Đường dẫn truy cập

Mỹ-Nhật tăng cường hợp tác an ninh


Máy bay do thám tầm xa Global Hawk của Không quân Hoa Kỳ.
Máy bay do thám tầm xa Global Hawk của Không quân Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ và Nhật Bản đồng ý tăng cường hoạt động trinh sát khu vực giữa lúc có những mối căng thẳng về vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và những mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên. Theo tường thuật của thông tín viên Daniel Schearf tại trung tâm tin tức Đông Bắc Á của đài VOA ở Seoul, các giới chức Hoa Kỳ cũng hoan nghênh việc Nhật Bản nắm giữ vai trò lớn hơn trong công cuộc phòng vệ của nước họ.

Lần đầu tiên, Ngũ giác đài sẽ đưa các máy bay không người lái trinh sát tầm xa tới Nhật Bản và triển khai máy bay tuần tra biển loại mới là máy bay P-8.

Các giới chức quốc phòng và ngoại giao hàng đầu của hai nước cũng đồng ý đặt thêm một hệ thống ra đa phòng thủ phi đạn thứ nhì tại Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã phát biểu như sau về mục đích của hệ thống cảnh báo sớm này.

"Ra đa bổ sung này sẽ tăng cường khả năng của chúng tôi để bảo vệ nước Mỹ và Nhật Bản chống lại phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Và việc này tăng cường cho khả năng của mối quan hệ đồng minh quan trọng trong thế kỷ 21."

Tuy ra đa dùng để theo dõi phi đạn là nhắm vào Bắc Triều Tiên, nhưng thiết bị trinh sát tối tân này có phần chắc cũng nhắm tới Trung Quốc.
Bắc Kinh hồi gần đây đã thường xuyên phái máy bay và tàu bè đến gần quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát. Trung Quốc gọi nhóm đảo này là Điếu Ngư và nhất mực cho là thuộc chủ quyền của mình.

Một thông cáo chung của Ủy ban Tư vấn An ninh Mỹ-Nhật hối thúc Trung Quốc tuân thủ các qui tắc hành xử quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và các đối tác Nhật Bản bắt tay sau khi ký kết thỏa thuận mới tại Tokyo ngày 3/10/2013.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và các đối tác Nhật Bản bắt tay sau khi ký kết thỏa thuận mới tại Tokyo ngày 3/10/2013.
Bộ trưởng Hagel cũng tái khẳng định quần đảo Senkaku thuộc phạm vi áp dụng của hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật và Hoa Kỳ có bổn phận giúp Nhật bảo vệ.

"Chúng tôi mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động ép buộc đơn phương nào gây phương hại cho quyền kiểm soát hành chánh của Nhật Bản."

Thông cáo chung cũng nói tới những dự án phòng vệ hỗn hợp nhằm chống lại những vụ tấn công mạng, chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác trong không gian.

Đôi bên cũng đồng ý sửa đổi hiệp ước phòng thủ để dành cho Tokyo một vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của chính mình.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tìm cách sửa đổi bản hiến pháp chủ hòa, gây ra những mối quan tâm cho các nước láng giềng.

Nhưng Hoa Kỳ hoan nghênh vai trò lớn hơn của Nhật và cho rằng mục tiêu nhắm tới là một mối quan hệ đồng minh cân bằng và hiệu quả hơn giữa quân đội hai nước trong tư cách là những đối tác bình đẳng.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng các cuộc thảo luận giữa đôi bên sẽ hiện đại hóa sự hợp tác trong cả hai lãnh vực ngoại giao và quốc phòng.

"Hôm nay chúng tôi đã đồng ý xem xét lại các văn bản hướng dẫn về công cuộc hợp tác quốc phòng và trong những tháng tới đây chúng tôi sẽ làm việc chung với nhau để hình thành một khung sườn nhằm hướng dẫn mối quan hệ đồng minh của chúng tôi trong tương lai."

Hai nước đã đồng ý với nhau là vào cuối năm 2014 một ủy ban sẽ đưa ra những đề nghị thay đổi cho Văn bản Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng Mỹ Nhật năm 1997.

Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng tái khẳng định kế hoạch dời 9.000 binh sĩ Mỹ ra khỏi các căn cứ ở Okinawa.

Hơn phân nửa số binh sĩ đó sẽ dời tới đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái bình dương, trong 10 năm tới đây; và Nhật Bản đồng ý đài thọ 3 tỉ đô la cho kế hoạch di dời này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG