Những chế tài mới được công bố của Mỹ nhắm vào lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vì những vi phạm nhân quyền dự kiến sẽ không có bất kỳ tác động tức thời nào, nhưng những người ủng hộ nói rằng những biện pháp này sẽ tăng áp lực lên nhà nước áp chế này và tiếp tục cô lập giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Hàn Quốc hôm thứ Năm bày tỏ sự đoàn kết với quyết định của Washington đưa lãnh tụ Bắc Triều Tiên, cùng với 22 thực thể và cá nhân khác, vào danh sách đen vì vai trò của họ trong những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, vì truy lùng những người đào tị hoặc kiểm duyệt ở Bắc Triều Tiên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June-hyuck nói:
"Chúng tôi kỳ vọng rằng những chế tài này sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về tình trạng nghiêm trọng của những vi phạm nhân quyền rộng lớn và có hệ thống ở Bắc Triều Tiên, đồng thời góp phần tăng cường những biện pháp có liên quan và thúc đẩy cuộc thảo luận về vấn đề này."
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power cho biết trong một tuyên bố:
"Những nỗ lực này gửi một thông điệp rõ ràng, không chỉ tới những nhà lãnh đạo cấp cao mà còn những người quản lý trại tù và những lính gác, những người kiểm duyệt, những cảnh sát chìm, những người thẩm vấn, và những người đàn áp người đào tị, rằng thế giới đang ghi lại những vụ vi phạm của các người, và chúng sẽ không bị quên lãng."
Vào năm 2014, một Ủy ban Điều tra của Liên Hiệp Quốc công bố một bản báo cáo ghi lại những vi phạm nhân quyền tràn lan và có hệ thống của Bắc Triều Tiên, trong đó có những vụ giết người ngoài vòng pháp luật, cưỡng bức mất tích, bắt giữ tùy tiện, đánh đập, bỏ đói, tấn công tình dục, cưỡng bức lao động và tra tấn. Báo cáo lưu ý rằng nhiều trong số những vi phạm này được thực hiện trong những trại tù chính trị của đất nước, nơi giam giữ khoảng 80.000 đến 120.000 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em.
Tiền lệ về nhân quyền
Những biện pháp này của Mỹ công bố hôm thứ Tư đánh dấu lần đầu tiên Bắc Triều Tiên bị trừng phạt chỉ vì những vi phạm nhân quyền.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng những chế tài mới phản ánh sự chú trọng và mối lo ngại ngày càng tăng của quốc tế về những hành vi tàn bạo xảy ra ở Bắc Triều Tiên.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc bộ phận Châu Á của tổ chức này, nói:
"Điều chúng ta đang thấy bây giờ là mối lo ngại về những vi phạm nhân quyền của chính phủ Bắc Triều Tiên và những nhân vật thứ cấp trong chính phủ đó đã thực sự trở thành một phần của quan điểm chính thống trong sự giao tiếp của cộng đồng quốc tế đối với Bắc Triều Tiên."
Từ năm 2006, Liên Hiệp Quốc đã áp đặt những chế tài ngày càng mạnh hơn nhắm vào Bắc Triều Tiên vì nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và chương trình phi đạn đạn đạo bị cấm.
Năm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt những biện pháp cứng rắn mới bao gồm đình chỉ những vụ chuyển giao tiền tệ và hạn chế hoạt động buôn bán khoáng sản sinh lời lớn của Bắc Triều Tiên, sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư và một vụ phóng phi đạn tầm xa sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo.
Bắc Triều Tiên thách thức
Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ phản ứng bằng sự thách thức đối với những chế tài mới của Mỹ. Sau khi có những chế tài mới nhất của Liên Hiệp Quốc, Bắc Triều Tiên đã tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình phát triển hạt nhân của mình và bắn thử nghiệm nhiều phi đạn tầm ngắn và tầm trung.
Tác động kinh tế tức thời của những biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ khá hạn chế, vì Mỹ hầu như không có mối quan hệ kinh doanh trực tiếp với Bắc Triều Tiên.
Và một số nhà phân tích nói rằng những biện pháp trừng phạt này sẽ chỉ càng củng cố thế đối đầu giữa hai đối thủ Bình Nhưỡng và Washington, và làm cho việc theo đuổi những cuộc thương thuyết ngoại giao trong tương lai trở nên khó khăn hơn.
Mặc dù tác động của những biện pháp trừng phạt mới có thể mang tính tượng trưng, những quan chức Mỹ nói rằng điều quan trọng là tập trung sự chú ý vào chính phủ của Kim Jong Un vì những vi phạm tái diễn và liên tục của nước này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói:
"Nếu chỉ ngồi lặng thinh không nói gì, không làm gì và không trừng phạt gì thì việc này sẽ gửi đi một thông điệp hoàn toàn sai lạc tới ông ta và có thể khiến ông ta mạnh dạn tiếp tục những hành động vô đạo này đối với người dân của chính ông ta."
Tài sản hoặc lợi ích tài chính của những người bị liệt vào danh sách được gọi là Những Công dân bị Định danh Đặc biệt và Những Người bị Ngăn chặn, nằm trong thẩm quyền tài phán của Mỹ, sẽ bị phong tỏa. Ngoài ra, những giao dịch của những công dân Mỹ liên quan tới những người bị định danh nhìn chung bị cấm chỉ.
Những quan chức Bắc Triều Tiên bị nêu tên trong danh sách đen bao gồm Choe Pu Il, Bộ trưởng Bộ An ninh Nhân dân; Ri Song Chol, một cố vấn trong Bộ An ninh Nhân dân; cũng như Kang Song Nam, một giám đốc văn phòng thuộc Bộ An ninh Quốc gia.
Giới chức Mỹ cho biết những hành động hôm thứ Tư sẽ tăng cường và mở rộng chế tài đối với Bắc Triều Tiên. Những hành động này nhất quán với Đạo luật Chế tài và Cải thiện Chính sách Bắc Triều Tiên năm 2016, đã được Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Barack Obama ký thành luật vào tháng 2.
Ngoài Kim Jong Un, Mỹ cũng đưa vào danh sách đen những nhân vật bao gồm Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.