Một cuộc điều tra do tổ chức Global Witness có trụ sở tại London phát hiện một mạng lưới công ty phức tạp của Campuchia có giá trị khoảng 200 triệu đôla, liên hệ đến gia đình của Thủ tướng chuyên quyền Hun Sen. Từ Pnom Penh, Thông tín viên Luke Hunt của VOA gửi về bài tường thuật.
Phúc trình có tên là Hostile Takeover cho biết “Đây chỉ là phần nổi của một tảng băng”.
Phúc trình không bao gồm những bất động sản khổng lồ của gia đình Hun Sen nhưng trích lời các chuyên gia cho rằng giá trị tài sản của gia đình Hun Sen có thể lên tới từ 500 triệu đôla đến 1 tỉ đôla.
Đây là một tài sản khổng lồ so với số tiền 13.800 đôla một năm ông Hun Sen nói ông nhận được trong cương vị thủ tướng và lãnh tụ của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP).
Khoảng cách giàu nghèo
Khoảng 40% dân chúng Campuchia sống gần hay dưới mức nghèo khổ, 40% trẻ em bị suy dinh dưỡng và khoảng cách giữa người giàu và người nghèo là một vấn đề xã hội nghiêm trọng.
Phúc trình mới công bố cho biết hai người con trai lớn Manet và Many cùng với bà Bun Rany, vợ ông Hun Sen, hiện đứng đầu Hội Chữ thập Đỏ Campuchia, ít che giấu những quan hệ chính trị và thường được đề cập đến như là “cánh nhân đạo” của CPP.
Tuy nhiên chính bà Mana, con gái lớn nhất của gia đình Hun Sen, nổi lên như là người thành công nhất trong gia đình. Bà là một trong hai người mà công ty của họ kiểm soát cả 3 ngành truyền thông chính là truyền hình, truyền thanh và báo chí. Người kia là Thượng nghị sĩ Ly Yong Phat thuộc đảng CPP, một đồng minh thân cận của ông Hun Sen.
Tổ chức Global Winess nói “Hostile Takeover vạch trần một mạng lưới khổng lồ về những giao dịch bí mật và tham nhũng làm cơ sở cho 30 năm cai trị độc tài bằng thủ tiêu, tra tấn và bỏ tù những đối thủ chính trị của ông.”
Gia đình Hun Sen có liên hệ với hàng chục công ty
Phúc trình cho thấy gia đình Hun Sen có liên hệ đến 114 công ty trong hầu hết các lãnh vực của nền kinh tế Campuchia bao gồm hầm mỏ, nông nghiệp, điện lực cho đến truyền thông, may mặc, lâm nghiệp và chuyên chở.
Trong số này có 103 công ty do người thân trong gia đình Hun Sen làm chủ tịch, trong khi 44 công ty khác những thân nhân của ông Hun Sen là chủ nhân có thế lực với tối thiểu 5% cổ phần, và 33 công ty trong đó một người thân trong gia đình là chủ nhân duy nhất.
Phúc trình cho biết là nhiều công ty có liên hệ đến những công ty quốc tế như Apple, Visa, Procter & Gamble, Tommy Hilfiger và Polo Ralph Lauren và nhiều dữ liệu khác thu thập được trên Internet cho thấy có nhiều công ty liên hệ đến những công ty quốc doanh. Tuy nhiên việc tiếp cận những dữ liệu này bị hạn chế.
Ông Patrick Alley, đồng sáng lập Global Withess, nói: “Con số 200 triệu đôla phản ánh trị giá được liệt kê của những công ty và chúng tôi tin là con số thực sự còn cao hơn nữa vì một vài lý do”.
Ông Patrick Alley nói tiếp: “Một trong những lý do là giá trị tài sản được liệt kê, là giá trị khi công ty được thành lập, và hiện nay giá trị này cao hơn nhiều và chúng tôi chỉ đề cập đến những công ty mà chúng tôi thấy có những mối liên hệ. Và chúng tôi tin là gia đình Hun Sen sở hữu nhiều công ty được che giấu sau những giám đốc được bổ nhiệm, những công ty do những người vô danh làm chủ mà chúng tôi chỉ có thể tìm cách phát hiện mà thôi. Trong nhiều năm, chúng tôi nghe đến con số từ 500 triệu đôla đến 1 tỷ đôla nhưng chúng tôi không thể kiểm chứng được việc này”.
Đàn áp đối lập
Phúc trình đề cập đến một điểm quan trọng tại Campuchia, nơi những người ủng hộ Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập bị bắt bớ tùy tiện và bị giam cầm. Năm ngoái, hai thành viên quốc hội của đảng Cứu quốc Campuchia bị hành hung bên ngoài quốc hội Campuchia.
Việc đàn áp của Đảng CPP diễn ra khi cả hai đảng bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch bầu cử thôn xã vào thời điểm này trong năm và cuộc tổng tuyển cử một năm sau đó.
Ông Hun Sen và đảng CPP của ông bị choáng váng vì kết quả ngược lại với dự tính của đảng trong cuộc bầu cử vào năm 2013, khi đảng cầm quyền chỉ chiếm một đa số ít ỏi vào lúc Đảng Cứu quốc Campuchia cho rằng chính phủ gian lận bầu cử bằng cách đe dọa cử tri bầu theo ý của đảng.
Cảnh báo đối với các doanh nhân nước ngoài
Ông Stephen Peel, một cựu thành viên của công ty tư TPG Capital và là một thành viên Hội đồng Quản trị của Global Witness, nói quá nhiều giới chức công ty xem tham nhũng như là một thách thức pháp lý và là một vấn đề cần phải luồn lách so với việc giao dịch đứng trên quan điểm đạo đức và luân lý.
Ông Peel nói: "Các công ty phải suy nghĩ kỹ càng trước khi bắt đầu có những mối giao dịch về mặt kinh doanh, dù đó là đầu tư hay liên doanh hay những thỏa thuận cấp quyền kinh doanh, thỏa thuận phân phối, với những chế độ như thế này".
Phúc trình nêu lên những cáo buộc là gia đình ông Hun Sen có liên hệ đến tội phạm.
Hostile Takeover cũng đề cập đến ông Hun To, cháu trai của ông Hun Sen. Ông này phủ nhận những cáo buộc là ông có liên hệ đến buôn lậu ma túy và rửa tiền nhắm vào Australia.
Phúc trình cho biết “Trong gia đình ông Hun Sen, có nhiều người từng bị tố cáo là có dính líu trong các hoạt động buôn lậu ma túy trị giá 1 tỉ đôla, các vụ nổ súng, lái xe gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy, chiếm đất đai khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, khiến dân chúng vùng quê Campuchia lâm vào cảnh cơ hàn”.
Không thể tiếp xúc với phát ngôn viên chính phủ để yêu cầu bình luận về việc này, Global Witness cho biết đã gởi thư cho 25 thân nhân trong gia đình của thủ tướng để yêu cầu trả lời. Global Witness nhận được một câu trả lời, nhưng câu trả lời này không đáp ứng bất kỳ cáo buộc nào.
Global Witness nói phúc trình này là một cảnh báo đối với các nhà đầu tư, hối thúc họ nên hết sức cẩn trọng tại Campuchia và hãy báo cáo bất cứ chứng cớ nào về các hành vi tham nhũng với giới hữu trách quốc tế. Phúc trình của Global Witness còn kêu gọi gia đình Hun Sen hãy công bố công khai và đầy đủ những tài sản của họ.