Thổ Nhĩ Kỳ gần như đóng hẳn biên giới ngăn người Syria tỵ nạn, theo một bản phúc trình của tổ chức Human Rights Watch, có trụ sở ở Hoa Kỳ. Theo tường trình từ Istanbul của thông tín viên Dorian Jones, nhóm này lên án Ankara là đẩy người tỵ nạn vào vòng tay của những kẻ buôn người trong khi Nga tăng cường chiến dịch oanh kích ở Syria.
Human Rights Watch nói Thổ Nhĩ Kỳ đã chấm dứt chính sách mở cửa thu nhận người Syria tỵ nạn, và trong mấy tháng vừa qua đã tăng cường việc kiểm tra các điểm vượt biên không chính thức của người tỵ nạn.
Quyết định của Ankara đang gây nguy cơ cho người tỵ nạn, theo bà Emma Sinclair-Webb, nhà nghiên cứu kỳ cựu về Thổ Nhĩ Kỳ của HRW.
“Biên giới đã đóng cửa đối với mọi mục đích và người tỵ nạn phải dựa vào những tuyến đường khá nguy hiểm của bọn buôn người để vào Thổ Nhĩ Kỳ. Và rõ ràng việc này có tác động rất xấu đối với những người đau yếu, già cả, trẻ em và những người thực sự thiếu thốn.”
Khi được tiếp xúc, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã không đưa ra một lời đáp.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện tiếp nhận nhiều người tỵ nạn hơn so với bất cứ nước nào, với hơn 2 triệu người Syria và Iraq được cho tỵ nạn. Bà Sinclair-Webb của HRW nói Thổ Nhĩ Kỳ phải để cửa ngỏ trong lúc máy bay Nga tăng cường hoạt động ở Syria.
“Trên 100 ngàn được đề cập tới như con số người có thể đi trốn tránh các cuộc oanh tạc của Nga. Và Thổ Nhĩ Kỳ có một nghĩa vụ theo luật quốc tế phải mở cửa biên giới cho người tỵ nạn, trong lúc cũng kiểm tra họ vì các lý do an ninh.”
Phúc trình của HRW nói cộng đồng quốc tế, nhất là Liên hiệp châu Âu, phải làm phần vụ của mình trong việc giúp làm nhẹ bớt gánh nặng cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara nói đã chi ra hơn 6 tỷ đôla để tiếp nhận người tỵ nạn và đang yêu cầu Liên hiệp châu Âu làm phần vụ của mình trong việc đối phó với vụ khủng hoảng. Cuộc họp thượng đỉnh EU và Thổ Nhĩ Kỳ về người tỵ nạn sẽ được tổ chức trong những ngày sắp tới, nhưng các quan sát viên cảnh báo rằng các bên vẫn còn chia rẽ sâu xa về những vấn đề chủ chốt.