Myanmar và nước láng giềng Bangladesh vừa hoàn tất một thỏa thuận để đưa về nước người Hồi giáo Rohingya đã chạy ra khỏi Myanmar để tránh một chiến dịch quân sự tàn bạo nhắm vào họ.
Bangladesh ra tuyên bố hôm thứ Ba 16/1 nói rằng những vụ hồi hương sẽ khởi sự vào tuần tới, mục đích là hoàn tất tiến trình này nội trong hai năm.
Chính quyền Bangladesh nói tiến trình hồi hương sẽ ưu tiên cho “các đơn vị gia đình” và trẻ mồ côi, cũng như “trẻ em sinh ra trong những trường hợp không mong muốn” – ám chỉ những đứa trẻ ra đời sau những vụ hãm hiếp. Theo thỏa thuận này, Bangladesh sẽ thành lập 5 trại chuyển tiếp để chuyển người tị nạn vào hai trung tâm tiếp cư tại bang Rakhine của Myanmar.
Tuy nhiên Hội Ân xá Quốc tế miêu tả thỏa thuận này là “quá sớm”, và nói rằng người Rohingya- vốn không hề được tham khảo ý kiến trước khi đạt thỏa thuận, không được bảo đảm là họ sẽ an toàn một khi trở về.
Ông James Gomez, Giám Đốc đặc trách Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Hội Ân xá Quốc tế, nói trong một tuyên bố ngày 16/1:
“Những hành động cản trở và chối bỏ trách nhiệm của nhà chức trách Myanmar không đưa ra bất cứ lý do nào khiến ta có thể hy vọng rằng các quyền của những người Rohingya trở về sẽ được bảo vệ, hoặc những lý do đã khiến họ phải bỏ nhà cửa chạy đi lánh nạn lúc ban đầu, giờ không còn nữa.”
Ông Gomez nhấn mạnh:
“Người Rohingya có toàn quyền được trở về sinh sống ở Myanmar, nhưng không nên quá vội vã buộc người dân phải trở vê với một hệ thống phân biệt sắc tộc. Bất cứ trường hợp cưỡng bức hồi hương nào cũng là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế.”
Ước lượng 650.000 người Rohingya đã chạy sang Bangladesh lánh nạn kể từ tháng 8 năm ngoái, khi các lực lượng Myanmar phát động một chiến dịch phóng hỏa đốt làng ở bang Rakhine để trả đữa các vụ tấn công do thành phần chủ chiến Rohingya thực hiện nhắm vào các chốt kiểm soát của cảnh sát Myanmar.
Người tị nạn sinh sống trong các trại đông đức tại quận Cox Bazar của Bangladesh, đã kể lại với các tổ chức nhân quyền về những hành động tàn bạo do các lực lượng an ninh Myanmar thực hiện, kể cả đốt nhà cửa và toàn bộ nhiều ngôi làng, nổ súng bừa bãi và hãm hiếp.
Liên Hiệp Quốc miêu tả những hành động do các lực lượng Myanmar thực hiện là “những hành động thanh tẩy chủng tộc tiêu biểu.”
Myanmar bác bỏ những câu chuyện được báo cáo là “phóng đại”, và quân đội Myanmar tuyên bố họ không có phạm bất cứ hành vi ngược đãi nào.