Đường dẫn truy cập

Myanmar: Cảnh sát lại giải tán đám đông sau ngày đẫm máu nhất


 Người biểu tình chạy để tránh hơi cay do các lực lượng an ninh xịt vào đám đông ở Yangon hôm 1/3/2021. Bất chấp hơi cay, đạn thật, người chết, dân chúng vẫn kiên quyết xuống đường chống tập đoàn quân phiệt đã thực hiện cuộc đảo chính quân sự. (AP Photo)
Người biểu tình chạy để tránh hơi cay do các lực lượng an ninh xịt vào đám đông ở Yangon hôm 1/3/2021. Bất chấp hơi cay, đạn thật, người chết, dân chúng vẫn kiên quyết xuống đường chống tập đoàn quân phiệt đã thực hiện cuộc đảo chính quân sự. (AP Photo)

Cảnh sát Myanmar hôm 4/3 lại dùng hơi cay và nổ súng để phá vỡ các cuộc biểu tình tại nhiều nơi, nhưng ngay trong lúc này chưa có thông tin về con số thương vong, một ngày sau khi 38 người thiệt mạng trong ‘ngày đẫm máu nhất’ kể từ cuộc đảo chính tháng trước, theo Liên Hiệp Quốc.

Bất chấp bị đàn áp, giới hoạt động vẫn không nản lòng, họ nói họ từ chối chấp nhận chế độ cai trị của quân đội và quyết tâm gây sức ép để đòi trả tự do cho lãnh đạo chính phủ dân cử Aung San Suu Kyi, đồng thời đòi quân đội phải công nhận chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 năm ngoái.

Nhà hoạt động Maung Saungkha nói với Reuters:

“Chúng tôi biết là mình có thể bị bắn chết bằng đạn thật, nhưng cuộc sống không có ý nghĩa gì nếu phải sống dưới quyền của tập đoàn quân phiệt.”

Cảnh sát sau đó đã nổ súng và xịt hơi cay để phá vỡ các cuộc biểu tình ở Yangon và ở thị trấn Monywa, theo lời các nhân chứng. Truyền thông đưa tin cảnh sát Myanmar cũng nổ súng tại thị trấn Pathein, phía tây Yangon.

Tại thành phố này, đám đông biểu tình đã sớm tập hợp lại để hô khẩu hiệu và ca hát.

Nhiều đám đông lớn cũng tụ tập một cách ôn hòa ở những nơi khác, kể cả tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai và tại thị trấn lịch sử Bagan, nơi hàng trăm người tuần hành, mang theo ảnh của Suu Kyi và biểu ngữ có ghi hàng chữ: "Hãy trả tự do cho lãnh đạo của chúng tôi", các nhân chứng cho biết.

Trước đó trong ngày, 5 máy bay chiến đấu đã nhiều lần xà xuống thấp theo đội hình qua thành phố Mandalay, theo lời cư dân cho biết, trong một hành động dường như để phô trương sức mạnh quân sự.

Hôm thứ Tư, cảnh sát và binh sĩ đã nổ súng bằng đạn thật mà không cảnh báo trước tại nhiều thành phố và thị trấn.

Từ New York, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, cho biết đã có 38 người thiệt mạng ‘trong ngày đẫm máu nhất’ kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2.

Gia đình, thân nhân cầu nguyện bên quan tài một phụ nữ Hồi giáo mà gia đình nói đã bị quân đội giết chết hôm Chủ nhật. Ảnh chụp ngày 1/3/2021. (AP)
Gia đình, thân nhân cầu nguyện bên quan tài một phụ nữ Hồi giáo mà gia đình nói đã bị quân đội giết chết hôm Chủ nhật. Ảnh chụp ngày 1/3/2021. (AP)


Số ca tử vong mới nhất đã lên tới hơn 50 người giữa lúc quân đội đang cố áp đặt quyền hành của họ.

Richard Weir, một nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) nói:

“Các lực lượng an ninh Myanmar quyết trấn dẹp phong trào chống đảo chính bằng bạo lực bừa bãi và sự tàn bạo tuyệt đối”.

Có tin cho hay một người đàn ông đang bị câu lưu đã bị bắn vào lưng, theo HRW.

Tổ chức Cứu trợ Nhi đồng cho hay 4 trẻ em đã thiệt mạng hôm thứ Tư, kể cả một thiếu niên 14 tuổi bị một người lính ngồi trên xe tải đi ngang qua bắn chết, theo Đài Á Châu Tự do.

Một video của Đài Á Châu Tự do chiếu cảnh cảnh sát Yangon ra lệnh cho 3 nhân viên y tế bước ra khỏi xe cứu thương, rồi tấn công họ bằng báng súng và dùi cui. Reuters không thể kiểm chứng thông tin này một cách độc lập.

Một phát ngôn viên của hội đồng quân nhân cầm quyền không trả lời các cuộc gọi của Reuters yêu cầu bình luận.

Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi cho biết sẽ treo cờ rủ để tưởng nhớ các nạn nhân.

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Myanmar Schraner Burgener cho biết bà đã cảnh báo Phó Tổng tư lệnh quân đội Soe Win rằng quân đội Myanmar có thể bị một số nước trừng phạt và cô lập vì vụ đảo chính.

Bà cho biết ông này trả lời:

“Chúng tôi đã quen với các lệnh trừng phạt, và chúng tôi đã sống sót”.

Khi bà cảnh báo rằng quân đội sẽ rơi vào tình trạng cô lập, ông ta nói:

“Chúng tôi phải học cách xoay sở với ít bạn hơn”.

Các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận về tình hình Myanmar vào ngày thứ Sáu tới trong một phiên họp kín.

Trung Quốc từ chối, không lên án vụ đảo chính ở Myanmar. Hoa Kỳ nói rằng Mỹ trông đợi Bắc Kinh đóng một vai trò xây dựng trong vụ này.

Tình trạng rối loạn ở Myanmar đã làm các nước láng giềng ở Đông Nam Á lo lắng, nhưng cố gắng của một số nước cổ vũ cho đối thoại đã không mang lại kết quả.

Singapore, nước đầu tư lớn nhất tại Myanmar, khuyến cáo các công dân Singapore hãy sớm rời khỏi Myanmar khi còn có thể.

Ít nhất 19 cảnh sát Myanmar đã chạy sang Ấn Độ, họ sợ bị trừng phạt vì đã không tuân lệnh cấp trên đàn áp người biểu tình, một quan chức cảnh sát Ấn Độ nói với Reuters.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG