng như các thành viên Ủy ban Nhân quyền, phiên họp tại Geneva đã thành công tốt đẹp.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG