Đường dẫn truy cập

Mỹ tăng cường cuộc chiến chấm dứt nạn nô lệ mới


Kể từ năm 2001 tới nay, mỗi năm Bộ Ngoại giao Mỹ đều công bố phúc trình về nạn buôn người.
Kể từ năm 2001 tới nay, mỗi năm Bộ Ngoại giao Mỹ đều công bố phúc trình về nạn buôn người.

Tổng thống Barack Obama tuyên bố tháng Giêng là Tháng Phòng chống Buôn người và Tình trạng Nô lệ trên toàn quốc. Các quan chức hàng đầu của Mỹ hôm nay nhắc lại những cam kết chống nạn buôn người thông qua các nỗ lực liên ngành và những quan hệ đối tác giữa hai lĩnh vực công-tư.

Gọi buôn người là tổ chức kinh doanh tội phạm ‘nhiều tỷ đô la’, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ ra rằng cuộc chiến chống lại vấn nạn này là cả một vấn đề về nghĩa vụ đạo đức và an ninh quốc gia.

Phát biểu trong một cuộc họp cấp nội các tại Tòa Bạch Ốc, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh ‘Tôi tin rằng chúng ta có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này, nhưng quan trọng hơn cả, chúng ta bắt buộc phải chiến thắng. Trong thời buổi này, không thể để cho 20 triệu người bị nô lệ hóa và chờ đợi cho tới khi nào một chính phủ hay một cơ quan hữu trách có thể nhúng tay vào bảo vệ vì chúng ta cần phải ra tay.’

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng hằng năm có hơn 20 triệu người bị bắt làm nô lệ, nhưng chỉ 1% được xác minh.

Trong danh sách các ưu tiên về giám sát và phòng chống buôn người của Tòa Bạch Ốc có việc tăng cường các quy định của pháp luật, tài trợ các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân buôn người, ngăn chặn nạn buôn người trong các chuỗi cung ứng khu vực tư nhân và các nhà thầu hợp đồng cho liên bang, cũng như nâng cao nhận thức công chúng.

Một trong những sáng kiến được đưa ra bao gồm chương trình đăng ký mới giúp tăng cường bảo vệ cho những người lao động nội địa được thuê mướn tại các phái bộ nước ngoài ở Washington. Bộ Ngoại giao Mỹ dự kiến mở rộng chương trình đăng ký này đối với người lao động làm việc cho các tổ chức quốc tế trên khắp nước Mỹ.

Phúc trình buôn người

Mexico là nước cung cấp và cũng là đích đến của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán làm nô lệ tình dục và bị cưỡng bức lao động.
Mexico là nước cung cấp và cũng là đích đến của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán làm nô lệ tình dục và bị cưỡng bức lao động.

Vào tháng 7 năm ngoái, phúc trình về buôn người do Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện liệt kê Mexico là nước cung cấp và cũng là đích đến của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán làm nô lệ tình dục và bị cưỡng bức lao động.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Loretta Lynch, cho hay Bộ này cùng với Bộ An ninh Nội địa đã làm việc với các đối tác thực thi pháp luật của Mexico để tăng cường điều tra và truy tố các mạng lưới buôn người hoạt động xuyên biên giới.

Bà Lynch nói ‘Từ năm 2009, nỗ lực song phương đã dẫn tới việc chính phủ liên bang Hoa Kỳ truy tố hơn 170 bị can, trên 40 vụ truy tố ở Mexico đối với các tay buôn người có liên quan tới mạng lưới này, và việc dẫn độ 8 bị cáo từ Mexico sang Mỹ. Quan trọng hơn, nỗ lực này đã đưa tới việc giải cứu hơn 200 nạn nhân và nhất là giải cứu con trẻ của trên 20 nạn nhân từ các mạng lưới buôn người.’

Theo quy định pháp luật, kể từ năm 2001 tới nay, mỗi năm Bộ Ngoại giao Mỹ đều công bố phúc trình về nạn buôn người. Dù đề ra các tiêu chuẩn tối thiểu rõ ràng để bài trừ nạn buôn người, nhưng một số chuyên gia chỉ trích rằng báo cáo này không đưa ra được một phương thức nhất quán để đánh giá việc tuân thủ.

Ví dụ như trường hợp của Cuba, nước bị chỉ trích nhiều năm ròng vì không tuân thủ các tiêu chuẩn về phòng chống buôn người, lại được nâng thứ hạng trong báo cáo thường niên của Bộ ngoại giao Mỹ hồi năm ngoái. Một số nhà hoạt động nhân quyền cho rằng quyết định này được dựa trên các động cơ chính trị của Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG