Đường dẫn truy cập

Không có đột phá nào cho Myanmar tại thượng đỉnh Đông Nam Á


Các bộ trưởng ngoại giao và đại diện của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trên màn hình của cuộc họp trực tuyến không chính thức, tại Putrajaya, Malaysia, vào ngày 2 tháng 3 năm 2021.
Các bộ trưởng ngoại giao và đại diện của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trên màn hình của cuộc họp trực tuyến không chính thức, tại Putrajaya, Malaysia, vào ngày 2 tháng 3 năm 2021.

Hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia Đông Nam Á được tổ chức hôm 2/3 để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar đã không tìm ra bất cứ đột phá nào để đưa quốc gia này trở lại con đường dân chủ sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng trước, Reuters dẫn các nguồn thạo tin về cuộc họp cho biết.

Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến của các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hối thúc chính quyền quân sự Myanmar cho phép khối này giải quyết căng thẳng đang leo thang.

Bà Marsudi nói sau cuộc họp: “Cần phải có sự hợp tác của cả hai phía. Thiện ý và sự sẵn sàng của ASEAN sẽ trở nên vô nghĩa nếu Myanmar không chịu mở cửa.”

Hai nguồn tin ngoại giao từ hiệp hội này cho biết ASEAN - vốn bao gồm các nền dân chủ, các quốc gia cộng sản, các chế độ độc tài và một chế độ quân chủ tuyệt đối - đã không tạo dựng được một quan điểm chung trong cuộc họp.

Tuyên bố về kết quả của cuộc họp từ chủ tọa cuộc họp, Brunei, nói rằng ASEAN bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar và kêu gọi “tất cả các bên kiềm chế, không xúi giục thêm bạo lực.”

Tuyên bố nói tiếp: “ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng.”

Trong phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cảnh báo việc không thể tìm được một quan điểm chung của ASEAN "sẽ nêu rõ sự thiếu đoàn kết của chúng ta và làm giảm uy tín và sự liên quan của chúng ta trong tư cách là một tổ chức."

Ông nói, việc sử dụng vũ khí sát thương đối với dân thường không có vũ khí là "không thể chấp nhận được."

Bà Retno, ông Balakrishnan và các bộ trưởng ngoại giao của Malaysia và Philippines kêu gọi Myanmar trả tự do cho những người mà quân đội bắt giữ trong cuộc đảo chánh, bao gồm nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi -- một quan điểm không được tất cả mọi người tán thành tại hội nghị thượng đỉnh.

Cuộc họp "không chính thức" này là cuộc họp đầu tiên có sự tham gia của nhóm 10 quốc gia Ðông Nam Á kể từ sau cuộc đảo chính và có cả Bộ trưởng ngoại giao được quân đội Myanmar bổ nhiệm Wunna Maung Lwin.

Bà Retno, ngoại trưởng của quốc gia đông dân nhất trong khu vực và nền dân chủ lớn thứ ba thế giới, đã dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao ASEAN và cứng rắn phản đối cuộc đảo chính.

Bà nói: “Việc khôi phục nền dân chủ trở lại đúng hướng cần phải được theo đuổi. Indonesia nhấn mạnh rằng ý chí, sự quan tâm và tiếng nói của người dân Myanmar phải được tôn trọng.”

Liên hợp quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đều kêu gọi ASEAN đóng vai trò trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar, nơi ít nhất 21 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh tìm cách dập tắt các cuộc biểu tình lớn.

Tuyên bố của Chủ tịch hội nghị cho biết ASEAN mong đợi một cuộc họp đặc biệt giữa các ngoại trưởng của khối này với Hoa Kỳ "trong tương lai gần."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG