Đường dẫn truy cập

Mỹ sẽ cho nhập cảnh du khách quốc tế đã tiêm chủng


Điều phối viên đáp ứng COVID của Tòa Bạch Ốc, Jeff Zients,
Điều phối viên đáp ứng COVID của Tòa Bạch Ốc, Jeff Zients,

Hoa Kỳ tháng 11 này sẽ tái mở cửa cho du khách đáp máy bay từ Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và nhiều nước châu Âu khác đã chích ngừa đầy đủ chống COVID-19, Tòa Bạch Ốc loan báo ngày 20/9, rút lại những hạn chế khắc nghiệt về du hành liên quan đến đại dịch áp dụng từ đầu năm ngoái.

Quyết định do điều phối viên đáp ứng COVID của Tòa Bạch Ốc, Jeff Zients, loan báo đánh dấu một sự thay đổi thình lình về chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Mới tuần trước, Mỹ nói chưa tới lúc để gỡ bỏ bất cứ hạn chế nào. Những hạn chế này đã ngăn hàng chục ngàn người nước ngoài đến Mỹ để thăm thân nhân hay làm việc.

Lệnh cấm nhập cảnh những ai không phải là công dân Mỹ được áp đặt đầu tiên đối với các hành khách tới từ Trung Quốc hồi tháng 1/2020 bởi cựu Tổng thống Donald Trump và sau đó nới rộng sang các nước khác trong các tháng tiếp theo.

Hoa Kỳ sẽ cho nhập cảnh du khách đã tiêm chủng hoàn toàn từ 26 nước Schengen ở châu Âu gồm Pháp, Đức, Ý, Tân Ban Nha, Thụy Sĩ và Hy Lạp, cũng như Anh, Ireland, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Iran và Brazil. Chính sách hiện hành cấm nhập cảnh những ai không phải công dân Mỹ có mặt tại những nước này trong vòng 14 ngày.

Ông Zients không cho biết chính xác thời điểm dỡ bỏ lệnh cấm cụ thể là ngày nào, chỉ nói là đầu tháng 11.

Chính sách mới được loan báo trước khi Mỹ tiếp các nhà lãnh đạo Anh, Ấn Độ, Nhật và Úc tại Tòa Bạch Ốc trong tuần này.

Người Mỹ từ nước ngoài trở về mà chưa tiêm chủng sẽ phải trưng bằng chứng xét nghiệm âm tính COVID-19 trong vòng một ngày lên đường và bằng chứng đã mua một bộ xét nghiệm virus để thử COVID khi đặt chân tới Mỹ.

Các nước trong đại dịch đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế và lệnh cấm du hành bằng đường hàng không để cản đà sự lây lan của COVID. Các chính sách này làm tổn hại ngành hàng không, du lịch khiến ngành hàng không cắt giảm hàng loạt các dịch vụ và cho nhân viên nghỉ việc.

Anh và Đức đã lên tiếng hoan nghênh quyết định nới lỏng của Mỹ mà họ nói là sẽ giúp phát huy giao tiếp giữa người với người và thúc đẩy kinh doanh xuyên biên giới.

Loại vaccine nào?

Tòa Bạch Ốc cho hay Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ quyết định loại vaccine nào đáp ứng yêu cầu nhập cảnh Mỹ, trong đó có việc liệu những ai đã tiêm các loại vaccine không được giới thẩm quyền y tế Mỹ chấp thuận thì có được nhập cảnh Mỹ hay không. Công dân nước ngoài sẽ phải trưng bằng chứng tiêm chủng trước khi lên máy bay và khi tới Mỹ sẽ không bị yêu cầu cách ly.

Sẽ có một số ngoại lệ về chính sách vaccine, các giới chức nói, bao gồm ngoại lệ cho trẻ em chưa đủ điều kiện tiêm chủng. Quy định mới chưa áp dụng cho du khách vào Mỹ theo đường bộ qua biên giới Mexico và Canada.

Một số nước châu Âu và các nước khác trên danh sách hạn chế đã được đến Mỹ bao gồm sinh viên, nhà báo và những người khác được phép của Bộ Ngoại giao.

Ông Zients cho hay Mỹ một lần nữa gia hạn những hạn chế cấm du hành không cần thiết cho đến ngày 21/10.

Những người chỉ trích cho rằng hạn chế du hành không còn ý nghĩa vì một số nước có tỉ lệ COVID cao không còn trong danh sách hạn chế trong khi một số nước trên danh sách đã kiểm soát được đại dịch.

Hiệp hội du hành Mỹ từng ước tính là các lệnh hạn chế nếu kéo dài đến cuối năm nay sẽ làm thiệt hại cho kinh tế Mỹ 325 tỉ đô la và làm mất 1,1 triệu việc làm.

Các hãng hàng không tích cực vận động Tòa Bạch Ốc gỡ bỏ những hạn chế, nhưng nỗ lực bất thành trong mùa du lịch hè. Tòa Bạch Ốc vào tháng 7 nói họ quan ngại về biến thể Delta lây nhiễm cao và số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại Mỹ.

Ông Zients cho biết hệ thống mới sẽ bao gồm thu thập dữ liệu truy vết tiếp xúc từ hành khách đến Mỹ.

Kể từ khi đại dịch COVID bùng ra, Trung Quốc và Mỹ đã lời qua tiếng lại về các dịch vụ hàng không.

Tổng thống Biden vào tháng 4 bổ sung các hạn chế du hành mới đối với Ấn Độ. Ông Biden cũng đảo ngược kế hoạch của ông Trump vào tháng Giêng gỡ bỏ những hạn chế đối với các nước châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG